Điều gì "giết chết" trường trung cấp?
Chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH-CĐ ngày càng mở rộng, phương thức tuyển sinh ĐH cũng dần thay đổi theo kiểu “không thi cũng đậu” khiến việc tuyển sinh bậc trung cấp đã khó càng thêm khó.
“Chi mạnh” nhưng không có người học
Trên 90% học sinh (HS) lớp 12 nhắm đến các trường ĐH, số còn lại chọn đi du học hoặc chưa biết chọn gì. Nhiều cuộc khảo sát việc chọn trường sau THPT đều cho kết quả như vậy. Hầu như không có HS nào đặt bút ghi danh vào các trường TCCN. 100% HS lớp 12 tại các trường THPT Nhân Việt, Hồng Hà đều nhắm đến “đích” ĐH-CĐ. Thực tế cũng cho thấy, có khoảng 90% HS lớp 12 các trường THPT có tiếng tại TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Gia Định, Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân... trúng tuyển vào các trường ĐH tại Việt Nam hoặc chọn đi du học. HS có học lực thấp hơn thì vào các trường CĐ hoặc chọn luyện thi lại, hiếm chịu “xuống” học trung cấp (TC).
Để tự “cứu” mình, các trường TC đã không tiếc kinh phí đầu tư trang thiết bị, chương trình đào tạo nhằm thu hút và giữ chân người học. “Chi phí đầu tư không hề nhỏ, một máy đo đạc môi trường đã hơn 200 triệu, nhưng chúng tôi không tiếc trang bị cho HS thực hành. Nhà trường đầu tư cả tỷ đồng mua thiết bị mới mỗi năm” - ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng cho biết. Chủ trường TC Tây Sài Gòn cũng “chịu chi” nâng cấp máy tính và máy móc mỗi năm để thu hút người học vào các ngành công nghệ may, công nghệ mạng máy tính... Trường TC nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương là một trong những trường TC “mạnh tay” đầu tư trang bị máy móc hiện đại cho các ngành cơ khí, sửa chữa ô tô, điện... ở mức không thua trường ĐH nào. Hiện có khoảng 100 trường TC đã tham gia và hoàn thành tự đánh giá, minh chứng về chất lượng với người học. Thế nhưng, các trường vẫn phải mỏi mòn... chờ người học.
Hiện đang là cao điểm của mùa tuyển sinh TC, nhưng “bức tranh” tuyển sinh vô cùng u ám: Trường TC kinh tế công nghệ Gia Định chưa tuyển được học viên (HV) nào, Trường TC Tây Sài Gòn chỉ tuyển được 200 HV cho 600 chỉ tiêu, Trường TC Việt Khoa cũng chỉ tuyển được 200. Trường TC Ánh Sáng là một trong những trường tuyển sinh khá nhất cũng chỉ đạt khoảng 50% cho hơn 1.500 chỉ tiêu. Thầy Phạm Dũng Danh, Hiệu trưởng Trường TC Tổng hợp kỹ thuật Đông Nam Á cho biết, những năm trước, đến thời điểm này trường đã tuyển được 500-600 HV, nhưng năm nay "bòn mót" mãi vẫn chưa đến 300, chưa được một nửa chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, số lượng HV của các trường TCCN đang giảm mạnh. Cụ thể, năm học 2013 - 2014 có hơn 485.000 HV, giảm hơn 130.000 so với năm trước. Kết thúc mùa tuyển sinh 2013, hầu hết các trường TC đều tuyển không đạt 50% chỉ tiêu, đặc biệt có đến 38 trường không tuyển được HV nào. Theo dự đoán của nhiều trường thì mùa tuyển sinh năm nay còn thê thảm hơn.
Lỗi tại ai?
Trong những hội thảo liên quan đến bậc TCCN, bộ chủ quản thường khẳng định mỗi năm có hơn một triệu HS tốt nghiệp THPT trong khi chỉ tiêu bậc ĐH chỉ hơn 400.000. Vậy không thể nói các trường TCCN thiếu nguồn tuyển. Người học đã đi đâu?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến việc tuyển sinh TC “bít cửa” không phải ở chỗ thiếu nguồn tuyển mà vì xu hướng “ĐH hóa”. Ông Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng Trường TC Việt Khoa cho biết: việc siết điều kiện liên thông ĐH-CĐ để đảm bảo chất lượng, hạn chế các trường ĐH-CĐ tuyển sinh liên thông ồ ạt. Nhưng điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tuyển sinh TC, bởi ít ai còn muốn đi con đường vòng phải mất bảy-tám năm mới lấy được bằng ĐH. “Dư chấn” siết liên thông chưa hết thì “cơn bão” đề án tuyển sinh riêng vào các trường ĐH-CĐ với phương thức “xét học bạ vào ĐH” lại đến, đường vào ĐH-CĐ thênh thang, nên chẳng còn mấy HS chịu vào TC.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường TC Tây Sài Gòn nêu: “Khi các trường ĐH-CĐ được “nới” thêm tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ thì điểm phổ thông cần được hậu kiểm nghiêm ngặt, xử lý nghiêm tuyển vượt chỉ tiêu. Thử xem qua các trường ĐH ngoài công lập có đề án tuyển sinh riêng, chúng tôi nhận thấy không trường nào “chê” khi có người nộp học bạ xét tuyển; cũng chẳng trường nào từ chối người học vì đã đủ chỉ tiêu”.
ThS Lâm Văn Quản, Trưởng phòng TCCN-CĐ và ĐH thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận tình hình tuyển sinh của bậc TCCN năm nay rất bi đát, nhất là các trường ngoài công lập. Nhiều trường ĐH tuyển sinh chỉ cần xét học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp. “Chúng tôi đang khảo sát tổng hợp tình hình tuyển sinh, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho bậc học này như miễn giảm học phí, cơ chế tuyển sinh, thực hiện các mô hình đào tạo mới... Nhưng quan trọng nhất, các trường phải “tự cứu” mình, nâng cao chất lượng đào tạo chung cho cả hệ thống để thay đổi cái nhìn của người học” - ThS Quản cho biết.
Nhiều trường TC chỉ rõ, việc xác định chỉ tiêu hay làm công tác tuyển sinh, Bộ đều “lo” cho bậc ĐH-CĐ. Mỗi năm, Bộ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH trên 400.000, CĐ gần 300.000 và TC khoảng 300.000 (tỷ lệ ĐH-CĐ và TCCN là 7/3), cho thấy sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực cũng như thị trường lao động, đi ngược xu hướng của các nước phát triển. Hiệu trưởng một trường cảm thán: “Chỉ hơn 60 trường làm đề án tuyển sinh riêng cũng đã vét gần hết thí sinh. Năm sau sẽ như thế nào? Nếu bỏ thi “ba chung” thì Bộ phải khống chế chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp với cơ cấu thị trường lao động, phải có “luật chơi” rõ ràng để ràng buộc các trường ĐH-CĐ không được xé rào tuyển tràn lan. Nếu không, việc tuyển sinh TCCN mỗi năm sẽ càng khó khăn hơn. Với đà này, chủ trương phân luồng HS sau THCS e đứng trước nguy cơ phá sản”.
GIA TUỆ
Nguồn: phunuonline.com.vn