Kỳ thi tốt nghiệp không còn quan trọng

Kỳ thi tốt nghiệp không còn quan trọng

970
  Tải tài liệu

Nhiều chuyên gia sau vụ việc chấm thi theo kiểu “thỏa thuận” ở 11 tỉnh ĐBSCL đã tiếp tục khẳng định sự vô tác dụng của hình thức chấm chéo mà Bộ GD-ĐT đã áp dụng 3 năm gần đây.

Khóa cửa, quên chìa

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, GS - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu QH cho rằng: tôi thấy thật khôi hài về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nếu làm thực chất, chỉ trung bình khoảng 70% học sinh tốt nghiệp là phản ánh tương đối đúng thực tế.

Không chấm theo đáp án của Bộ

Nhiều giáo viên tại 11 tỉnh ĐBSCL có thỏa thuận thống nhất cách chấm điểm theo hướng “mở” khẳng định họ chỉ chấm thi theo hướng dẫn của các tỉnh chứ không theo đáp án của Bộ GD-ĐT.

Thầy L., một giáo viên ở tỉnh Sóc Trăng cho biết trước khi chấm thi môn văn, các giáo viên được tổ trưởng tổ chấm thi của tỉnh này đọc biên bản thống nhất đáp án ngữ văn kỳ thi TN THPT của 11 tỉnh trong khu vực. Tổ trưởng tổ chấm thi cho rằng vì lý do tế nhị nên chỉ đọc cho các giáo viên nghe và chép lại vào sổ để chấm thi mà không giao biên bản. Giáo viên này cho biết, đáp án của sở GD-ĐT 11 tỉnh trong khu vực đã thống nhất thì quá thoáng, mở hết cỡ. Biên bản chấm thi môn văn còn lưu ý: “Học sinh nêu dư ý trong bài làm không trừ điểm, không tính lỗi chính tả, không yêu cầu viết thành đoạn văn”. “Chấm bài thì môn văn mà “không tính lỗi chính tả” thì thật không hiểu nổi. Chính sự nới lỏng này mà nhiều thí sinh dù bài làm có qua loa cũng đạt từ 7 - 8 điểm”, một giáo viên bức xúc nói.

Trần Thanh Phong

Một vị lãnh đạo Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP Hà Nội bày tỏ quan điểm: khi Bộ đưa ra quy định về chấm chéo rất chặt chẽ, nghĩa là để cho tỉnh này chấm bài thi của học sinh tỉnh kia để tránh sự nể nang mà lại cho phép 11 tỉnh chấm bài thi của nhau ngồi với nhau để họp bàn chấm thi như thế nào là đã có “vấn đề”. Nhà giáo này cho rằng: “Đây là sự “sơ hở” của Bộ GD-ĐT, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải thấy có điều gì đó không bình thường trong công văn xin phép họp bàn này. Làm như vậy khác gì anh khóa cửa trong cửa ngoài rất chặt nhưng anh lại vứt chìa khóa ngay tại đấy cho người ngoài mở cửa mà vào”.

Bà Nguyễn Như Hương, giáo viên dạy văn trường THPT Phạm Hồng Thái nêu ý kiến: “Là một kỳ thi quốc gia, nhất cử nhất động ở dưới cơ sở phải tuân theo quy định, tôi cho rằng không nên có ngoại lệ, kể cả việc các tỉnh ngồi với nhau để họp về hướng dẫn chấm của Bộ. Nếu đáp án của Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh thì địa phương kiến nghị lên để Bộ GD-ĐT điều chỉnh chứ không thể họp tự ý điều chỉnh như vậy. Là giáo viên, chúng tôi là người hơn ai hết mong học sinh của mình có tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách, nhưng nếu làm như các tỉnh ở ĐBSCL thì bất công cho những nỗ lực thật của thầy trò ở các nơi khác quá”.

Chấm chéo đã bị vô hiệu hóa

Mục đích của việc chấm đổi chéo bài thi tự luận mà Bộ GD-ĐT áp dụng trên toàn quốc là nhằm để việc chấm thi khách quan hơn. Tuy nhiên trên thực tế đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Năm đầu tiên áp dụng (2009), trước những bất thường ở kết quả bài thi một số môn ở các tỉnh ĐBSCL, Bộ GD-ĐT đã phải tiến hành chấm thẩm định và kết quả là các tỉnh này đều có biểu hiện chấm chặt, chấm lỏng.

Đến năm nay thì tình hình lại xoay theo một chiều hướng khác khi 11 tỉnh chấm bài thi của nhau cùng đồng thuận “bắt tay” để chấm theo kiểu thỏa thuận, “đôi bên cùng có lợi”.

Năm nào cũng vậy, các chuyên gia, GS đầu ngành trong lĩnh vực GD-ĐT khi trao đổi với PV Thanh Niên đều phát biểu rất rõ: việc chấm chéo, thi theo cụm mà Bộ đưa vào áp dụng không phát huy tác dụng, trái lại còn tốn kém và nhiều tiêu cực hơn. Tuy nhiên, đến năm nay Bộ GD-ĐT vẫn kiên trì áp dụng các hình thức thi này.

GS Nguyễn Lân Dũng cho hay tại các kỳ họp Quốc hội lần trước, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về hiệu quả của việc tổ chức thi theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tốt nghiệp THPT nhưng không có câu trả lời thỏa đáng.

GS Dũng bày tỏ quan điểm: thi tốt nghiệp thực ra không quan trọng và không phải làm căng thẳng. Nguyên tắc để đảm bảo chất lượng giáo dục không phải là kỳ thi cuối cấp mà là của từng ngày đi học. Học sinh đạt yêu cầu thì cho lên lớp, không đạt yêu cầu thì kiên quyết học lại, điểm của mỗi bài kiểm tra phải là điểm thật... làm được như vậy thì kỳ thi tốt nghiệp không còn quan trọng nữa, thi cũng được, không thi cũng chẳng sao. “Nếu tự tin vào chất lượng dạy và học thì thi tốt nghiệp sẽ rất nhẹ nhàng. Thi theo cụm, chấm chéo chỉ là sự đối phó quá tốn kém mà không giải quyết được vấn đề gì” - GS Dũng nói.

Chấm lại là “bi kịch” cho em!

Chị Nguyễn Anh Thư, một phụ huynh ở Cà Mau nói: “Tôi lo lắng không biết có chuyện chấm thi lại hay không. Trong khi ngày thi ĐH cũng gần kề. Con tôi đang đi ôn thi ở Cần Thơ, điện thoại về cháu rất lo lắng, bởi môn văn và toán cháu làm không được tốt lắm”. Còn thí sinh Lê Thanh Toàn (Cà Mau) lo lắng: “Thi xong, em cũng không tự tin là mình đậu tốt nghiệp, chứ đừng nói với số điểm 38. Giờ mà chấm lại, thì đúng là “bi kịch” cho em, mà ngày thi đại học lại sắp đến. Bạn bè em đứa nào cũng đang lo lắng, có hay không chuyện chấm thi lại”. Một giáo viên tham gia chấm thi thất vọng: “Với hướng dẫn chấm thi môn văn của 11 tỉnh ĐBSCL, thí sinh chỉ cần có viết chữ là có điểm. Môn văn mà điểm 8, điểm 9 đầy cả ra. Nhìn kết quả điểm thi của lớp tôi dạy, tôi thấy nhiều em đậu... oan”.

Gia Bách

Ý kiến 

Do chạy theo thành tích

“Trước đây ngành giáo dục từng đặt ra mục tiêu thi TN nghiêm túc để sau 10 năm sẽ áp dụng xét tuyển vào ĐH mà không phải thi tuyển tốn kém như hiện nay. Nhưng muốn xét tuyển tốt thì phải căn cứ vào kết quả thi TN THPT, mà thi trung học như cách của 11 tỉnh ĐBSCL làm là không ổn. Điều này là do các tỉnh chạy theo thành tích, trong khi điểm yếu nhất của nền giáo dục hiện nay là chất lượng giáo dục phổ thông. Ngày xưa học sinh tốt nghiệp tú tài đã có thể đi làm nuôi sống gia đình. Còn bây giờ học sinh tốt nghiệp tú tài ra trường không thể làm được gì”.

GS-TS Võ Tòng Xuân
Hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo

Tưởng là thương nhưng lại có tội

“Thống nhất đáp án là việc làm bình thường trong giáo dục. Nhưng từ việc thống nhất để thoát ly hoàn toàn hướng dẫn của Bộ lại là việc làm không đúng, thậm chí là phản giáo dục. Có thể quan điểm của những người chủ trương “mở rộng” nghĩ đó là việc làm nhân đạo, cấp một giấy thông hành cho học trò vào đời. Tưởng rằng như vậy là thương lớp trẻ, nhưng thật sự là có tội với đất nước và sự phát triển tương lai của dân tộc”.

TS Trần Thanh Đức
Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang

Hoàng Phương (ghi)

Không phản ánh thực lực của học sinh 

“Việc thông đồng để đối phó với “vùng trũng” giáo dục như ĐBSCL như vậy là hình thức chứ không phải nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là việc làm không trung thực! Với tình trạng này, nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Trước đây, GS Dương Thiệu Tống có một nghiên cứu về mức độ tương quan giữa điểm thi tú tài và điểm trong quá trình học ĐH của sinh viên. Nghiên cứu cho thấy điểm thi tú tài không phân biệt được khả năng của sinh viên lúc theo học ĐH nhưng lại gần với kết quả học tập của sinh viên này ở các lớp học phổ thông. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay là không cần thiết”.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
Phó hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long

Không muốn được “ưu ái” như thế này

“Qua tiếp xúc với học sinh và sinh viên của khu vực ĐBSCL đang học tại các trường ĐH, tôi thấy được sự tự ái của các em. Một sinh viên của trường đã tâm sự với tôi rằng: Nếu trong khuôn khổ cho phép có thể thoáng một chút thì cũng được miễn sao không vi phạm quy chế chung, còn nếu linh động đến mức phá rào thì các em không muốn chút nào. Em không muốn được “ưu ái” bằng cách này… nếu không muốn nói là các em bị xúc phạm”. Bộ GD-ĐT đã có chính sách về vùng miền rồi nên không cần thiết phải bổ sung và thỏa thuận thêm nữa. Sự kiện này minh chứng thêm sự không cần thiết tổ chức kỳ thi TN THPT - một kỳ thi quá căng thẳng, tốn kém để chỉ loại bỏ một tỷ lệ rất nhỏ”.

Thạc sĩ Trần Đình Lý
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Đăng Nguyên (ghi)

Tuệ Nguyễn

20/06/2011 – thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

970
  Tải tài liệu