Học ĐH còn 3 năm: Chúng tôi không còn phải lo còng lưng nữa

Sau khi Thủ tướng ký phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục, thời gian học đại học giảm đi, đồng thời chương trình học sẽ theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng. Những thay đổi tích cực trong hệ thống giáo dục đại học sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, sinh viên có cơ hội ra trường tìm kiếm việc làm sớm hơn.

816
  Tải tài liệu

Phụ huynh bớt được gánh nặng về kinh tế

So với khung hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành từ năm 1993, khung mới này không thay đổi về thời gian đào tạo ở các cấp mầm non, giáo dục phổ thông, nghĩa là học sinh vẫn sẽ học 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT. Học hết bậc THCS, học sinh được phân luồng mạnh mẽ theo hai hướng hoặc là THPT, hoặc là Trung cấp.

Tốt nghiệp hai bậc học trên, học sinh có thể đi tiếp lên cao đẳng (2 - 3 năm), hoặc đại học theo định hướng nghiên cứu, hoặc đại học theo định hướng ứng dụng. So với trước kia, thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian học cao đẳng 3 năm, nay linh động 2 - 3 năm. Dường như, những thay đổi ở bậc đại học đã tạo hiệu ứng tích cực trong sinh viên, giảng viên và đặc biệt là phụ huynh.

Là một gia đình có tiếng hiếu học trong làng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm (55 tuổi, Can Lộc, Hà Tĩnh) mấy năm qua vất vả, thậm chí nợ nần chồng chất để nuôi con học đại học. Anh Lâm chia sẻ: “Nhà có 6 sào ruộng và 2 sào đất mà vợ chồng tôi tối mặt với ruộng đồng vẫn không đủ tiền gửi hàng tháng cho con. Ai cho mướn ruộng, hai vợ chồng tôi cũng cố mà làm thêm thế nhưng cứ đến tháng gửi tiền cho con là méo mặt”.

Được biết, đứa con út của anh chị năm nay học 12, dự định thi ĐH Luật, nhưng do kinh phí để ba đứa con cùng học ở Hà Nội không đủ nên anh khuyên con gái út đăng ký học ở ĐH Sư phạm Vinh. Anh Lâm cho biết: “Học sư phạm sẽ không mất tiền học phí, cuối tuần có thể về lấy thức ăn ở nhà nữa nên chi phí giảm bớt được. Bốn đứa con ăn học, bình quân mỗi tháng, tôi phải kiếm được 6 triệu đồng tiền sinh hoạt phí cho con”.

Kinh tế là bài toán khó để những người có thu nhập thấp cho con đi học đại học bởi vậy khi rút ngắn thời gian học đại học anh Lâm cũng như nhiều phụ huynh rất phấn khởi. Anh Lâm cho biết: “Thời gian này báo đài thường xuyên đưa tin về việc rút ngắn thời gian đại học mà chúng tôi mừng. Chứ kéo dài 4 - 6 năm con ra trường chắc chúng tôi còng lưng, nợ nần chồng chất mất, bởi vậy rút ngắn từng nào hay từng đó”.

Chia sẻ về những ưu thế trong việc rút ngắn, anh Thành (48 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Đây là một chính sách khá hay, rút ngắn thời gian học đại học sẽ giảm chi phí cho phụ huynh cũng như Nhà nước rất lớn. Ngoài ra, rút ngắn thời gian để tập trung đào tạo những môn chuyên ngành, mang tính thực tiễn và ứng dụng cao hay hơn là những môn nặng về lý thuyết”.

Bên cạnh đó, anh Thành cũng kiến nghị rút ngắn thời gian học đại học nhưng phải cẩn trọng, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, sinh viên phải đủ kiến thức và kỹ năng thực hành, khi ra trường đáp ứng được đòi hỏi của công việc.

Sinh viên phải tăng cường độ học

Đó là chia sẻ của nhiều bạn sinh viên khi được hỏi về vấn đề này. Bạn Nguyễn Thị Khánh Huyền (sinh viên ĐH Ngoại Thương) chia sẻ: “Hiện nay, đa số các trường đều đào tạo theo hệ tín chỉ, do đó sinh viên có thể chủ động đăng ký lịch học phù hợp với thời gian của mình, có thể đăng ký nhiều tín chỉ trong một kỳ học để kết thúc thời gian học ở trường sớm hơn. Hơn nữa, khi ra trường sớm hơn một năm, tôi có thể tận dụng thời gian ra trường sớm để đi học việc lấy kinh nghiệm, đồng thời giảm bớt được chi phí cho gia đình".

Nhiều sinh viên cũng mong muốn, rút ngắn thời gian học thì thời lượng các môn lý thuyết sẽ giảm đi, tập trung vào các môn chuyên ngành và thực hành nhiều hơn. Do vậy, quá trình học sẽ thúc đẩy sinh viên phải học ngay từ đầu, cân bằng lượng kiến thức, các môn mang tính ứng dụng, thực hành sẽ được dàn trải ra các năm.

Bạn Lê Thị Hạnh - Trường ĐH Thủy lợi - cho biết: “Hiện nay, những năm đầu chủ yếu là học lý thuyết, chưa liên quan đến kiến thức chuyên ngành, thực hành nên nhiều bạn học lơ là, không chú trọng, mục đích đạt để điểm qua môn, do đó thời gian rảnh còn quá nhiều. Vì vậy, với chính sách rút ngắn thời gian, lượng kiến thức được san đều các năm nên nếu không học các bạn sẽ bị hổng kiến thức, không theo kịp tiến độ ra trường và cơ hội về việc làm cũng ít đi”.

NGÔ CHUYÊN
(laodong.com.vn – 29/11/2016)

Bài viết liên quan

816
  Tải tài liệu