Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT: Loay hoay tìm nhạc trưởng
Lỗ hổng tư vấn
Không chỉ là giải đáp câu hỏi
Hàng năm, đến hẹn lại lên vào mỗi mùa tuyển sinh, các trường THPT lại nô nức chào đón các ngày hội tư vấn, hướng nghiệp. Tuy nhiên, số lượng ngày hội tuy nhiều nhưng thực tế hiệu quả vẫn là điều khiến nhiều người lo ngại. Học sinh vẫn đổ xô vào các ngành học được cho là thời thượng, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) khá cao dù không phải em nào cũng có năng lực phù hợp. Vì sao?
Lỗ hổng tư vấn
Mới đây, trong buổi tư vấn hướng nghiệp do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Báo Giáo dục TP tổ chức tại Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), trước câu hỏi thắc mắc về việc phân biệt ba ngành marketing, quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện của bạn Huỳnh Mỹ Linh, học sinh lớp 12A1, cả hội đồng tư vấn đều không ai đưa ra câu trả lời phù hợp. Nếu như TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, chỉ cung cấp thông tin chung về việc ngành quan hệ công chúng hiện chưa được cấp mã ngành riêng, nếu muốn được trang bị một số kỹ năng của ngành này, thí sinh có thể đăng ký dự thi vào ngành báo chí truyền thông hay quan hệ quốc tế tại trường này thì Th.S Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, ĐH Quốc tế Hồng Bàng lại đưa ra câu trả lời hết sức vô thưởng vô phạt: “Ba ngành trên đều có điểm tương đồng là quan hệ với khách hàng. Để làm tốt những công việc này, ngoài kiến thức chuyên môn các em sẽ được trang bị rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, đàm phán với khách hàng”.
Ngay khi kết thúc phần trả lời của hai thành viên trong hội đồng tư vấn, rất nhiều học sinh lớp 12A1 đã bày tỏ thất vọng: “Các thầy mới đề cập đến điểm giống nhau giữa ba ngành, nhưng điểm khác thì chưa thấy ai nói đến, dù đó mới là phần quan trọng và được chúng em chờ đợi nhất”.
Nguyên nhân của tình trạng “tư vấn nửa mùa” nói trên là do hiện nay ở hầu hết các buổi tư vấn hướng nghiệp, tỷ lệ thành viên tư vấn thuộc các ngành thương mại, kinh tế, ngoại ngữ và y dược luôn chiếm đa số. “Đành rằng nhu cầu học sinh tìm hiểu về những ngành thời thượng này khá cao nhưng có vẻ ngay từ khâu lựa chọn khách mời tham dự chương trình đã có sự phân biệt đối xử với các ngành xã hội.
Do đó, khi học sinh có nhu cầu tìm hiểu về các ngành này thường không tìm được câu trả lời thỏa đáng”, một giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu bày tỏ. Ngoài ra, tùy thuộc vào phạm vi, tính chất của từng chương trình, số lượng các trường ĐH, CĐ tham gia tư vấn khác nhau nhưng nội dung chỉ xoay quanh việc giới thiệu ngành học, ưu đãi học phí và chuẩn đầu ra của các đơn vị đào tạo. Đã từng xảy ra trường hợp một đơn vị tổ chức phải yêu cầu các trường tham gia tư vấn dừng việc phát tờ rơi quảng cáo về chương trình học, thay vào đó tăng cường các nội dung tư vấn, trao đổi trực tiếp với người học. Nói như cách ví von của một giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nếu làm không khéo, ngày hội tư vấn hướng nghiệp sẽ biến tướng thành hội chợ quảng bá các trường ĐH. Khi đó, chẳng những không thể giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về bức tranh nghề nghiệp mà vô hình trung còn khiến các em bị nhiễu thông tin, thiếu khách quan trong lựa chọn nghề nghiệp.
Không chỉ là giải đáp câu hỏi
Điểm mới trong các chương trình tư vấn hướng nghiệp năm nay là có thêm phần cho học sinh tham gia trải nghiệm nghề ngay tại sân trường. Nguyễn Thanh Phúc, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết: “Khi lựa chọn một ngành, nghề theo sở thích, học sinh thường lo lắng không biết mình có đủ năng lực và phẩm chất theo đuổi hay không. Ví dụ như em rất thích ngành đồ họa nhưng trước nay vẫn e dè sợ mình không đủ khả năng theo học. Nhưng qua một lần tham gia trải nghiệm tại sân trường, em đã nhận ra nghề này không quá khó và tự tin mình có thể làm được”.
Phát biểu tại một ngày hội tư vấn hướng nghiệp diễn ra vào sáng 4-1, ông Đỗ Hữu Tuyết, Phó Vụ trưởng, Phó giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho biết: “Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức cho học sinh trải nghiệm nghề ngay tại sân trường, giúp các em có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghề nghiệp sẽ lựa chọn, tránh lãng phí thời gian, công sức cho bản thân, gia đình và xã hội”. Ngoài ra, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các trường ĐH thường xuyên tổ chức ngày hội mở cửa cho học sinh THPT vào tham quan cơ sở vật chất, trao đổi thông tin về các ngành học. “Đây là cách làm giúp tụi em có cái nhìn đầy đủ hơn về môi trường giảng dạy, xác định rõ thực tế nghề nghiệp trong tương lai chứ không bị mơ hồ, lý tưởng hóa về những gì được giới thiệu hào nhoáng trên các tờ rơi quảng cáo”, Nguyễn Minh Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tuyển sinh-hướng nghiệp tại TPHCM cho biết, hoạt động tư vấn hướng nghiệp hiện nay mới tập trung nhiều vào phần “tư vấn”, giải đáp câu hỏi. Học sinh có thắc mắc liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ được giải đáp, cung cấp thông tin chuyên sâu về ngành học đó. Nhưng phần “hướng nghiệp”, cung cấp thông tin về những ngành học ít được các em quan tâm như văn học, ngôn ngữ, các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chưa được đầu tư đúng mức. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ năm nào cũng chiếm khoảng 80-90%, dù không phải em nào cũng có đủ năng lực phù hợp với yêu cầu của các bậc học này. Hướng nghiệp hiệu quả là phải giúp học sinh xác định được bậc học phù hợp với bản thân, chọn ngành nghề phù hợp với sức khỏe, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình chứ không phải là đổ xô vào một, hai ngành học được cho là “nóng” trong xã hội. Song, để làm được điều đó cần có một “nhạc trưởng” chỉ huy dàn nhạc hướng nghiệp chung cho cả TP, tránh tình trạng “mạnh nhà nào, nhà đó hướng nghiệp” như hiện nay.
THU TÂM
Nguồn: sggp.org.vn