Muôn kiểu làm khổ thí sinh của các trường
Muôn kiểu làm khổ thí sinh của các trường
Dù không được phép nhưng vẫn thông báo tuyển sinh đào tạo ngoài ngân sách, trả giấy báo chậm, ép thí sinh trúng tuyển, tăng lệ phí xét tuyển, chỉ cho thí sinh rút hồ sơ 1 lần… Đó là quy định mà nhiều trường ĐH đưa ra và thí sinh là người chịu hậu quả.
Đậu thành rớt, rớt thành đậu
Sự việc điển hình nhất là thông tin Trường ĐH Y dược TPHCM thay đổi điểm chuẩn NV1 trong ngày 25/8 có đến 555 thí sinh từ đủ điều kiện đậu vào hệ đào tạo ngoài ngân sách bỗng rớt. Nhiều phụ huynh gọi điện tới báo Dân trí nghẹn ngào cho biết vì gia đình quá sốc với thông báo của nhà trường.
Một vị phụ huynh ở TPHCM buồn rầu chia sẻ: “Chúng tôi buồn vô cùng vì cách cư xử của trường, thông tin ban đầu trong cuốn “Những điều cần biết” có chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách và đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến thông báo cho thí sinh, sau đó lại đưa ra một mức điểm khác làm hàng trăm cháu từ đậu thành rớt. Lo lắng nhất là tâm lý của các cháu không ổn định vì mất đi bao ước mơ và niềm hy vọng”.
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã thông báo không giao cho bất cứ trường ĐH, CĐ nào đào tạo ngoài ngân sách nhưng trường ĐH Y dược TPHCM vẫn thực hiện. Trước bức xúc của phụ huynh, học sinh, trường đã có đề nghị Bộ GD-ĐT có biện pháp xử lý.
Và ngày 29/8, trao đổi với báo chí, trưởng phòng đào tạo nhà trường đã thông báo, Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho trường tuyển tất cả thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển như mức điểm dự kiến đã công bố trước đó ngày 4/8, không phân biệt về khu vực tuyển sinh.
Phải làm đơn để được cấp giấy báo điểm
Hiện nay, có rất nhiều thí sinh không đỗ NV1 đang rất hoang mang lo lắng là chưa nhận được giấy báo điểm thi để tham gia xét tuyển NV2, trong khi đó ngày nhận hồ sơ NV2 bắt đầu từ ngày 25/8 như trường ĐH Thủy lợi, CĐ Xây dựng số 2, Viện ĐH Mở Hà Nội, Học viện Hành chính… đặc biệt là thí sinh dự thi nhờ. Thậm chí nhiều em đã cất công lặn lội lên tận trường để hỏi thì nhà trường thông báo đã trả về địa phương theo tuyến sở.
Thậm chí nhiều thí sinh bị gọi trúng tuyển vào trường mình không thích. Cụ thể, như nhiều thí sinh dự thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội, trong ngày thi nhà trường có phát phiếu nguyện vọng bổ sung để thí sinh đăng ký nếu không đỗ đại học sẽ tham gia xét tuyển vào hệ CĐ của trường. Do không nắm rõ thông tin về hình thức xét tuyển nên nhiều thí sinh hăng hái điền vào. Sau khi trượt NV1 thí sinh đã nhận được giấy báo nhập học vào hệ CĐ của trường.
Thí sinh có địa chỉ ở hộp thư tieulam2211@gmail.com cho biết: “Năm nay em thi ĐH Bách khoa, được 13,5 điểm không đỗ NV1 vào trường, em muốn NV2 vào trường CĐ Kinh tế khác nhưng cho tới giờ vẫn chưa nhận được giấy báo điểm mà chỉ nhận được giấy triệu tập nhập học của trường ĐH Bách khoa đỗ vào hệ CĐ của trường, em rất lo lắng”.
Theo một lãnh đạo nhà trường, nếu thí sinh không thích học hệ CĐ như đã đăng ký thì phải làm đơn và mang giấy triệu tập nhập học của hệ CĐ ĐH Bách khoa tới phòng đào tạo của nhà trường để xin cấp lại giấy báo điểm.
Tăng tiền lệ phí xét tuyển, thí sinh chỉ được rút hồ sơ 1 lần
Bộ GD-ĐT không quy định số lần thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp. Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT đã nói rõ: “Các trường không được khống chế số lần rút và nộp hồ sơ của thí sinh, mà phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em. Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi lần rút hồ sơ và nộp vào trường khác, các em sẽ phải nộp lệ phí xét tuyển 15.000 đồng/hồ sơ. Còn khi rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh có được hoàn trả lệ phí xét tuyển không sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định và công bố công khai”.
Mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT như vậy nhưng mỗi trường thực hiện một kiểu. Trường ĐH Thăng Long thông báo thu lệ phí xét tuyển là 25.000 đồng/hồ sơ. Một cán bộ của trường trả lời với báo chí là thu theo hướng dẫn của lãnh đạo trường.
Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn thu lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh là 20.000/hồ sơ. Trên phiếu biên lai đóng lệ phí của mỗi thí sinh do trường phát đều có ghi hẹn trả kết quả vào lúc 15 giờ ngày 1/9, trong khi theo quy định thí sinh được quyền nộp và rút hồ sơ trong thời hạn từ nay đến hết 15/9.
Hay như ĐH Mở TPHCM quy định chỉ giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ xét tuyển NV1 lần. Theo đó, nhà trường chỉ giải quyết rút hồ sơ xét tuyển NV2 trước 16h ngày 8/9/2011. Sau ngày này không giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ và nhà trường sẽ không hoàn trả lệ phí xét tuyển khi rút hồ sơ.
Hồng Hạnh
31/08/2011 – dantri.com.vn