Bấp bênh tìm chỗ thực tập
Bấp bênh tìm chỗ thực tập
Nhiều trường đại học quảng bá có mối quan hệ tốt với hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan nhằm hỗ trợ cho sinh viên thực tập và tìm kiếm cơ hội việc làm. Thế nhưng, thực tế sinh viên gặp nhiều khó khăn khi tìm một chỗ thực tập.
Chỉ cho giấy giới thiệu
Nhóm sinh viên (SV) ngành tiếng Anh sư phạm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành rất hoang mang vì đến sát ngày thực tập rồi nhưng vẫn chưa tìm được nơi nhận. “Đến lúc này, một số bạn vẫn đang phải chạy đôn chạy đáo liên hệ khắp nơi. Lúc đầu tụi em cứ tưởng ngành đặc thù như sư phạm thì trường phải có trách nhiệm lo chỗ thực tập cho SV. Thầy trưởng khoa chỉ hướng dẫn SV mang giấy giới thiệu tới các trường. Khi nào không được thì mới về khoa nhờ thầy tìm giúp” - T.H, một SV của trường này bức xúc. SV này kể, khi mang giấy giới thiệu đến một trường THPT ở Q.Bình Tân, TP.HCM do có người quen liên hệ giúp, thì hiệu trưởng nói giấy này quá sơ sài và yêu cầu phải làm một giấy khác có xác nhận của Phòng Giáo dục.
T.H cho biết thêm, một số SV ngành này từ khóa trước cũng vì chưa kiếm được nơi thực tập nên phải lui lại đến năm nay. Mặc dù SV phải tự lo nhưng trường vẫn bắt phải đóng tiền thực tập, chuyên ngành tiếng Anh sư phạm là 231.000 đồng, tiếng Anh biên phiên dịch hơn 400.000 đồng.
Cũng rất bức xúc về chuyện thực tập, một nhóm SV ngành tiếng Anh thương mại Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản ánh: “Trường không hề liên hệ với các doanh nghiệp để tìm chỗ thực tập mà để tụi em phải tự tìm kiếm. Tụi em phải vận dụng mọi mối quan hệ từ người thân để nhờ sắp xếp giúp. Ai may mắn thì tìm được một công việc như phiên dịch, biên tập sách, dạy thêm…”.
Trong khi đó Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu “học phí thực tập” khá cao. Chẳng hạn SV các lớp của Khoa Kỹ thuật công đóng hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, những SV năm cuối ngành khoa học máy tính (công nghệ thông tin) của trường này còn không có kỳ thực tập tốt nghiệp. Một SV cho biết: “Đến giờ, sắp ra trường rồi nhưng tụi em cũng không nghe nói gì về việc thực tập”. Vậy mà trên website của trường có những thông tin như: “Trong số các SV tốt nghiệp có việc làm ngay, khoảng 50% có việc làm ở học kỳ cuối khi đang thực tập, tập trung ở các ngành quản trị kinh doanh quốc tế, điện - điện tử, kỹ thuật công trình, công nghệ thông tin”.
Trường có trường không
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế và an ninh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, giải thích: “Trong chương trình đào tạo của ngành khoa học máy tính không có học phần thực tập tốt nghiệp là vì chương trình học này SV đã phải làm rất nhiều môn đồ án, đề tài do SV tự chọn và có giáo viên hướng dẫn”. Trong khi đó, cũng đào tạo về ngành học này nhưng các trường vẫn tổ chức cho SV thực tập.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khẳng định mọi SV năm cuối ở tất cả các ngành trong trường, trong đó có ngành khoa học máy tính đều phải đi thực tập vì đây là yêu cầu bắt buộc. Còn tiến sĩ Phạm Văn Tính, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho biết SV năm cuối của trường vẫn được gửi sang các công ty phần mềm để thực tập.
Về việc thu tiền thực tập của SV mà vẫn để SV phải tự thân vận động, ông Bảo nói: “Đây là tiền khấu hao cơ sở vật chất vì nguyên kỳ thực tập, các em vẫn đến trường, đó cũng là khoản tiền để trả lương, thù lao cho cán bộ hướng dẫn thực tập và mọi chi phí khác phục vụ cho kỳ tốt nghiệp. Thực chất đây là học phí của kỳ thực tập, chỉ có điều SV không học tại trường”.
Lý giải việc để SV tự tìm chỗ thực tập, thạc sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Phòng Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ SV của trường vẫn làm việc theo quy trình, trước tiên kêu gọi các em tự liên hệ chỗ thực tập trong một khoảng thời gian nhất định để giúp SV rèn luyện tính chủ động. Sau đó phòng sẽ tổng hợp lại, em nào chưa có chỗ thì sẽ liên hệ giúp”. Còn tiến sĩ Nguyễn Phú Thọ, Trưởng khoa Ngoại ngữ của trường, khẳng định: “Trường đưa danh sách các địa điểm thực tập cho SV và các em cầm giấy giới thiệu đến tự liên hệ. Nếu chỗ này không nhận thì đến chỗ khác thôi chứ thiếu gì nơi”.
Trong khi đó, tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, từ nhiều năm nay, SV khối ngành sư phạm được trường liên hệ thực tập theo đoàn. Hằng năm trường đều có văn bản gửi về Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị hỗ trợ, đồng thời thành lập ban chỉ đạo, các trưởng đoàn sẽ trực tiếp liên hệ với các trường để đưa SV về thực tập. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho hay việc thực tập của SV các ngành sư phạm đã trở thành quy trình chặt chẽ, SV luôn được đảm bảo chỗ thực tập tại mạng lưới các trường học ở TP.HCM.
Mỹ Quyên
(thanhnien.com.vn)