Tuyển sinh đào tạo sau đại học năm 2020 của Đại học Quốc gia Hà Nội có gì thay đổi?
Các thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh sau đại học năm 2019 và phương án tuyển sinh năm 2020 của Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra ngày 24/12.
Thông tin về phương án tuyển sinh sau đại học năm 2020, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Trường tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh như năm 2019, đồng thời tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho các hội đồng tuyển sinh sau đại học trong tất cả các khâu từ thu nhận, xử lí hồ sơ đăng kí dự thi, chấm thi, vào điểm thi…. ĐHQGHN tập trung hậu kiểm toàn bộ công tác tuyển sinh của các hội đồng tuyển sinh sau đại học sau khi có kết quả tuyển sinh.
Trong năm 2020 công tác tuyển sinh sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHGQHN) tiếp tục duy trì theo các phương thức thi tuyển: Thi tuyển truyền thống; thi tuyển sử dụng bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển. Riêng đối với đào tạo thạc sĩ, có thể năm tới sẽ xét tuyển thẳng sinh viên năm cuối có kết quả học tập tốt.
Theo ĐHQGHN, lịch tuyển sinh và phương thức xét tuyển sau đại học của ĐHGQHN năm 2020 cụ thể như sau.
Trong năm 2020, Trường vẫn tổ chức 2 đợt thi. Thời gian thi của Đợt 1 tổ chức thi vào các ngày 11 và 12/4/2020; Đợt 2 tổ chức thi vào các ngày 12 và 13/9/2020.
Các Hội đồng tuyển sinh tổ chức thi và/hoặc xét tuyển bậc thạc sĩ: 12 Hội đồng tuyển sinh như năm 2019: Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXHNV, Trường ĐHNN, Trường ĐHCN, Trường ĐHKT, Trường ĐHGD, Trường ĐHVN, Khoa Luật, Khoa Các khoa học liên ngành, Khoa Quản trị và Kinh doanh, Khoa Quốc tế, Viện Quốc tế Pháp ngữ.
Các Hội đồng tuyển sinh tổ chức xét tuyển bậc tiến sĩ: 13 HĐTS như năm 2019: Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXHNV, Trường ĐHNN, Trường ĐHCN, Trường ĐHKT, Trường ĐHGD, Khoa Luật, Khoa Quản trị và Kinh doanh, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Viện Trần Nhân Tông, Viện Tài nguyên và Môi trường.
Trường sử dụng hình thức tuyển sinh thi tuyển theo 3 phương thức.
Thi tuyển truyền thống, thí sinh sẽ phải hoàn thành 3 môn thi: Cơ bản, Cơ sở, Ngoại ngữ. Cách tính điểm trúng tuyển sẽ lấy từ cao xuống thấp theo tổng điểm 2 môn Cơ bản và Cơ sở (môn Ngoại ngữ là môn điều kiện).
Đối với thi tuyển theo phương thức thi truyền thống kết hợp đánh giá năng lực, thí sinh sẽ phải thi 3 môn: Đánh giá năng lực + Cơ sở + Ngoại ngữ. Điểm trúng tuyển sẽ lấy từ cao xuống thấp theo điểm môn Cơ sở (ĐGNL và Ngoại ngữ là môn điều kiện).
Phương thức xét tuyển: Các nội dung xét tuyển: hồ sơ + phỏng vấn + bài luận (nếu có) + ngoại ngữ (điều kiện). Cách tính điểm trúng tuyển lấy từ cao xuống thấp theo kết quả đánh giá hồ sơ + phỏng vấn + bài luận (nếu có).
Các đơn vị thực hiện/ dự kiến thực hiện xét tuyển gồm: Trường Đại học Việt Nhật (08 chuyên ngành); Trường Đại học Kinh tế (02 chuyên ngành); Khoa Quản trị và Kinh doanh (02 chuyên ngành); Khoa Quốc tế (01 chuyên ngành); và Viện Quốc tế Pháp ngữ (02 chuyên ngành).
Phương Anh (T/h)
toquoc.vn – 24/12/2019