Định hướng đào tạo nguồn nhân lực - Thông tin còn… tù mù

Định hướng đào tạo nguồn nhân lực - Thông tin còn… tù mù

570
  Tải tài liệu

Bức tranh tổng thể của thị trường lao động trong tương lai ra sao? Cơ cấu ngành nghề và nhu cầu nhân lực của từng bộ, ngành, địa phương được dự báo ra sao? Những ngành nào hấp dẫn người học? Thiếu những thông tin định hướng phát triển nguồn nhân lực thì công tác đào tạo chẳng khác nào vừa làm vừa dò đường…

Thiếu dự báo, đào tạo tự phát

Tại không ít cuộc họp bàn về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia, nhà quản lý đã cảnh báo rằng nếu công tác dự báo, thông tin về thị trường lao động cứ chung chung, thiếu những dữ liệu chuẩn xác, mang tính khoa học thì sự nghiệp đào tạo, định hướng nghề nghiệp sẽ… lạc hướng.

Thực tế đáng báo động là những năm gần đây, việc đào tạo nguồn nhân lực trung, cao cấp tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn thừa - thiếu, hiệu quả sử dụng lao động thấp và không gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội. Lỗi tại ai và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về lỗ hổng thiếu thông tin dự báo này? Ai cũng biết dự báo về nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia và nó chính là cơ sở của các dự báo khác.

Nhìn lại chúng ta cũng có Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực quốc gia (Bộ LĐTB-XH) nhưng hoạt động của nó chưa đủ mạnh và chưa tạo ra các dữ liệu thông tin mang tính khoa học, tổng thể về thị trường lao động cả nước cũng như dự báo về xu hướng, nhu cầu đào tạo nhân lực sát với chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Đặc biệt là xu hướng thay đổi ngành nghề, cơ cấu lao động trong quá trình biến động của thị trường lao động, những tác động của nền kinh tế thị trường thời toàn cầu hóa để các cơ sở đào tạo điều chỉnh, đón đầu nhu cầu nhân lực trong tương lai.

Mặc dù địa phương nào cũng có chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch nguồn nhân lực nhưng lâu nay các cơ sở đào tạo đóng ở địa phương, kể cả những thành phố lớn đều chủ yếu đào tạo theo chỉ tiêu phê duyệt của Bộ GD-ĐT. Vì thế, nhiều ngành nghề đào tạo ra dư thừa, trong khi đó địa phương thì thiếu nguồn lao động đã qua đào tạo nghề. Thậm chí như TPHCM - nơi có rất nhiều trường CĐ, ĐH đào tạo ngành sư phạm nhưng TP luôn đối mặt với thực trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, chuyên viên tâm lý học đường…

Về phía Bộ GD-ĐT, do một thời gian dài thiếu quy hoạch mạng lưới đào tạo, cộng thêm việc thả nổi trong mở ngành, mở trường nên đào tạo ngành nghề tràn lan, chạy theo thị hiếu người học thay vì đào tạo cái xã hội cần. Chỉ đến khi nước đến chân - thấy ngành, nghề nào chạm mức báo động bội thực thì bộ mới giật mình - “ban chiếu” khẩn hạn chế tuyển sinh, đào tạo.

“Mùa tuyển sinh năm nay, để không rơi vào vết xe đổ, nhiều trường CĐ, ĐH đã thay đổi cơ cấu ngành nghề tuyển sinh và nghiêng hẳn về khoa học công nghệ, kỹ thuật, giảm hẳn kinh tế” - Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thay đổi cơ cấu ngành nghề tuyển sinh sát với nhu cầu xã hội không dễ và nhiều trường cảm thấy tù mù trước bức tranh chung thiếu thông tin dự báo về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương lẫn cả nước.


Cụ thể như ở TPHCM - địa phương phát triển kinh tế xã hội năng động nhưng công tác dự báo thông tin về thị trường lao động - nguồn nhân lực phát triển chưa tương xứng. Cụ thể TPHCM đã có đề án phát triển nhân lực đến năm 2020, trong đó xác định ưu tiên phát triển nhân lực những ngành có hàm lượng công nghệ cao và tập trung đầu tư cho nhu cầu lao động chất lượng cao ở 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm, 4 ngành kinh tế mũi nhọn.

Thế nhưng, dự báo này vẫn mang tính chung chung và các cơ sở đào tạo khó biết chỉ tiêu cụ thể để đào tạo theo nhu cầu. Do thiếu nhân lực, thiếu điều kiện cập nhật thông tin, điều tra sâu rộng về thị trường nhân lực nên các dự báo chưa trở thành kim chỉ nam định hướng việc đào tạo nhân lực trung, cao cấp của TP.

Cần chuyên nghiệp

Do thiếu thông tin dự báo chính xác về cơ cấu ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động nên vào mùa tuyển sinh, không ít trường CĐ, ĐH và TCCN bị động, thậm chí mất ăn, mất ngủ vì nỗi lo đầu tư vào ngành nào, hướng nào phù hợp? Trong khi các chuyên gia giáo dục khuyên các trường phải tỉnh táo tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường trước khi đào tạo thì họ lại thấy phía trước tù mù, muốn làm thì tự dò đường. Điều mà các trường cần là sớm có một kênh thông tin chính thống cung cấp thông tin về thị trường lao động, định hướng đào tạo ngành nghề sát với nhu cầu xã hội để tư vấn cho học sinh phổ thông. Việc định hướng nghề nghiệp sai sẽ gây ra nhiều lãng phí cho người học lẫn xã hội, tạo thêm áp lực thất nghiệp ở giới trẻ.

Mới đây, tại cuộc họp bàn về công tác tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, ông Hoàng Ngọc Vinh, cảnh báo rằng hiện ngành điều dưỡng đang thiếu nhân lực nhưng trường nào cũng nhăm nhăm đào tạo thì thời gian ngắn lại đối mặt với sự bão hòa hoặc bội thực. Bên cạnh đó, cần dự báo ngành nghề tiềm năng thu hút nhiều lao động trong tương lai như ngành du lịch và những ngành chiến lược như công nghệ năng lượng sạch, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, năng lượng nguyên tử, vũ trụ…

Theo TS Bùi Anh Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở 2 TPHCM, công tác dự báo đào tạo ngành nghề phải được thiết kế từ xa dựa theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội với chu kỳ 5 - 10 của từng địa phương hay của quốc gia. Từ những thông tin mang tính tổng thể đến các dự án đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, các dòng vốn đầu tư trung ương, địa phương, các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao… cần thu hút bao nhiêu lao động, trình độ, tay nghề như thế nào, các trường sẽ có kế hoạch để đào tạo nhân lực đón đầu.

Thực tế nêu trên cho thấy công tác dự báo thông tin quốc gia về phát triển nguồn nhân lực phải được đầu tư bài bản và nó phải trở thành kênh thông tin đáng tin cậy để người học định hướng tương lai khi chọn nghề và các cơ sở đào tạo dựa vào đó để đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu của xã hội. Để đưa ra dự báo chính xác, cần có cuộc khảo sát điều tra quy mô, tạo nguồn dữ liệu mang tính khoa học, phản ánh đúng cung - cầu thị trường lao động, xu hướng tuyển dụng cũng như những biến động về ngành nghề, việc làm trong tương lai, xu thế thay đổi ngành nghề toàn cầu.

Khánh Bình

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

570
  Tải tài liệu