Nghịch lý ở trường nghề: Dễ tìm việc nhưng khó tuyển sinh
Nghịch lý ở trường nghề: Dễ tìm việc nhưng khó tuyển sinh
Theo Bộ LĐTBXH, hiện cả nước có gần 2.500 trường cao đẳng (CĐ), trung cấp nghề (TCN) và các cơ sở, trường khác có đào tạo nghề. Số học sinh (HS) sinh viên (SV) học nghề tìm được việc làm đúng chuyên môn khi ra trường luôn đạt tỉ lệ trên 85%. Nhưng nghịch lý buồn là các trường nghề hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào.
Lao động có tay nghề dễ tìm việc
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (LĐ) TPHCM (Falmi) - thực tế thị trường LĐ thấy rõ, nhiều SV tốt nghiệp ĐH-CĐ ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, trong khi người học nghề rất dễ tìm việc làm với mức lương phù hợp. Hiện thị trường nhân lực TPHCM đang có dấu hiệu cầu giảm, nhưng số LĐ có tay nghề vẫn thiếu. Theo khảo sát khoảng 100.000 DN có nhu cầu tuyển dụng của Falmi, chỉ tiêu tuyển dụng nhân lực có trình độ ĐH-CĐ của các DN chỉ chiếm gần 25%, còn lại là tuyển dụng LĐ kỹ thuật có trình độ, tay nghề trong các lĩnh vực vận hành máy móc, tạo ra sản phẩm, sản xuất kinh doanh - dịch vụ...
Cũng theo Falmi, các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhiều nhất là các nhóm: Cơ khí, luyện kim, CN ôtô xe máy; hóa chất, y, dược, mỹ phẩm; CN chế biến thực phẩm; CNTT, điện tử, điện – viễn thông; dệt-may, da-giày, thủ công mỹ nghệ. Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐTBXH - cho biết, tỉ lệ SVHS trường nghề tìm được việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp ra trường hằng năm đều đạt trên 82%, phần còn lại đã tự ra mở cơ sở sản xuất kinh doanh và học tiếp lên trình độ cao hơn.
Cụ thể, thống kê của Trường Công nghệ thông tin (CNTT) iSpace, 95% số SVHS của nhà trường tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường; Trường CĐN TPHCM tỉ lệ này đạt trên 85%; Trường TCN Kỹ thuật nghiệp vụ Hùng Vương là gần 90% số HS tìm được việc làm ngay khi đi thực tập năm cuối...
Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng trường iSpace: “Khó khăn của trường nghề hiện nay là công tác tuyển sinh. Bởi những năm gần đây, các trường ĐH-CĐ thành lập mới quá nhiều. Điều kiện đầu vào các trường ĐH-CĐ này lại thoáng nên thí sinh không việc gì phải chọn học nghề. Chưa kể, các trường ĐH lớn cũng đào tạo thêm hệ CĐ, TCCN, CĐN, TCN và đều hứa với người học về khả năng được liên thông xuyên suốt lên ĐH. Điều đó khiến cho những trường đào tạo nghề thuần túy bị bỏ qua một bên, hay nói cách khác là thí sinh không “mặn” với trường nghề".
ThS Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường TCN Kỹ thuật nghiệp vụ Hùng Vương (TPHCM) - bức xúc: “Cơ chế, cùng lúc tồn tại hai hệ thống đào tạo nghề do hai bộ quản lý khác nhau là rất bất hợp lý. Khối TCCN được liên thông lên ĐH khá dễ dàng, còn khối TCN thì tuy đã có thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH cho người học nghề được học tiếp liên thông lên CĐ, ĐH, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Vẫn quay lưng với trường nghề
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐTBXH TPHCM - việc tuyển sinh đầu vào của một số trường nghề đang gặp khó khăn. Trường TCN du lịch Khôi Việt - một trong những trường nghề đào tạo nghiệp vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn được đánh giá có chất lượng tốt. Tuy nhiên, năm 2009 có chỉ tiêu tuyển sinh hệ dài hạn TCN là 600 HS thì chỉ tuyển được khoảng một nửa; năm 2010 còn 250 HS...
Mùa tuyển sinh 2013, trường Khôi Việt chỉ đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào hệ TCN là 150 HS. Bi đát hơn, Trường TCN Hoàn Cầu (Q.Tân Phú), TCN Việt Giao... có nguy cơ bị giải thể vì không tuyển sinh được đầu vào. Trường TCN Ngọc Phước (Q.12) mới thành lập năm 2009 nên mùa tuyển sinh 2010 – 2012 chỉ tuyển được vài chục HS hệ dài hạn, dù nhà trường đã tiến hành nhiều hình thức chiêu sinh, tiếp thị đến các trường THPT. Trường TCN KTNV Hùng Vương được đánh giá là "chim đầu đàn" của hệ thống đào tạo nghề tại TPHCM, nhưng tuyển sinh hệ dài hạn TCN năm 2012 cũng chỉ đạt 53% so với chỉ tiêu đề ra.
ThS Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: “Mới đây, quy định 55 của Bộ GDĐT về việc thắt chặt liên thông đã khiến cho con đường học tập nâng cao trình độ của HSSV các trường nghề vốn đã khó khăn, nay càng trở nên hẹp hơn. Muốn liên thông lên ĐH, các bạn phải đợi 36 tháng hoặc thi lại như HS THPT, trong khi kiến thức nền ở cấp THPT, sau 2 – 3 năm học nghề nhiều HSSV đã bị mai một, không còn nắm vững nữa. Điều đó đã làm khó cho trường nghề, bởi đa số các bạn trẻ đã không thích vào học tại các trường nghề, nay lại càng ngại, mặc dù SVHS trường nghề khi tốt nghiệp luôn có tỉ lệ tìm được việc làm đúng với chuyên môn rất cao”.
Nguồn: laodong.com.vn