Chóng mặt vì thi tuyển sinh đại học

Các phương án tuyển sinh, thi của Bộ GD&ĐT, của các trường liên tục thay đổi trong thời gian ngắn.

1214
  Tải tài liệu

Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH 2020 của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa họp và thảo luận về phương án tuyển sinh năm nay. Trên cơ sở phân tích các thông tin, ĐHQGHN đã quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng của ĐHQGHN.

Trước đó, ngày 25/4, ĐHQGHN thông tin sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với các bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài luận. Thế nhưng chỉ sau 10 ngày, các trường thuộc ĐHHQGHN lại quay về tuyển sinh như năm 2019 là lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ.

Trường ĐH Ngoại thương trước đó tuyên bố sẽ kết hợp với ĐHQGHN để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực lấy kết quả xét tuyển sinh. Do đó, khi  ĐHQGHN dừng kỳ thi, phương án tuyển sinh của trường ĐH Ngoại thương cũng phải thay đổi theo. Trong các phương án tuyển sinh của trường ĐH Ngoại thương vừa được công bố, không còn phương án lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN.

Hôm qua, trường ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức chốt phương án thi tuyển sinh 2020. So với phương án đã công bố trước đó, phương án mới có điều chỉnh một chút là trường vẫn tổ chức kỳ thi nhưng điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán-Lý hoặc Toán-Hóa) để xét tuyển. Phương thức xét tuyển kết hợp này chỉ áp dụng cho khối ngành Kỹ thuật và Kinh tế (không áp dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh). Đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức. Trong đó, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển lên 50-60%.

Trước thay đổi phương án tuyển sinh liên tục của các trường ĐH, thầy Nguyễn Mai Hùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, cho rằng, các trường ĐH đang làm thí sinh mất tinh thần. “Tôi phải khuyên học sinh là cứ bình tĩnh học như bình thường. Tranh thủ thời gian học thật thật tốt những môn đang định thi. Biết đâu vài tuần nữa lại thay đổi thì thời gian còn lại ôn thêm được những môn khác nếu cần”, thầy Hùng nói. Chị Đỗ Ngọc Quỳnh, mẹ của học sinh Nguyễn Trang Anh, trường THPT Lê Thanh Nghị (Nam Định), nói rằng, năm nay con chị cũng như các bạn đã rất vất vả khi học trực tuyến, giờ lại như rơi vào ma trận vì chưa biết thi cử cuối cùng như thế nào.

Các trường sẽ gặp khó?

Một số trường ĐH cho biết đang bàn về Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 của Bộ GD&ĐT. Các quy định dự kiến về tuyển sinh không dựa vào kết quả kỳ thi THPT đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, việc quy định quá chi tiết về công tác tuyển sinh sẽ gây khó cho các trường. Các trường tổ chức thi riêng để tuyển sinh phải có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh.

Một trong những yêu cầu đang khiến các trường ĐH gặp khó khi tổ chức thi là có ít nhất một trong các lãnh đạo của bộ phận chuyên trách từng tham gia tổ chức các kỳ thi có tầm quan trọng với quy mô lớn hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên của một trong các chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên ngành Quản lý giáo dục và đã có kinh nghiệm trong công tác khảo thí hoặc quản lý đào tạo.

Về đội ngũ cán bộ tham gia các hoạt động thi riêng, các trường phải có đủ cán bộ cơ hữu tham gia xây dựng cấu trúc đề thi, câu hỏi và ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa… Có đủ cán bộ cơ hữu có năng lực về đo lường và đánh giá trong giáo dục để làm nhiệm vụ đánh giá, thẩm định các đặc tính của câu hỏi (độ khó, độ hiệu lực, độ phân hóa) và tạo lập các đề tương đương theo dạng thức đã công bố. Có đủ cán bộ chấm thi cho mỗi nội dung thi đối với thi tự luận, trong đó số cán bộ cơ hữu của trường phải đủ để đảm bảo tối thiểu 75% khối lượng chấm thi và các cán bộ được mời tham gia chấm thi phải có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn…

Đối với đề thi, các trường phải có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi, trong đó số câu hỏi chuẩn hoá phải đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập cho mỗi môn thi hoặc bài thi; số câu hỏi tự luận đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập.

Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được quản lý bằng phần mềm chuyên dụng để xây dựng các đề thi theo hình thức rút ngẫu nhiên, tự động đúng với cấu trúc đề thi đã được phê duyệt. Thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi; phải công bố đề thi mẫu (đề thi minh họa) trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi.

Liên quan quy định này, lãnh đạo nhiều trường cho rằng các trường muốn tự tổ chức thi riêng ngay trong năm nay không dễ. Bởi thực tế, kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, để bảo đảm được đội ngũ xây dựng cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, cán bộ chấm thi…, Bộ GD&ĐT phải tập hợp nguồn cán bộ từ nhiều trường ĐH, trường phổ thông mới đáp ứng được.

Vì vậy, quy định khi trường ĐH tổ chức thi riêng phải tự túc bảo đảm các yêu cầu như dự thảo là không hợp lý. Hơn nữa, các tiêu chí Bộ đưa ra giống đối với trung tâm khảo thí quốc gia đánh giá năng lực ngoại ngữ toàn dân, không giống với việc tự chủ tuyển sinh của một trường ĐH…

NGHIÊM HUÊ
tienphong.vn – 06/05/2020

Bài viết liên quan

1214
  Tải tài liệu