Dự kiến lựa chọn phương án bổ sung khối thi A1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với phóng viên SGGP về một số dự kiến thay đổi trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.

997
  Tải tài liệu

 Phóng viên: Thưa ông, dự kiến năm 2012 chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tăng 6% so với năm 2011 (dự kiến tổng cộng 576.000 chỉ tiêu ĐH-CĐ chính quy)?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA: Đó chỉ là dự kiến của bộ. Còn hiện nay bộ giao các trường tự đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, vì vậy chỉ tiêu chính xác phải chờ các trường đăng ký, sau tháng 1-2012 mới biết là bao nhiêu.

- Vừa qua Bộ GD-ĐT dự kiến 3 phương án tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Một là bổ sung thêm một số khối thi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của ngành đào tạo (thực hiện phương án này, các trường vẫn thi chung đề, chung đợt và chung kết quả thi); hai là các trường tự tổ chức thi riêng; ba là xét tuyển tích hợp giữa các khối (cụ thể, với thí sinh thi khối A, khối B sẽ được thêm cơ hội xét tuyển lấy điểm Toán, Hóa (khối A) cộng điểm môn Sinh (khối B) để xét tuyển vào các trường trong vùng tuyển. Đến nay phản hồi của các trường như thế nào?

Đó chỉ là dự kiến. Còn lựa chọn phương án nào phải đợi đến hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 vào ngày 14-1-2012 để các trường bàn rồi bộ mới quyết.

- Tức là tại hội nghị tuyển sinh, bộ sẽ đưa cả 3 phương án này để lấy ý kiến các trường, thưa ông?

Chúng tôi đã quyết định không đưa nhiều phương án ra bàn vì sợ gây lộn xộn cho mùa tuyển sinh đã sắp đến, khiến học sinh phân tâm. Vì thế Bộ GD-ĐT chỉ lấy ý kiến về 1 phương án khả thi nhất, đó là bổ sung thêm 1 khối thi (khối thi A1 với các môn Toán, Lý, Ngoại ngữ). Hiện nay bộ đang bàn nhưng dự kiến sẽ chỉ lựa chọn phương án này cho mùa tuyển sinh năm nay. Còn các phương án khác vẫn đang tiếp tục bàn, rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho các mùa tuyển sinh sau.

- Tại sao trong các phương án, Bộ GD-ĐT ưu tiên lựa chọn phương án bổ sung thêm khối thi A1?

Đây là đề nghị chính thức của Bộ Thông tin - Truyền thông nhằm phục vụ việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin, nên Bộ GD-ĐT xem xét bổ sung cho tuyển sinh năm 2012. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thông tin cuối cùng, phải đợi ý kiến của các trường tại hội nghị tuyển sinh tới Bộ GD-ĐT mới đưa ra quyết định.

- Nhưng phản hồi của các trường thì sao?

Hiện nay bộ cũng mới chỉ nghe ngóng phản ứng của các trường thông qua báo chí. Các trường chưa có ý kiến chính thức. Tất cả phải đợi tới hội nghị tuyển sinh.

- Bộ đã giao các trường đại học trọng điểm nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng. Hiện nay đã có trường nào trình phương án tuyển sinh riêng?

Chưa có trường nào. Các trường vẫn đang chần chừ.

- Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ không in tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh’’?

Dự kiến là như thế, để các trường chủ động đưa thông tin tuyển sinh lên trang web của trường. Khi trường gửi thông tin tuyển sinh về bộ, bộ có trách nhiệm thông báo nguyên văn trên trang web của bộ, tuy nhiên các trường phải tự chịu trách nhiệm về những thông tin đó. Nhưng quyết định thế nào vẫn phải chờ đến hội nghị tuyển sinh. Bộ GD-ĐT cũng không loại trừ trường hợp, tại hội nghị, các trường trình phương án tuyển sinh hợp lý hơn thì bộ sẽ xem xét. Hoặc nếu phương án bộ đưa ra bị các trường phản đối thì bộ cũng sẽ không triển khai.

Tất cả những thông tin về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 phải sau hội nghị tuyển sinh ngày 14-1-2012 mới có tính chất quyết định.

- Thưa ông, năm 2012, tại sao Bộ GD-ĐT đưa ra quy định các trường ĐH không đào tạo bậc TCCN?

Trường ĐH cần tập trung nguồn lực để đào tạo ĐH, CĐ, sau ĐH. Vì hiện nay nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, nếu phân tán nhiều quá sẽ thiếu tập trung, kém hiệu quả. Lần này sẽ tập trung để các trường TCCN đào tạo hệ này, bảo đảm tính chuyên nghiệp hơn.

- Nhiều trường cho rằng bộ cần có lộ trình để thực hiện điều này, vì việc triển khai ngay từ năm 2012 gây xáo trộn lớn. Hiện cũng có nhiều lo ngại các trường ĐH “chạy” để thành lập các trường TCCN?

Điều này thì Luật Giáo dục đã có từ lâu rồi, không phải là bộ bất ngờ đưa ra yêu cầu này. Bộ chỉ đang thực hiện quy định của luật. Kể từ ngày Luật Giáo dục có hiệu lực cũng đã 4-5 năm, chúng ta đã chần chừ mấy năm rồi.

Tất nhiên, đối với các trường ĐH đào tạo hệ TCCN mà quá đặc thù như ngành y, các ngành kỹ thuật mà trường TCCN không thể đào tạo hoặc đào tạo không bảo đảm chất lượng, bộ sẽ xem xét giao cho các trường ĐH tiếp tục đào tạo thêm một thời gian. Những trường có khó khăn đặc biệt hoặc có những đề xuất khác phải báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét giải quyết. Còn lại, về mặt nguyên tắc, tất cả các trường ĐH phải tuân thủ quy định này từ năm 2012 để thực hiện đúng Luật Giáo dục cũng như bảo đảm các trường ĐH tập trung vào nhiệm vụ chính của mình.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thành Vinh

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

997
  Tải tài liệu