Khi cử nhân đi học làm... thợ

Ngày nay, Trung cấp nghề lại là con đường hiệu quả nhất để lập nghiệp thành công trong thời buổi “thừa thầy thiếu thợ” này.

906
  Tải tài liệu

ĐH không còn là “con đường” duy nhất để vào đời

Đã qua rồi cái thời mà 2 câu vè “Nhất Kiến Nhì Kinh, Tam Tin, Tứ Luật”, “Nhất Y , Nhì Dược, tạm được Bách Khoa” là “tuyên ngôn” của những thí sinh thi ĐH, khi mà hiện nay hai từ “thất nghiệp” đang treo lủng lẳng trên đầu những sinh viên tốt nghiệp ra trường những năm gần đây. Theo Bộ LĐ-TB-XH, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên hậu tốt nghiệp CĐ-ĐH năm 2010 đã đến con số báo động là gần 40% và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hệ quả của việc xuất hiện thêm gần cả trăm trường CĐ-ĐH từ 2005 đến nay là chất lượng đào tạo kém hiệu quả, chương trình đào tạo thì “chấp vá” và “nửa vời”; khiến lứa sinh viên trúng tuyển vào giai đoạn 4 - 5 năm về trước khi xưa “vui mừng” bao nhiêu thì bây giờ họ phải chịu “khổ” bấy nhiêu. Phần lớn họ không may rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, với trình độ học vấn và năng lực làm việc lơ lửng “thầy không ra thầy” mà “thợ cũng không ra thợ”, vấn nạn này đã tồn tại lâu trong thị trường lao động Việt Nam mà vẫn chưa thể khắc phục được phần nào.

Hệ quả tiếp theo của tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là “cử nhân học làm thợ”. Đây chỉ là “giọt nước làm tràn ly” của một cái vòng tròn lẩn quẩn không hồi kết. Việc không định hướng rõ ràng cho học sinh ngay từ ghế nhà trường phổ thông đã tạo nên tư tưởng “ĐH là con đường duy nhất để vào đời”, và chê “học Trung cấp không sang bằng ĐH”, điều này đã ăn sâu vào tư tưởng bao thế hệ người Việt. Những tân cử nhân tràn đầy hoài bão đến khi tốt nghiệp, họ mới ngỡ ngàng nhận ra những gì mình học suốt 4-5 năm tại giảng đường đã trở thành hoài công vô ích, áp lực “tồn tại” buộc họ phải chọn con đường “cử nhân học làm thợ” trong sự tiếc nuối và cay đắng của thời tuổi trẻ bồng bột.

Trung cấp nghề “con đường hiệu quả nhất” để lập nghiệp thành công trong lúc này

TS Đặng Thanh Vũ – Hiệu Trưởng Trung cấp nghề Việt Giao (193 Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM) thẳng thắn phân tích cho thấy: chúng ta hãy cùng xem qua bài so sánh nho nhỏ sau đây giữa việc học Trung cấp rồi liên thông CĐ-ĐH trong 5-6 năm và học ĐH 4-6 năm. Nếu bạn chọn học Trung cấp trong 2 năm rồi vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm, hiện nay nhiều trường Trung cấp đều hỗ trợ sinh viên tìm việc làm thêm trong khi học. Sau đó bạn tiếp tục vừa học vừa làm trong khi học liên thông lên CĐ-ĐH thêm 3 hoặc 4 năm nữa. Tuy phải trải qua một chặng đường khá dài để đạt được thành quả là tấm bằng ĐH nhưng bạn có 3 lợi điểm hơn so với những sinh viên ĐH mới ra trường.

Thứ nhất là bề dày kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành nghề bạn đang học. Thứ hai là bạn vừa học vừa làm sẽ có thêm một khoản chi phí để trang trải, nó cũng phù hợp với những hoạt động trong giới sinh viên của các nước tiên tiến trên thế giới. Thứ ba, việc chọn học liên thông CĐ-ĐH theo từng giai đoạn giúp bạn có cơ hội suy xét lại nhiều hơn sinh viên ĐH 2-3 lần trong việc chọn được trường ĐH tốt, trong khi đó sinh viên ĐH chỉ có 1 cơ hội để chọn lựa. Việc vừa học vừa làm, vừa tích lũy kiến thức chuyên môn vừa năng cao năng lực làm việc sẽ là điểm cộng của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Theo xu thế hiện nay, những nhà tuyển dụng phải tiết kiệm chi phí nhân sự cho từng nhân viên được tuyển vào, tức là họ rất ngại phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường rồi mới có thể sử dụng được.

Chia sẻ thêm ở khía cạnh này, chuyên gia tư vấn Nguyễn Minh Trang cho rằng có một số bạn lại suy nghĩ chọn một ngôi trường CĐ-ĐH “thường thường bậc trung”, hay trường mang đẳng cấp “ao làng” cho phù hợp với yêu cầu “học cho có” bằng ĐH của bạn, trong khi chất lượng đào tạo “chắp vá”, bị “thổi phồng” và đầy “hạt sạn” thì bạn đang chọn lựa chọn một cách đầu tư sai lầm cho tương lai của chính mình. Rồi thành quả bạn đạt được sau 4 năm học ĐH có thể sẽ là cảnh “chạy ăn từng bữa” với một công việc trái nghề, hoặc một công việc đúng nghề nhưng lương thấp, do những gì bạn thật sự học được quá ít so với những gì công việc thực tế yêu cầu; hoặc xa hơn, bạn buộc phải chọn lựa con đường học lại, nếu không bạn sẽ sớm bị đào thải.

Điều này còn chưa kể đến sự “hụt hẫng”, “tiếc nuối”, “cay đắng” khi đối diện với thực tế nghiệt ngã sẽ làm tinh thần bạn sa sút, trì trệ, gây ảnh hưởng đến lý tưởng và hoài bão thời tuổi trẻ của bạn. Dù bạn rơi vào tình trạng nào được nêu trên thì bạn cũng đã làm lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình và của chính bản thân bạn. Đó chính là điều sẽ làm bạn ray rứt một thời gian dài.

Con đường không “sang trọng” nhưng lâu bền

Nếu bạn lo sợ về vấn đề: “học trung cấp không sang bằng ĐH” thì bạn đang có suy nghĩ sai lệch. Không có trường học nào thấp kém, không có nghề nghiệp nào hèn hạ, điều quan trọng chính là sự lựa chọn của bản thân bạn, không ai có thể thay thế quyền quyết định của chính bạn. Bạn đang tìm kiếm một con đường thành công cho bản thân, một con đường thăng tiến hiệu quả nhất và vững chắc cho tương lai của bạn thì bạn không nên ngại ngùng và lo lắng cho vấn đề “sĩ diện”. Nhiều doanh nhân nổi tiếng trên thế giới vẫn giàu có và thành đạt dù họ không có trong tay tấm bằng ĐH, họ cũng trải qua muôn vàn khó khăn do “không học cao” nhưng họ vẫn thành đạt, tất cả họ đều có điểm chung là tinh thần cầu tiến và nỗ lực không ngừng. Chỉ cần bạn có tinh thần cầu tiến và sự nỗ lực không ngừng như họ, không ngại khó ngại khổ thì thành quả “trái ngọt” sẽ rất nhanh đến với bạn.

Tóm lại, khi chọn lựa học trung cấp, bạn đã chọn lựa cho mình “con đường hiệu quả nhất” để thành đạt sau này. Dù bạn vấp phải sự phản đối từ bất kì ai, dù mức xuất phát điểm của bạn rất thấp và không “sang trọng” như nhiều người nhưng hiệu quả về lâu dài của quyết định này sẽ làm bạn hài lòng.

Nguyễn Trang

 (Bưu Điện Việt Nam)

Bài viết liên quan

906
  Tải tài liệu