Chương trình đại học chất lượng cao: Học phí cao, chất lượng nào?

Từ năm 2006 đến nay đã có 21 trường đại học (ĐH) thí điểm áp dụng chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) với 55 chuyên ngành. Tuy nhiên, mỗi trường đã tổ chức đào tạo theo cách thức riêng và chất lượng đào tạo cũng rất khác nhau, chỉ một điểm chung là học phí cao ngất ngưởng.

 

Mỗi trường mỗi kiểu

911
  Tải tài liệu

Năm 2006, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu đào tạo chương trình CLC. Sau khi trúng tuyển, sinh viên được đăng ký xét tuyển vào học chương trình CLC theo quy định riêng của từng đơn vị đào tạo. Theo đó, sinh viên theo học chương trình này phải có điểm chuẩn cao hơn những sinh viên đại trà, được hỗ trợ kinh phí đào tạo 7,5 triệu đồng/năm, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ B2 (5.0 IELTS). Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân CLC. Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng nặng hơn, được ưu tiên những giảng viên giỏi, cơ sở vật chất, điều kiện học tập cũng tốt hơn chương trình đào tạo đại trà.

Trường ĐH Ngoại thương cũng đào tạo CLC nhưng tiêu chí tuyển chọn lại khác. Hiện nhà trường có 2 chương trình CLC: Với chương trình học bằng tiếng Anh, sinh viên phải qua kỳ xét tuyển mức điểm đầu vào và trình độ tiếng Anh. Một chương trình khác tuyển những thí sinh có điểm thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và cũng không yêu cầu trình độ tiếng Anh. Điều đáng nói là khi tốt nghiệp, sinh viên cũng chỉ nhận bằng như hệ đại trà chứ không phải bằng tốt nghiệp CLC. Ngoài ra, nhiều trường khác cũng đi theo xu hướng này. Và mặc dù chương trình CLC nhưng nhiều trường lại tuyển sinh mức điểm chuẩn thấp, thậm chí có trường chỉ tuyển bằng điểm sàn.

Hiện nay, hàng loạt trường đã bắt đầu đồng loạt áp dụng mô hình CLC. Trường ĐH Tài chính - Marketing, năm học 2012 tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình đào tạo CLC và có 260 sinh viên. Năm 2013, trường có 750 sinh viên đăng ký theo học. Sau khi trúng tuyển và có nguyện vọng học chương trình này, sinh viên sẽ qua vòng kiểm tra tiếng Anh, đạt từ 250 TOEIC trở lên mới theo học và học phí ở mức 22 triệu đồng/năm. Trường ĐH Luật TPHCM đã tuyển sinh được 5 khóa. Trong đó, học phí nhóm ngành luật thương mại, dân sự, quốc tế, quản trị luật là 17,5 triệu đồng/năm. Để được học chương trình này, sinh viên phải qua vòng kiểm tra đầu vào ngoại ngữ đạt 380 - 400 điểm TOEIC, kiểm tra IQ và phỏng vấn trực tiếp. Nhà trường tính tổng ba cột điểm trên xét từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Năm nay hơn 250 ứng viên nhưng trường chỉ chọn 150 sinh viên.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM tuyển sinh CLC từ năm 2011 với 127 sinh viên. Năm 2013, trường có 416 sinh viên đăng ký vào các chuyên ngành kinh doanh quốc tế, tài chính doanh nghiệp, ngân hàng, kiểm toán, quản trị kinh doanh và kế toán. Mức học phí nhà trường đưa ra 25 triệu đồng/năm... Năm 2013, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình CLC ngành công nghệ thông tin với 80 sinh viên và học phí phải đóng 27 triệu đồng/năm…

Người học được gì?

Theo đại diện một trường đại học tại TPHCM đang áp dụng chương trình đào tạo CLC: Do chỉ là chương trình thí điểm nên từ xác định chỉ tiêu, điểm trúng tuyển, xây dựng chương trình đào tạo, mức học phí đều do các trường “tự biên tự diễn”. Chính vì vậy, mỗi trường làm mỗi kiểu và dẫn đến các trường đang chạy theo phong trào đào tạo CLC chỉ để thu học phí cao.

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, chương trình đào tạo CLC mỗi lớp tối đa 30 sinh viên, phòng học trang bị máy lạnh, được tạo điều kiện tốt nhất trong việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, máy tính, được cung cấp giáo trình, tài liệu học tập miễn phí; giảng viên là những người có uy tín. Nhà trường cũng chủ động tạo cơ hội cho sinh viên sớm tiếp xúc với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ các đơn vị này... Trong khi đó, ở một số trường khác, các sinh viên theo học chương trình CLC được học với giảng viên nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều trường thu hút sinh viên vào học chương trình CLC lại không thực hiện đúng như cam kết đối với sinh viên như: chương trình học không khác gì với sinh viên đại trà, chỉ khác duy nhất là được học lớp ít người, phòng học máy lạnh và học phí cao.

Một điều đáng nói nữa là do chưa có “chuẩn” chính thức về chương trình đào tạo nên sinh viên ra trường cũng chỉ được nhận bằng như sinh viên đại trà và điểm khác duy nhất là bảng điểm được dán “chương trình đào tạo chất lượng cao”. Như vậy, phần chịu thiệt rõ ràng là người học: phải trả chi phí dịch vụ cao gấp 3, 4 lần so với sinh viên đại trà nhưng bằng cấp lại như nhau. Trong khi đó, một số trường khác cũng chưa so sánh hiệu quả sinh viên CLC so với sinh viên đại trà như thế nào.

Theo các trường áp dụng chương trình đào tạo CLC, việc các trường áp dụng chương trình CLC thực chất là lấy dịch vụ công để đáp ứng cho dịch vụ tư. Bởi lẽ, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy cũng xuất phát từ dịch vụ công. Do đó, bài toán về thu chi của chương trình đào tạo CLC trong các trường đại học công lập hiện nay vẫn chưa minh bạch, nên có sự nghi ngờ về bài toán kinh tế đối với loại hình đào tạo này. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cũng cần đưa ra một quy định cụ thể để các trường thực hiện, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người học và tránh việc các trường xem đây là “nồi cơm” để biến tướng loại hình đào tạo này đi lệch hướng.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về đào tạo CLC với nhiều tiêu chí quan trọng như: chương trình tham khảo của nước ngoài, phải có giảng viên nước ngoài, không quá 25 sinh viên/lớp, có 5 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong 5 năm gần nhất, sinh viên được cấp bằng CLC. Ngoài ra, dự thảo quy định phải có ít nhất 50% số tín chỉ (trong số 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức khoa học cơ bản, cơ sở ngành, chuyên ngành) do giảng viên nước ngoài đảm nhiệm.

THANH HÙNG

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

911
  Tải tài liệu