Chọn việc làm trước, chọn sự nghiệp sau

Chọn việc làm trước, chọn sự nghiệp sau

1039
  Tải tài liệu

Kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015 đang đến gần, HS lớp 12 lại bắt đầu với nỗi lo lắng và sự lúng túng: Chọn ngành nào? TS. Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam khuyên: Hãy chọn ngành theo sở thích!

Để chọn ngành nghề, HS nên căn cứ vào các tiêu chí nào, thưa TS?

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất là các em phải xác định rõ đam mê của mình. Chỉ có đam mê thì các em mới có cơ sở để quyết tâm và dành thời gian đeo đuổi sự nghiệp đến cùng, nhất là hiện nay ngành nào cũng đang gặp khó khăn, nền kinh tế đang trong đà suy thoái chưa phục hồi, lĩnh vực công nghiệp cũng chưa phát triển. Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ còn ra quyết định, không tăng biên chế khối hành chính sự nghiệp. Điều thứ hai là dựa vào năng lực và tính cách, chỉ khi mình chọn nghề phù hợp với cá tính và sở trường mới thành công trong công việc.

Mấy năm gần đây, HS chủ yếu chọn ngành nghề dựa vào nhu cầu nguồn nhân lực, đây có thể gọi là sự “thức thời”?

- Giai đoạn trước mắt, các em có thể chọn nghề theo kiểu tìm kiếm việc làm, nhưng vẫn phải xác định được mục tiêu nghề nghiệp cuối cùng của mình. Nếu chỉ chọn việc làm và cho là yếu tố cuối cùng, thì ban đầu có thể thỏa mãn với mức lương cao, vị trí việc làm tốt, nhưng sẽ không vui, không đam mê và khó thành công. Do đó, ban đầu ta có thể lựa chọn việc làm, sau đó lựa chọn nghề nghiệp. Việc làm mang lại thu nhập, nhưng lâu dài sự nghiệp vẫn là quan trọng nhất.

Cùng với khối trường phổ thông, các trường ĐH, CĐ có nên tham gia vào việc tư vấn hướng nghiệp cho HS?

- Theo tôi, các trường không nên tham gia quá sâu vào định hướng nghề nghiệp. Bất kỳ trường nào cũng có mục tiêu thu hút HS vào các ngành học của trường mình, do đó nếu các trường tham gia vào hướng nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình định hướng nghề của các em. Bởi vậy, các trường ĐH có thể thông tin về nghề nghiệp, ngành đào tạo. Còn tư vấn bằng cách đưa ra sự hấp dẫn của ngành nghề, nhưng không căn cứ vào năng lực của các em thì đó là sự nguy hiểm. Thực tế là thời gian vừa rồi có nhiều trường ĐH làm rất kỹ công tác tuyển sinh, dẫn đến HS đến học là vì lý do này kia chứ không phải vì đam mê hay năng lực.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, bên cạnh các khối thi truyền thống nhiều trường ĐH, CĐ áp dụng tổ hợp môn thi mới. Tuy HS có nhiều sự lựa chọn khối thi nhưng thật sự bối rối. Ông có lời khyên nào cho các em?

- Với việc có thêm nhiều tổ hợp môn mới, các em sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, vẫn phải căn cứ vào đam mê, sự hiểu biết của mình về nghề để lựa chọn, lấy đó làm căn cứ chính. Đừng nên căn cứ vào cơ hội trúng tuyển để lựa chọn ngành nghề.

Xin cảm ơn TS!

Thủy Trúc thực hiện
Nguồn: ktdt.vn

Bài viết liên quan

1039
  Tải tài liệu