Sinh viên sư phạm lại được bao cấp!

Theo chính sách mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo, học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt 36,3 triệu đồng/năm học

1236
  Tải tài liệu

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Chính sách mới nhằm khuyến khích sinh viên giỏi vào các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhiều quyền lợi

Theo dự thảo, nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hằng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do nhà nước công bố. 

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định nhưng không quá 10 tháng/năm học. Tính ra, mỗi sinh viên sư phạm sẽ nhận được tối đa 36,3 triệu đồng/năm học.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhận định đây là giải pháp tốt để khuyến khích sinh viên giỏi vào các trường sư phạm, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo. Song, ông lưu ý chính sách này chỉ phát huy hiệu quả khi triển khai đồng bộ với những giải pháp khác. "Phải có biện pháp buộc nhà trường không được hạ thấp đầu vào khi tuyển sinh mà phải chọn lọc để có những sinh viên giỏi. Bên cạnh đó, cần có những cam kết về chất lượng đào tạo cũng như việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp" - ông Vinh đề nghị.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình với chính sách này. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), nêu quan điểm: "Không nên thực thi chính sách bao cấp cho sinh viên sư phạm mà có thể hỗ trợ bằng việc cho vay tín dụng, nếu sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm việc trong ngành sư phạm thì xóa nợ cho họ. Như vậy thì tích cực hơn".

Hỗ trợ lại đi đòi nợ?

Cùng với những hỗ trợ của nhà nước, dự thảo nghị định cũng quy định nghĩa vụ của sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Theo đó, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp với thời gian tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ. Ngược lại, sau 2 năm, nếu bỏ ngành, không còn công tác trong ngành giáo dục thì phải hoàn trả kinh phí. Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên.

Trường hợp đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học, phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nếu bị đình chỉ học tập thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ.

Mức bồi hoàn bao gồm kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ, tiền bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.

Cách tính kinh phí bồi hoàn theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 - T2). Trong đó, S là kinh phí hoàn trả, F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ, T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định được tính bằng số tháng làm tròn, T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn.

Về quy định này, ông Hoàng Ngọc Vinh nhận định khi không còn phải lo gánh nặng học phí, sinh hoạt phí, việc sinh viên phải cam kết các nghĩa vụ của mình là hoàn toàn hợp lý. Việc này cần những quy định chặt chẽ để người học phải có ý thức học tập thật tốt, không ỷ lại.

Trong khi đó, ông Lê Viết Khuyến cảnh báo cơ chế bồi hoàn rất phức tạp. "Ngân hàng cho vay tín dụng thì mới có cơ chế thu nợ, còn Bộ GD-ĐT hỗ trợ kinh phí lại đi đòi nợ hay sao? Đây là vấn đề cần tính kỹ" - ông Khuyến lưu ý. 

Giao chủ động cho địa phương

Liên quan đến việc hỗ trợ sinh viên theo dự thảo chính sách mới, một đại diện của Bộ GD-ĐT giải thích rõ hằng năm, các địa phương căn cứ vào tình trạng thừa - thiếu giáo viên, xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên chi tiết cho từng bộ môn. UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung. Hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giữa địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm của địa phương. Dựa theo đó, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của pháp luật để tuyển dụng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Yến Anh
nld.com.vn – 20/01/2020

Bài viết liên quan

1236
  Tải tài liệu