Bàn giải pháp đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 - Bảo đảm tối đa quyền lợi thí sinh

Ngày 14-2 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ toàn quốc. Hội nghị là dịp để đánh giá kết quả thực hiện đổi mới giáo dục đại học năm 2011 và bàn các giải pháp đẩy mạnh công tác đổi mới trong năm 2012 và những năm tiếp theo, tuy nhiên vấn đề “nóng” nhất là phương án tuyển sinh ĐH-CĐ 2012.

614
  Tải tài liệu

6 điểm mới trong tuyển sinh 2012

Về đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như những năm trước nhưng dự kiến 6 điểm thay đổi.

Cụ thể, thứ nhất sẽ tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Thứ hai, các trường được bổ sung khối thi A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.

Thứ ba, điều chỉnh lịch thi: vẫn tổ chức 3 đợt thi, nhưng sẽ tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7 (đợt 1 thi ĐH khối A, A1 và V) vào ngày 7, 8-7; đợt 2 (thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu) vào 14, 15-7; đợt thi CĐ vào 21, 22-7).

Thứ tư, bổ sung cụm thi Hải Phòng (đối với các thí sinh Hải Phòng, Quảng Ninh thi vào ĐH Hàng Hải và các trường ở Hà Nội) và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường đại học đóng tại TPHCM.

Thứ năm, bộ giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển: Bộ xác định điểm sàn, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển để bảo đảm chỉ tiêu được giao. Bộ không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không qui định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước... Hàng năm, chậm nhất là ngày 31-12 các trường phải báo cáo về bộ kết quả tuyển sinh.

Thứ sáu, năm 2012, bộ không in và phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh như những năm trước. Các thông tin liên quan đến tuyển sinh, thí sinh có thể tham khảo trên trang thông tin điện tử của bộ và của các trường.

Chưa đạt đồng thuận

Gần 600 đại biểu đại diện cho hơn 400 trường ĐH-CĐ trong cả nước đã tham dự để góp ý kiến về những vấn đề chung của giáo dục đại học nói chung, về đổi mới công tác tuyển sinh nói riêng. Với những dự kiến thay đổi về tuyển sinh mà bộ đưa ra, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Hầu hết các trường hoan nghênh việc lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã công bố lộ trình thay đổi tuyển sinh đến năm 2020, đây là căn cứ quan trọng để các trường hoạch định công tác tuyển sinh của mình. Về cơ bản, các trường cũng đồng ý bộ duy trì phương án tuyển sinh “3 chung”, trên cơ sở có những điều chỉnh phù hợp vì cho đến thời điểm này, vẫn chưa có phương án tuyển sinh nào khả thi hơn.

Riêng đối với thay đổi tuyển sinh trong năm 2012, 3/6 điểm dự kiến được hầu hết các trường đồng tình là việc khôi phục chính sách tuyển thẳng vào ĐH-CĐ đối với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; bổ sung khối thi A1; bổ sung cụm thi Hải Phòng (đối với các thí sinh Hải Phòng, Quảng Ninh thi vào ĐH Hàng Hải và các trường ở Hà Nội) và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường đại học đóng tại TPHCM. 3 điểm còn lại vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Cụ thể, về dự kiến của Bộ GD-ĐT tổ chức 3 đợt thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7 (đợt 1 thi ĐH khối A, A1 và V) vào ngày 7, 8-7; đợt 2 (thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu) vào 14, 15-7; đợt thi CĐ vào 21, 22-7), nhiều ý kiến lo ngại kéo dài thời gian các đợt thi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ làm công tác tuyển sinh, họ sẽ không có thời gian nghỉ hè.

Về dự kiến bộ sẽ giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển (căn cứ điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Bộ không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển… Hàng năm, chậm nhất là ngày 31-12 các trường phải báo cáo về bộ kết quả tuyển sinh...) thì còn nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng không nên để việc xét tuyển kéo dài lê thê, sẽ rất mệt cho các trường mà cần có một mốc cụ thể để kết thúc việc xét tuyển.

Ông Trần Văn Nam, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng còn cho rằng để thí sinh có trách nhiệm với lựa chọn của mình thì không thể kéo dài xét tuyển đến hết năm. Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, ông Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn, ông Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng và đại diện một số trường cho rằng nên “chốt” thời gian xét tuyển vào tháng 10, hoặc tháng 11. Đặc biệt, hầu hết ý kiến cho rằng bộ nên in cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh” vì khu vực nông thôn, thí sinh gặp khó khăn trong việc tra cứu thông tin trên mạng.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, các trường cũng đề nghị bộ nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tự xác định chỉ tiêu của các trường (vì hiện đã phát hiện gần 100 trường đăng ký vượt quá khả năng); thi “3 chung” các trường cần tăng cường phối hợp, nhất là công tác hậu kiểm sau tuyển sinh vì hiện nay công tác này còn kém; nên cho phép một số trường ĐH địa phương, ĐH đặc thù đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp…

Tạo thuận lợi cho thí sinh

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, bộ sẽ tiếp thu ý kiến của tất cả các trường và sẽ có quyết định cuối cùng về các vấn đề tuyển sinh trong thời gian sớm nhất. Về đổi mới tuyển sinh nói chung, Bộ trưởng cho rằng, bộ đã đưa ra lộ trình thay đổi theo hướng bảo đảm tối đa quyền lợi người học. Từ nay đến 2015 giữ 3 chung. Sau 2015 thế nào sẽ tiếp tục bàn thảo để sau 2015, đổi mới tuyển sinh đồng bộ, cùng với đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, ở các cấp học. Bộ tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở đề án của các trường ĐH trọng điểm và đóng góp của toàn hệ thống.

Riêng với năm 2012, Bộ trưởng đồng ý để các trường xét tuyển nhiều lần, nhưng cũng không kéo dài đến 31-12 mà nên chốt lại thời điểm để các trường báo cáo tuyển sinh sớm hơn, còn vào thời điểm nào bộ sẽ bàn và quyết định sớm. Đối với đề xuất về in cuốn “Những điều cần biết...”, Bộ trưởng cho biết sẽ giao Nhà Xuất bản GD tiếp tục cân nhắc in cuốn sách này. “Nhưng tất cả các số liệu do các trường tự công bố, tự chịu trách nhiệm, chứ không phải là tài liệu công bố của bộ. Tinh thần là tạo tối đa thuận lợi cho thí sinh, không gây hoang mang dư luận”.

Thành Vinh

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

614
  Tải tài liệu