Tuyển sinh ĐH-CĐ 2020: Nhiều cơ hội cho “cuộc đua” bổ sung
12/10/2020 Từ nay đến ngày 15-10, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước dành hàng ngàn chỉ tiêu ở các nhóm ngành để xét tuyển ĐH bằng nhiều phương thức như điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM... Đây được xem là cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH. Ở cuộc đua cuối này, ngoài việc cạnh tranh, thí sinh cũng phải đặc biệt lưu ý đặt tiêu chí lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích lên hàng đầu.
Hàng ngàn chỉ tiêu xét bổ sung
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, xét tuyển đợt 1 có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tính mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% đơn vị tuyển sinh). Hiện vẫn còn đến 83 trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung đến hết năm 2020. Do đó, cơ hội vào ĐH của thí sinh vẫn còn rộng mở.
Ngay cả một số trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Quốc tế dành đến 1.335 chỉ tiêu, trong đó 490 chỉ tiêu cho 16 ngành do trường cấp bằng và 845 chỉ tiêu cho 21 ngành liên kết quốc tế do trường đối tác cấp bằng. Trong đó, các ngành do trường cấp bằng nhận hồ sơ từ 18-22,5 điểm. Chỉ tiêu ngành xét tuyển bổ sung nhiều nhất là Công nghệ sinh học 100 chỉ tiêu, Công nghệ thực phẩm 60, Kỹ thuật điện tử viễn thông 55…
Phân hiệu ĐH Quốc gia TPHCM tại tỉnh Bến Tre tiếp tục xét tuyển bổ sung ngành Kỹ thuật xây dựng theo 3 phương thức: điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM (với thí sinh 560 điểm trở lên); điểm thi tốt nghiệp THPT (điểm sàn 16) và xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM kết hợp với điểm trung bình học bạ lớp 12 (điểm sàn 16). Thời gian đăng ký xét tuyển đến ngày 14-10.
Trường ĐH Bách khoa tiếp tục tuyển sinh 9 ngành đào tạo liên kết quốc tế (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật môi trường và Quản trị kinh doanh). Mỗi ngành có 30 chỉ tiêu. Nhà trường xét tuyển theo hình thức xét học bạ 3 năm THPT.
Chương trình này giảng dạy 100% tiếng Anh, 2 năm đầu tại Việt Nam và 2 năm cuối sinh viên sang các trường của Australia và Mỹ. Bằng tốt nghiệp do trường ĐH nước ngoài cấp. Học phí 2 năm đầu tại Việt Nam là 60 triệu đồng/năm và 2 năm cuối tại trường ĐH đối tác: theo mức học phí của đối tác. Nhiều trường lớn khác như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (Phân hiệu tại Vĩnh Long)… cũng dành hàng trăm chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung.
Tại miền Trung, nhiều trường cũng xét tuyển bổ sung. ĐH Đà Nẵng tuyển bổ sung vào một số ngành ở các cơ sở thành viên theo 2 phương thức kết quả học tập THPT (học bạ) và điểm thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức điểm thi, có 2 trường đang nhận hồ sơ.
Trong đó, Trường ĐH Sư phạm tuyển 765 chỉ tiêu; một số ngành tuyển nhiều chỉ tiêu như Sư phạm Tin học 68 chỉ tiêu, Sư phạm Vật lý 100, Sư phạm Sinh học 126, Sư phạm Khoa học tự nhiên 171… Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng còn tuyển bổ sung sinh viên vào các Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm tại Phân hiệu Kom Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh bằng xét học bạ.
Hãy chọn ngành nghề phù hợp
Để đảm bảo cho công tác xét tuyển bổ sung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các ĐH, học viện, trường ĐH rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2020. Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua, một số cơ sở đào tạo triển khai tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy không thông báo rõ ràng, chưa đảm bảo quy trình và quy định hiện hành... đã gây hiểu sai và bức xúc đối với thí sinh, phụ huynh.
Trong đó, bộ yêu cầu các trường lưu ý thời gian xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo, căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Thông tin xét tuyển bổ sung phải đúng quy định hiện hành, công bằng, công khai, minh bạch; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội, trong đó phải công khai đầy đủ các thông tin: thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung; điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1; kết thúc thời gian nhận hồ sơ mới thực hiện xét tuyển để đảm bảo công bằng lấy kết quả từ cao xuống thấp và không vượt quá chỉ tiêu đã xác định. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nếu lỡ rớt đợt 1, đặc biệt thí sinh điểm cao, các em cũng không nên nóng vội vì cơ hội vẫn còn nhiều. Do đó, các em cần sự tính toán, hãy vào ĐH để học ngành phù hợp năng lực sở trường của mình, ngành hot, trường hot không quan trọng bằng ngành nghề, trường phù hợp với mình. Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm và thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển… và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh có thể căn cứ vào các thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định từng trường); thí sinh cũng có thể nộp vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau để xét tuyển.
Theo các chuyên gia, ở đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh phải rút kinh nghiệm, đó là đừng lựa chọn ngành nghề theo số đông. Các em hãy lựa chọn theo đúng sở thích, chọn trường vừa sức của mình. Thí sinh cần hết sức thận trọng khi đăng ký vào các ngành ở trường hot, điểm cao nhưng chỉ tiêu xét tuyển quá ít. Ở đợt này, một số trường vẫn sử dụng khá nhiều phương thức xét tuyển nên thí sinh phải tận dụng hết các phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển.
THANH HÙNG
sggp.org.vn – 12/10/2020
Bài viết liên quan
- Thí sinh chưa xác nhận nhập học có thể đăng ký xét tuyển bổ sung
- Gần 50% số trường, ngành học xét tuyển bổ sung
- Tuyển sinh đại học 2020: Các đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ 14/10
- Lưu ý đặc biệt với thí sinh sau khi biết điểm chuẩn đại học
- Điểm xét tuyển bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1