"Học sinh, sinh viên nghèo bị ép đóng học phí, hãy phản ánh với Bộ"

Thứ trưởng Trần Quang Quý: “Chúng tôi đã đề nghị các trường cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước, không bắt các em phải nộp ngay. Các em nào diện gia đình nghèo, chưa có điều kiện đóng thì cho các em đóng sau. Các em bị trường thúc ép thì hãy phản ánh với Bộ GD&ĐT”.

848
  Tải tài liệu

Chiều 15/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi Tọa đàm “Để sinh viên nghèo có tiền đi học”. Ông Lò Văn Đức - Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi khẳng định đến thời điểm này kể cả nguồn vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vay giảm nghèo của WB cộng với thu nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện 9 tháng đã đạt 2.600 tỷ đồng, đến ngày 31/12 sẽ có thể đạt 3.000 tỷ đồng, thì sẵn sàng có đủ vốn cho học sinh, sinh viên vay vốn”.

Khó khăn về ban hành mẫu cho vay

Bước vào năm học mới, nhiều trường tiến hành thu học phí cùng với đó là những khoản thu khác, nhưng cũng thời điểm này nhiều học sinh – sinh viên chưa nhận được nguồn vốn ưu đãi, buộc các gia đình nghèo phải đi vay nóng hoặc vay lãi để có tiền cho con đi học.


Với vai trò là cơ quan quản lí, về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, Bộ đã chỉ đạo các trường nên có chính sách giãn thu cho những em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các em thuộc diện cho vay thao QĐ 157 sẽ được đóng tiền sau. “Chúng tôi đã đề nghị các trường cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước, không bắt các em phải nộp ngay. Các em nào diện gia đình nghèo, chưa có điều kiện đóng thì cho các em đóng sau. Các em bị trường thúc ép thì hãy phản ánh với Bộ GD&ĐT”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Như vậy, có một thực tế đang xảy ra đối với sinh viên khó khăn vay vốn đi học, thực trạng này hàng năm luôn diễn ra đòi hỏi cần có một chính sách phù hợp hơn với sinh. Ông Lò Văn Đức cho biết, theo quy định, trong năm đầu tiên các em chỉ cần mang giấy nhập học tại nơi thôn bản, gia đình cư chú là được vay vốn.


Từ khi thực hiện QĐ 157 tới nay Ngân hàng chính sách xã hội đã có những cải cách đáng kể về thủ tục. Theo mô hình trước đây, Ngân hàng cho vay trực tiếp đến từng sinh viên, điều đó có nhiều bất cập, đặc biệt là khi thu hồi nợ. Hiện Ngân hàng đã chuyển sang cho vay qua hộ gia đình, ủy thác qua các tổ thức xã hội. Toàn quốc hiện có hơn 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.600 điểm giao dịch, giải ngân trực tiếp cho người vay vốn theo lịch niêm yết. “Các thủ tục này về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu, chưa có vướng mắc nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của người vay, việc cải cách thủ tục cho người vay cũng là cho ngân hàng”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, trong thời gian qua có một trục trặc nhỏ, khi Ngân hàng có ban hành mẫu xác nhận mới, đã công bố nhưng có trường chưa cập nhật kịp. Nắm bắt được tình hình này, nhận thấy việc thay đổi này không có ảnh hưởng nhiều, Ngân hàng cho tiếp tục sử dụng mẫu cũ, mẫu cũ vẫn có hiệu lực.

Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa – địa phương có số dư nợ lớn nhất nước theo phản ánh vẫn gặp khó khăn trong quá trình vay vốn sinh viên. Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa nhận định, khó khăn trong vay vốn sinh viên tại Thanh Hóa là không có, tuy nhiên cũng gặp phải những khúc mắc như trong quá trình thực hiện, hoàn thiện hồ sơ của các tổ chức cho vay vốn và các tổ chức khác chưa kịp thời, do nhiều nguyên nhân khác nhau.  Nên không có hồ sơ đưa đến ngân hàng để làm căn cứ giải ngân. Vấn đề mẫu giấy xác nhận chưa được thống nhất, một số trường xác nhận vẫn là mẫu giấy cũ, chưa đáp ứng đủ thông tin. Một vấn đề khác nằm ở khâu bổ sung các hộ nghèo, cận nghèo chưa kịp thời nên cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới quá trình xét cho vay vốn.

Nhiều hộ gia đình tại Thanh Hóa cho biết, với mức vay như hiện nay vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được với mong muốn của nhân dân. Xét trên kiến nghị này cần phải tăng mức cho vay.

Về những bất cập trong việc thống nhất mẫu vay vốn, ông Lò Văn Đức cho biết, đã tham mưu Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chấp thuận mẫu cũ đến hết tháng 6/2013, sau đó sẽ thống nhất thực hiện mẫu mới để đảm bảo quy định chung. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cũng đồng quan điểm với ý kiến trên khi cho rằng, cả mẫu mới và mẫu cũ hiện đều có giá trị như nhau cho tới hết tháng 6/2013. 

Vẫn giữ mức vay 1 triệu/tháng

Trên thực tế, trong những năm qua cả nước có khoảng 1.000 sinh viên, học sinh bỏ học  vì hoàn cảnh khó khăn, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng xác nhận, sau khi biết được thông tin trên Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải báo cáo ngay về tình hình học sinh, sinh viên bỏ học. Theo thống kế của Bộ GD&ĐT, con số 1.000 học sinh, sinh viên bỏ học là chính xác. Tuy nhiên, các em bỏ học với nhiều lý  do khác nhau, riêng đối với trường hợp học sinh diện vay vốn mà bỏ học thì chưa phát hiện ra.

“Về phía các em bỏ học do lý do khác, Bộ cũng không thể can thiệp, nhưng nếu do hoàn cảnh, bố mẹ ốm đau đột xuất, chúng tôi yêu cầu nhà trường báo cáo. Trong văn bản có những trường hợp khó khăn đột xuất, nếu nhà trường và địa phương xác định vẫn đề nghị thì vẫn xét cho vay vốn” Thứ trưởng Trần Quang Quý khẳng định.


Ông Lò Văn Đức cũng cho biết, nếu người đi học có đủ tiêu chuẩn thì sẽ được giải ngân, do vậy nguồn vốn cho chương trình cho vay đi học không phân bổ theo kế hoạch mà theo nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.

Câu chuyện và bài toán hoàn trả số tiền vay vốn sinh viên tại các địa phương nghèo,nhưng gia đình nghèo vẫn là điều khó giải đối với các nhà quản lý. Trong tình hình giá cả leo thang, mọi sinh hoạt (tiền điện, nhà trọ, nước sinh hoạt…) đều tăng như hiện nay thì mức vay 1 triệu/tháng/sinh viên là thấp, điều đó ảnh hưởng tới hiệu quả của vốn vay. 

Trả lời câu hỏi có nên tăng mức vay trong thời gian tới hay không ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, câu chuyện tính toán này đã phát sinh ngay từ ngày đầu thực hiện chương trình.

Từ khi thực hiện (2007) mức vay là 800.000đ/tháng, đến nay là 1 triệ/tháng, mặc dù Bộ Tài chính thống nhất trong bối cảnh giá sinh hoạt cao, tuy nhiên mục tiêu của chương trình là kêu gọi xã hội hóa, nhà nước hỗ trợ một phần, gia đình, xã hộ tham gia một phần chứ không chỉ riêng nhà nước lo hết.

Bên cạnh đó, số vốn vay ban đầu là 800.000đ/tháng, với nhu cầu của sinh viên trong khóa học là 5 năm thì nguồn vốn lên tới từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng, đây là con số lớn, nếu điều chỉnh mức cho vay, Bộ Tài chính đã tính toán cân nhắc sợ rằng ảnh hưởng tới tính khả thi của chương trình. Do vậy, vẫn duy trì mức tối đa là 1 triệu đồng/ tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng phân tích, nếu một gia đình có 1 con em đi học trong vòng 5 năm vay  mức tối đa là 5 triệu, vậy dư nợ là 50 triệu đồng, có 2 con em là 100 triệu đồng, đối với gia đình nghèo ở nông thôn con số 100 triệu đồng không phải là nhỏ. Do vậy, tính toán mức cho vay cũng phải tính tới khả năng trả nợ của gia đình học sinh,sinh viên trong bối cảnh khó khăn. 

“Tuy nhiên, các bộ ngành cũng sẽ theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả thị trường để có thể trình Chính phủ ban hành mức điều chỉnh phù hợp và khả thi trong thời gian cần thiết”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết. 

Xuân Trung

(giaoduc.net.vn)

Bài viết liên quan

848
  Tải tài liệu