Sinh viên có thể rút ngắn tới 3 học kỳ khi học theo tín chỉ

Sinh viên giỏi được… hưởng lợi!

Không liệu sức, sẽ phải “trả giá”… đắt!

Đến 2015, tất cả các trường ĐH phải chuyển sang đào tạo tín chỉ.

697
  Tải tài liệu

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020. Sinh viên có trình độ, kiến thức và sức học tốt sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất…

Việc chuyển từ phương thức đào tạo theo niên chế sang tín chỉ là sự hoà nhập vào hình thức đào tạo hiện đại.

Sinh viên giỏi được… hưởng lợi!


Năm 2012, ĐH Vinh lần đầu tiên có 1 SV được công nhận tốt nghiệp sớm hơn so với thời gian học 1 năm, đó là Trần Quốc Luật - lớp 50A toán. Quốc Luật là sinh viên ở khoá thứ 2 nhà trường triển khai theo chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ.


Đầu tháng 11.2012 vừa qua, ĐH Bách khoa TPHCM đã trao bằng tốt nghiệp cho 3 SV khóa 2008 học vượt và đã tốt nghiệp sớm 1 học kỳ so với chương trình đào tạo.


Tương tự, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM cũng vừa tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho 9 SV học vượt 1 học kỳ.


Sau 5 năm ĐH Đà Nẵng chuyển phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, TS Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng - cho biết: Với việc dạy và học theo tín chỉ giúp SV chủ động hơn. Nhiều SV có thể học vượt, học chương trình 2 vào học kỳ phụ trong thời gian hè, và có thể học chương trình 2 tại các trường khác. Đặc biệt, với việc học theo tín chỉ đã có 1 SV tốt nghiệp sớm hai học kỳ với loại khá. Ngoài ra, có 337 SV tốt nghiệp sớm một học kỳ (đa số đều đạt loại khá giỏi trở lên).


Theo TS Việt, tỉ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi khi đào tạo theo tín chỉ trong 5 năm là 79,31%, cao hơn khi đào tạo theo niên chế (khoảng 42,1%). Cũng qua ghi nhận thực tế từ khi chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ cho biết, số SV được tốt nghiệp sớm hơn so với các chương trình 4 năm, 5 năm thông thường ở ĐH Xây dựng là khoảng 30% trong tổng số SV. Tương tự, ở ĐH Dân lập Thăng Long tỉ lệ này khoảng 15% .

Nhìn nhận về phương thức đào tạo này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM - phân tích: Có 3 lợi thế của đào tạo tín chỉ, đó là SV được chủ động thời gian học tùy khả năng, điều kiện sức khỏe, kinh tế.

Ngoài ra, SV còn có thể chuyển đổi chuyên ngành mình đang theo học một cách khá dễ dàng, không phải học lại từ đầu. Với “tính năng” này, SV sẽ có thể sở hữu nhiều bằng cấp bậc đại học với các chuyên ngành khác nhau trong thời gian ngắn hơn.

Và thực tế triển khai cho thấy ưu điểm được SV chú ý tận dụng nhất là việc rút ngắn thời gian học tập. Nhiều SV đã tiết kiệm được từ 1 – 3 học kỳ học ngay từ khi nhà trường áp dụng hình thức đào tạo này.

Được biết, theo quy chế đào tạo của Bộ GDĐT ban hành, sinh viên có thể rút ngắn tối đa 2 học kỳ chính đối với hệ CĐ và 3 học kỳ chính đối với hệ ĐH. Như vậy sinh viên có thể học rút ngắn được 1 năm với hệ CĐ và 1,5 năm đối với hệ ĐH.

Không liệu sức, sẽ phải “trả giá”… đắt!

Không thể phủ nhận những ưu điểm của phương pháp học theo tín chỉ, tuy nhiên, theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM - nếu SV không hiểu rõ yêu cầu của phương pháp này cũng như xác định được khả năng của mình thì sẽ rất lao đao, hậu quả sẽ nặng nề. Thực tế tại trường, có năm có tới 100 SV bị đình chỉ học vì không đạt yêu cầu tối thiểu của học chế này.

Dương Thị Oanh Thanh - cựu SV khoa Triết học, K52 Trường ĐH KHXH&VN (ĐH Quốc gia HN), khóa đầu tiên của trường áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, 1 trong 5 SV đầu tiên của trường nhận được bằng tốt nghiệp chỉ sau 3 năm học cho biết: Nếu muốn học vượt, phải có kế hoạch ngay từ đầu và phải kiên định với mục tiêu. Bởi, trong quá trình học vượt sẽ phải chịu áp lực lớn khi phải học với khối lượng kiến thức lớn hơn nhưng thời gian ngắn hơn so với các bạn khác.

Đặc biệt, áp lực này sẽ kéo dài mấy năm nên không phải dễ vượt qua. Bạn cần chủ động liên hệ với thầy cô để xin hướng dẫn, tư vấn sao cho lên được một kế hoạch học tập hợp lý, không bị chồng chéo mà cũng không bỏ phí thời gian.

Còn theo Phạm Phi Hùng - SV tham gia học vượt, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tin học TPHCM niên khóa 2010, hiện đang tham gia học liên thông lên ĐH của Trường ĐH Mở TPHCM - thì: “Việc học vượt được nhiều SV ưa thích nhưng ít bạn có thể tham gia vì thời gian bố trí học thực tế các tín chỉ tại trường bị “chồng” nhau đến xấp xỉ 70%, nên nếu tham gia học ở tín chỉ này thì sẽ phải bỏ ở tín chỉ khác. Mà nếu bỏ nhiều quá, sẽ hổng kiến thức dẫn đến hệ quả là thi cuối học phần không đạt và sẽ phải tham gia học lại nguyên học phần của tín chỉ bị nợ. Như vậy, sẽ mất thời gian cũng như chi phí nhiều hơn.

Cũng theo SV này, nếu không đủ năng lực, lại muốn rút ngắn thời gian học mà cố tham gia học nhiều tín chỉ trong cùng một thời gian sẽ dẫn đến đuối sức và rốt cuộc lại “xôi hỏng bỏng không”.

Đến 2015, tất cả các trường ĐH phải chuyển sang đào tạo tín chỉ.

Đào tạo theo học chế tín chỉ là 1 trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020. Giữa năm 2012, Bộ GDĐT đã công bố chương trình hành động giai đoạn 2011-2016. Theo đó, bộ yêu cầu đến năm 2015, tất cả các trường ĐH chuyển hoàn toàn sang đào tạo theo học chế tín chỉ.

Nguồn: laodong.com.vn

Bài viết liên quan

697
  Tải tài liệu