Hoa mắt vì các trường đại học tuyển sinh kiểu “trăm hoa đua nở”
Thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương án, dự kiến phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020. Năm nay, các trường đều có chỉ tiêu lớn, bổ sung thêm ngành đào tạo, phương thức xét tuyển báo hiệu kỳ tuyển sinh đại học sắp tới sẽ đa dạng, sôi động.
"Nở rộ" mở ngành đào tạo mới
Theo ĐH Công nghiệp TP HCM, dự kiến kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường tuyển gần 8.000 chỉ tiêu theo ba phương thức khác nhau. Trong đó, nhà trường dành khoảng 60% - 85% trong tổng chỉ tiêu trường xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020; xét học bạ THPT năm lớp 12 với ngưỡng nhận hồ sơ từ 19,5 điểm trở lên (tổng điểm ba môn); Dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM cho khoảng 5% - 10% tổng chỉ tiêu.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2020 thực hiện tuyển sinh trong cả nước và quốc tế, với chỉ tiêu dự kiến là 10.000 chỉ tiêu, mở thêm khoảng 17 ngành mới. Các đối tượng phải có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành. Các phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Quy định đặc thù của trường. Xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 và các phương thức khác (SAT, A-LEVEL, IELTS).
Năm 2020, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng dự kiến có 5 phương thức tuyển sinh trong năm 2020, tổng chỉ tiêu là 3.500 thí sinh. Trường tổ chức 5 phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TP HCM; theo điểm thi THPT Quốc gia 2020; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM; xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi quốc tế hoặc xét tuyển những thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài. Trường cũng dự kiến mở 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Vật lý y khoa, Kỹ thuật địa chất, Toán ứng dụng, Toán tin.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng vừa công bố Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020 với nhiều điểm mới. Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh thêm 4 ngành mới: Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Quan hệ quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Tổng số ngành đào tạo bậc đại học chính quy của trường là 48 với chỉ tiêu dự kiến 6.250. ĐH Nha Trang cũng công bố phương án tuyển sinh năm 2020 có thêm các chương trình đào tạo như: Ngôn ngữ Anh - Trung; Dịch vụ hàng hải và Logistic; Kỹ thuật công trình giao thông.
Những lưu ý trong chọn trường
Vừa qua, ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố lịch thi và đề thi mẫu của Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020. Theo đó, kỳ thi năm 2020 được tổ chức hai đợt ở nhiều địa phương và chia ra thành hai đợt. Bài thi đánh giá chú trọng các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy lôgic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 hiện có khoảng 30 đơn vị đăng ký sử dụng, số lượng tăng đáng kể so với năm 2019.
Kỳ tuyển sinh năm nay, một số trường đại học áp dụng phương thức kỳ thi riêng. Cụ thể, tại ĐH FPT năm 2020 có chỉ tiêu tuyển sinh là 1.301 thí sinh tại 5 ngành đào tạo. Các thí sinh thuộc đối tượng tuyển sinh có nguyện vọng theo học tại ĐH FPT phải đáp ứng hai tiêu chí đó là tham dự và trúng tuyển kỳ thi sơ tuyển hoặc đủ điều kiện miễn thi sơ tuyển. Các thí sinh thực hiện các bài thi sơ tuyển 2 bài bao gồm: Bài thi 1 nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi. Bài thi 2 nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh.
Trước phương thức tuyển sinh các trường đại học như "trăm hoa đua nở", TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các trường được phép tuyển sinh theo tự chủ trong đó có thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Hiện nay, điều kiện của học sinh vào đại học phải đỗ tốt nghiệp THPT nghĩa là qua kỳ thi THPT. Đối với các trường, TS Khuyến đưa ra lời khuyên, nên hướng tới quyền lợi của người học, sự vất vả của người học, không nên đưa ra những quy định quá nhiêu khê, gây khó khăn cho thí sinh. Nếu như trường đẳng cấp cao, trường năng khiếu có thể tổ chức kỳ thi, còn các trường ở mức trung bình nên sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia.
"Bước vào kỳ tuyển sinh, thí sinh cần xem năng lực của mình, nhu cầu thực tế của mình, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội… từ đó xác định thi vào ngành phù hợp. Không nên dựa quá nhiều vào sự yêu thích, vì điều này có thể là sự "hoang tưởng", hoặc đăng ký vào ngành nào đó mà ra trường khó xin được việc làm, cái này chỉ mang tính nhất thời, chưa có sự chuyên sâu. Vì thế, rất cần có sự đánh giá, tư vấn của các chuyên gia về nhân lực, cho nên cần phát triển đội ngũ này, hoặc các hội nghề nghiệp có đội ngũ tư vấn giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp", TS Lê Viết Khuyến đưa ra lời khuyên tới các thí sinh.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ nay đến 31/12/2019, các trường phải hoàn thành phương án tuyển sinh năm 2020; xác định chỉ tiêu theo tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển. Ngoài ra, các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên), tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh các năm liền kề. |
Quang Anh
giadinh.net.vn – 24/12/2019
Bài viết liên quan
- Tuyển sinh đại học năm 2020: Giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi THPT
- Các trường đại học chạy đua tuyển sinh sớm
- Tuyển sinh đào tạo sau đại học năm 2020 của Đại học Quốc gia Hà Nội có gì thay đổi?
- Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa TP HCM tuyển 5.000 chỉ tiêu
- Xét tuyển ĐH 2020: Nhiều trường giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi quốc gia