“Điên đầu” đào tạo cử tuyển
“Điên đầu” đào tạo cử tuyển
Không phải thi tuyển, cũng không cần đạt điểm sàn, những sinh viên diện cử tuyển dễ dàng bước chân vào giảng đường ĐH mà không cần điều kiện gì. Chính vì vậy, chất lượng cử tuyển làm “điên đầu” các trường đào tạo
Có một tâm lý chung của các trường ĐH, CĐ là trường nào cũng sợ đào tạo đối với sinh viên hệ cử tuyển. Đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM còn nói thẳng: “Đó là một gánh nợ của trường”. Tuy nhiên, hầu hết các trường lớn đều phải nhận chỉ tiêu đào tạo cử tuyển.
Khoảng cách “đến 24 lần”
Thông báo tuyển sinh ĐH theo chế độ cử tuyển năm 2012 của tỉnh Gia Lai vừa được ký vào đầu tháng 8 này cho thấy năm nay, tỉnh có 40 chỉ tiêu cử tuyển ở 6 trường ĐH, trong đó nhiều nhất là Trường ĐH Y Dược TPHCM với 20 chỉ tiêu chia cho các ngành: bác sĩ đa khoa (10), y học dự phòng (5), y học cổ truyền (2), điều dưỡng (3).
Đối tượng được cử tuyển ở Gia Lai là công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh và chỉ cần tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Tỉnh ưu tiên xét cử tuyển đối với đối tượng là học sinh dân tộc ít người, tỉ lệ người Kinh không quá 15% so với tổng chỉ tiêu.
Năm trước, khi thông báo tuyển 57 chỉ tiêu theo diện cử tuyển, tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra những điều kiện tương tự. Tỉnh này dành tới 8 chỉ tiêu đào tạo ngành y dược tại Trường ĐH Y Dược TPHCM và 12 chỉ tiêu đào tạo tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Ngày 24-8, cổng thông tin điện tử của tỉnh Ninh Thuận cũng thông báo bắt đầu nhận hồ sơ cử tuyển năm 2012. Năm nay, tỉnh này được Bộ GD-ĐT duyệt cho 15 chỉ tiêu cử tuyển…
Nhận xét về đầu vào của sinh viên hệ cử tuyển, ông Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình, ví von một cách chua chát: “Nếu điểm đầu vào của sinh viên chính quy là 24 thì chất lượng của hệ cử tuyển cách xa chính quy 24 lần”. Ông Phạm Hùng Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, thẳng thắn: “Không cần trả lời, ai cũng biết chất lượng cử tuyển thế nào. Đó là một câu chuyện dài”. Ông Lực phân tích: Đây là một chính sách đúng đắn nhưng dưới góc độ đào tạo thì với đầu vào như vậy, những người này khó có thể ngồi trên giảng đường ĐH chứ đừng nói đến các trường ĐH y dược.
Đây không phải là ý kiến cá biệt, phần lớn lãnh đạo các trường khi được hỏi đều khẳng định họ rất đau đầu với chất lượng sinh viên cử tuyển. Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, thẳng thắn: “Để giữ chất lượng đào tạo, trường chúng tôi không nhận sinh viên cử tuyển và chuyên tu”.
Ông Lý Văn Xuân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết hằng năm, trường không biết trước được số chỉ tiêu cử tuyển. Chỉ khi Trường Dự bị ĐH TPHCM gửi danh sách, Trường ĐH Y Dược TP mới nắm được số lượng và tiếp nhận đào tạo theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Hằng năm, có khoảng trên dưới 100 sinh viên theo học hệ này. Năm 2012, trường đào tạo 97 chỉ tiêu cử tuyển và phân bổ ở các ngành. Theo ông Xuân, kết quả học tập nhiều năm qua cho thấy sinh viên hệ cử tuyển thường kém hơn sinh viên chính quy, không ít người phải thi 2-3 lần mới đỗ tốt nghiệp.
Bỏ học vì quá sức
Trong 5 năm qua, Tây Ninh được giao tuyển 63 chỉ tiêu cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, số tuyển được chỉ có 45 người và trong số này, tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn 37 người đang học. Tám người còn lại đã có trường hợp may mắn học xong, được bố trí việc làm nhưng cũng có người học 1 năm dự bị ĐH đã không vượt qua được kỳ kiểm tra trước khi chính thức vào ĐH. Thậm chí, có trường hợp bỏ học vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Mới đây, một sinh viên người Khmer ở huyện Châu Thành - Tây Ninh đã gọi điện về Sở GD-ĐT xin phép được bỏ học vì quá áp lực, nếu không thì phải chuyển sang trường khác.
Ông Phạm Hùng Lực cho biết dù có học dự bị một năm thì chất lượng sinh viên cử tuyển vẫn không thể nào lên được. “Các em này không có sức bật để tiếp thu những điều mình muốn truyền đạt. Nhiều em quá kém, ở lại lớp 2 năm liên tục, chúng tôi buộc phải chuyển xuống hệ trung cấp” - ông Lực tỏ ra thất vọng.
Một lãnh đạo của Trường ĐH Y Hải Phòng cho biết mỗi lần nhận sinh viên cử tuyển chỉ 5-10 em nên không thể mở một lớp riêng cho những đối tượng này. “Mà cho dù có học phụ đạo thì phải học chung, thi chung với sinh viên chính quy. Điều này vượt quá khả năng của các sinh viên hệ cử tuyển nên rốt cuộc, các em vẫn cứ trượt” - ông ngao ngán.
Quá lãng phí tiền của
Không chỉ đối với đào tạo thầy thuốc, việc đào tạo người thầy đứng trên bục giảng, vốn chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu ngành nghề đào tạo cử tuyển, cũng khiến nhiều người lo lắng. Ông Phạm Hiến Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, chua chát: “Thực sự họ kém lắm. Để được ra trường, sinh viên diện cử tuyển cũng phải thi lên thi xuống, số kéo dài đến 6-7 năm học khá đông”. Theo ông Bằng, đó là trước khi vào trường, sinh viên cử tuyển phải qua 20 tháng học bổ trợ, thi đạt mới được vào ĐH, nếu không thì phải xuống CĐ, thậm chí kém quá phải trả về.
Lãnh đạo một trường ĐH cho rằng việc đào tạo cử tuyển như hiện nay rất lãng phí tiền của. Mỗi năm, Nhà nước phải bỏ ra một con số khổng lồ (khoảng 3.000 sinh viên được tuyển, kinh phí đào tạo mỗi người là 6,6 triệu đồng), trong khi sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu nên không được tuyển dụng.
Vị này dẫn chứng: Đến năm 2011, huyện Lang Chánh - Thanh Hóa vẫn còn gần 40 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển chưa được bố trí việc làm và sẽ rất khó bố trí. Lý do là phần lớn các đối tượng này chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp hoặc CĐ, không đạt tiêu chí tuyển dụng cán bộ ở huyện. Không thể sử dụng các đối tượng đã được hỗ trợ tiền đi học rõ ràng là một sự lãng phí tiền của của Nhà nước.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH thẳng thắn nêu quan điểm: Cần thay đổi, thậm chí bỏ hẳn hệ cử tuyển vì chất lượng đào tạo không bảo đảm. |
4.000 chỉ tiêu cử tuyển/năm
|
Cần thay bằng giải pháp kỹ thuật
|
YẾN ANH
(nld.com.vn)