Ngành Sư phạm: Quy hoạch và đổi mới
Tình trạng hàng loạt các trường sư phạm thiếu thí sinh, liên tục xét tuyển bổ sung, mà vẫn thiếu thí sinh khiến cho việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên được cho là việc vô cùng cấp bách hiện nay.
Dấu hiệu dư thừa nhân lực
Dù giảm chỉ tiêu rất nhiều, Bộ GD-ĐT ấn định mức điểm sàn xét tuyển tối thiểu hệ đại học (ĐH) là 17 điểm và hệ cao đẳng (CĐ) 15 điểm, song cả nước hiện nay chỉ có vài trường sư phạm tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1 như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sài Gòn. Trong khi đó, nhiều trường ĐH, CĐ đã không tuyển đủ thí sinh vào các ngành sư phạm. Với thực tế này, nguy cơ ngành sư phạm của nhiều trường sẽ phải đóng cửa.
Hiện nay, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Phân tích thực trạng ngành đào tạo giáo viên, theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2017, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có những thống kê cơ bản về nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, áp lực về số lượng không còn cao như cách đây hai thập kỷ. Điều này là do tác động của chính sách dân số và số lượng giáo viên cơ bản đủ về số lượng trong giai đoạn hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng với số lượng các cơ sở đào tạo như hiện nay, nếu thiếu kiểm soát sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, điều này không chỉ gây lãng phí về tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới, dự báo trong tương lai, đội ngũ giáo viên dạy các môn học mang tính tích hợp như Khoa học tự nhiên, Sử - Địa ở bậcTHCS không đòi hỏi nhiều về số lượng. Trong khi đó, theo ông Minh, số lượng cơ sở đào tạo sư phạm của Việt Nam chủ yếu thuộc hệ thống công lập. Do đó, việc đầu tư kiểu dàn trải sẽ không tạo ra được sự bứt phá trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.
Lý giải về nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa thiếu về cơ cấu các cấp học, bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội cho rằng, trước khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GDĐT phải rà soát tổng thể tình hình đội ngũ hiện nay như thế nào, nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ tại các địa phương ra sao. Trong khi đó, chương trình và sách giáo khoa mới cũng chuẩn bị được đưa vào áp dụng, Bộ phải cụ thể được điều này. Từ đó mới cân đối được mạng lưới trên cả nước. Cũng theo bà Minh, Bộ phải có dự báo nhu cầu giáo viên của 5 năm, 10 năm tới.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục khác, để xảy ra tình trạng bất cập trong tuyển sinh sư phạm kéo dài, thực chất là do thiếu sự quản lí ở cấp vĩ mô. Do đó, cần sớm quy hoạch lại các trường đại học nói chung và khối trường sư phạm nói riêng theo hướng ưu tiên đảm bảo chất lượng và đào tạo theo đúng nhu cầu địa phương.
Giáo viên là nhân tố quyết định
Trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Hiện ngành sư phạm cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục đại học đang chuyển đổi từ đào tạo theo số lượng, phụ thuộc vào năng lực của các trường sang đào tạo theo chất lượng và nhu cầu của xã hội. Và ở giai đoạn chuyển đổi, chúng ta phải chấp nhận ở mức độ nhất định những hiện tượng bất thường trong tuyển sinh của các trường sư phạm. Thực tế, một số trường sư phạm vẫn đang tuyển sinh tốt, có lượng thí sinh đạt điểm cao vào trường. Những trường “top dưới” gặp khó khăn nên phải tự thay đổi chức năng, cơ cấu để thích ứng tốt hơn với nhu cầu của xã hội. Bà Phụng cũng khẳng định muốn đổi mới giáo dục thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có thầy giỏi.
Nói về mô hình đào tạo giáo viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Xu hướng của các nước trên thế giới là củng cố và phát triển mô hình đào tạo giáo viên truyền thống (chỉ chuyên trách đào tạo giáo viên) thành trường đa ngành/ khoa trong trường đại học đa ngành với chương trình đào tạo linh hoạt, cho phép người học có nhiều lựa chọn đầu ra. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển, giáo viên phổ thông có trình độ tối thiểu là thạc sĩ.
Trước những khó khăn trong đào tạo giáo viên ở Việt Nam, ông Minh cho rằng, việc quy hoạch lại nên được thực hiện theo hướng: các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất.
Số liệu dự báo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho thấy, hàng năm nhu cầu tuyển mới không quá cấp bách. Với yêu cầu đó, chúng ta có thể xây dựng khu vực phía Bắc 3 cơ sở; miền Trung 2 cơ sở, miền Nam 2 cơ sở; Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo mỗi năm 15.000 đến 20.000 sinh viên, đáp ứng yêu cầu cho nguồn nhân lực giáo dục. Các cơ sở khác, các trường cao đẳng sư phạm trở thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, cơ sở bồi dưỡng, đóng vai trò là nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương.
Về vấn đề này, GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Trước hết, Bộ GD&ĐT phải thống kê thừa - thiếu giáo viên từng bộ môn ở từng trường, từng cấp học, từng địa phương, từ đó xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Vì vậy, cần cân nhắc cách làm ra sao để tránh đào tạo ra những cử nhân thất nghiệp.
Cùng quan điểm, TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho rằng việc Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn, cảnh báo dư thừa, các trường phải cắt giảm chỉ tiêu là mong muốn tuyển chọn những người giỏi cho ngành. Song vấn đề gốc rễ là việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường. Do đó, cần phải có một giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề việc làm và tiền lương cho ngành sư phạm phải được cải thiện đáng kể.
Tại nhiều cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT về công tác giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định giáo viên là nhân tố quyết định trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục cũng phải đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, từng môn, từng nơi nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ.
Việt Phương
daidoanket.vn - 09/09/2018