Trị “bệnh” hàn lâm trong môi trường đại học

Doanh nghiệp chê đào tạo

Nhà trường “bất đồng” với nhà tuyển dụng

Sản phẩm đầu ra kém nhạy bén, sáng tạo

916
  Tải tài liệu

Với tâm lý sính bằng cấp, người học cũng như người dạy hiện nay vẫn đang quá chú trọng đến kiến thức hàn lâm thay vì ứng dụng. Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục đại học là đến năm 2020 ít nhất 70% sinh viên được đào tạo theo định hướng thực hành.

Doanh nghiệp chê đào tạo

“Nhiều sinh viên tốt nghiệp nộp hồ sơ tuyển dụng ở chỗ chúng tôi với bảng điểm đẹp nhưng điều này không nói lên nhiều về người mà chúng tôi muốn tuyển”- TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển chia sẻ. “Chúng tôi từng gặp phải những sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ nhưng dịch không được, giao tiếp với khách hàng người nước ngoài cũng rất khó khăn. Sinh viên hiện nay lướt web rất nhanh nhưng trình bày văn bản chuẩn trên Word, Excel không làm được. Các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo... của sinh viên đều có vấn đề”- ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm.


Cử nhân kinh tế, cử nhân Toán cũng bị vị TS này “chê” khi đưa ra những bài kiểm tra về toán thống kê hay phân tích số liệu. “Chỉ có một số sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đây là những bạn xác định rõ công việc thực sự là gì nên có sự chuẩn bị phù hợp. Còn lại nhiều bạn đến phỏng vấn nhưng không biết nhà tuyển dụng cần vị trí gì, công việc như thế nào. Với việc thiếu định hướng như vậy thì đào tạo đang dẫn tới sự lãng phí lớn”. “Sinh viên ra trường không kiếm được việc làm tốt, lương thấp vì trình độ không đáp ứng thực tế. Nhiều em thay đổi tới 6 công việc trong vòng 2 năm, vậy là bao nhiêu kiến thức đào tạo chính ở trường sẽ rơi rụng hết” - TS. Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.


Nhà trường “bất đồng” với nhà tuyển dụng


Trước yêu cầu đáp ứng nhu cầu xã hội đối với đào tạo ĐH, nhiều trường đang bắt tay triển khai chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng thay vì nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, rất nhiều cản trở đặt ra khiến chương trình này không phát triển mạnh như mong muốn Theo như TS. Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một trong những lý do đó là: “Tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội. Thói quen quan tâm đến bảng điểm hơn là tay nghề và khả năng thực sự của sinh viên ra trường của các nhà tuyển dụng đang ảnh hưởng lớn đến chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng. Nếu theo chương trình này, sinh viên khó có được một bảng điểm đẹp bởi yêu cầu cao với dự án thực hành, bài tập nhóm được đánh giá bằng nhiều nguồn, nhấn mạnh đến kỹ năng thực hành...”.


Đồng quan điểm, ông Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, sinh viên tham gia chương trình nghề nghiệp-ứng dụng được nhấn mạnh đến khả năng thực hành, bài tập nhóm, còn các sinh viên tham gia chương trình truyền thống chủ yếu học lý thuyết, đánh giá qua thi cử nên điểm số sẽ cao hơn hẳn. Cùng với đó GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, học phí những chương trình truyền thống thấp hơn nhiều lần so với học phí của chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng, khiến cho sự lựa chọn của người học với chương trình này không cao.


Sản phẩm đầu ra kém nhạy bén, sáng tạo


Chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng được đánh giá vượt trội về kiến thức thực tế, thực tập và ứng dụng, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy độc lập sáng tạo, nhạy bén và biết nắm cơ hội ngoài kiến thức chuyên môn như các chương trình truyền thống. Sinh viên chương trình này cũng được đánh giá là tích cực, năng động và tự tin hơn. Sau khi tốt nghiệp, khả năng có việc làm của sinh viên cũng cao hơn… Tuy nhiên, bài toán khó giải cản trở sự phát triển của chương trình này, theo GS.TS Phạm Quang Trung là phương thức đào tạo khác xa với cách truyền thống đào tạo của đa số các trường. Thực hiện thành công chương trình này đòi hỏi sự mạo hiểm và tiên phong, chấp nhận thách thức và trách nhiệm để đổi mới. Trong khi đó, TS. Phạm Thị Ly lại chỉ rõ tầm nhìn và chiến lược phát triển của các trường ĐH chưa rõ ràng.

“Hiện có 8 trường ĐH thực hiện chương trình này nhưng có tới 6/8 trường coi họ là trường định hướng nghiên cứu. Như vậy, nhà trường sẽ ưu tiên hướng nghiên cứu hàn lâm và sẽ là rào cản khi phát triển theo hướng thực hành nghề nghiệp vì đây là 2 định hướng hoàn toàn khác nhau” - TS. Phạm Thị Ly phân tích.


Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT thì phát triển chương trình một cách hiệu quả và nhân rộng các trường cần rất nhiều thay đổi cả về chính sách, cả về nền nếp… Trước nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính, học phí thì vấn đề đầu tư cùng nhà nước, đặc biệt vai trò của doanh nghiệp thị trường lao động cần rõ hơn và phải cùng tham gia, mới có thể chuyển đổi được trước yêu cầu của Chính phủ đạt 70-80% sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng đến năm 2020.

Vinh Hương

Nguồn: anninhthudo.vn

Bài viết liên quan

916
  Tải tài liệu