Cố tình tuyển vượt chỉ tiêu
Cố tình tuyển vượt chỉ tiêu
Hằng năm, Bộ GD-ĐT đều xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường ĐH, CĐ tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Chuyện tuyển vượt chỉ tiêu thường không phải chỉ vài ba chục sinh viên mà nhiều trường tuyển vượt lên đến con số ngàn. Năm 2010, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có chỉ tiêu hệ ĐH là 3.000 mà số sinh viên trúng tuyển là 4.194 (vượt 1.194 sinh viên); Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương chỉ tiêu 1.150, tuyển đến 1.447 sinh viên; Trường ĐH Thăng Long chỉ tiêu 1.900, tuyển đến 2.348 sinh viên…
Tuyển vượt chỉ tiêu không phải lỗi “vô tình” bởi nhiều trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập, dù biết sai nhưng vẫn tuyển. Lãnh đạo một trường ĐH tư thục cho biết có năm trường tuyển vượt đến cả ngàn sinh viên, đương nhiên là bị Bộ GD-ĐT phạt nhưng phạt thì phạt, trường vẫn mừng. Lý do mừng là vì phạt chỉ mất chừng 50-60 triệu đồng nhưng học phí thu được của số sinh viên trúng tuyển vượt này lên đến cả chục tỉ đồng (trong 4 năm học).
Thêm một lý do nữa để mừng là càng nhiều thí sinh trúng tuyển thì cũng có nghĩa thương hiệu, uy tín nhà trường được nâng lên. Do vậy, cứ năm nào tuyển vượt năm đó cả trường ăn mừng!
Không chỉ ĐH mà ở hệ CĐ, số lượng sinh viên tuyển vượt cũng ở con số “khủng”. Trong danh sách 15 trường ĐH, CĐ bị phạt vi phạm hành chính trong tuyển sinh năm 2010 thì có đến 12 trường CĐ bị phạt vì tuyển vượt chỉ tiêu. Trong đó, Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tuyển vượt 980 sinh viên, Trường CĐ Viễn Đông tuyển vượt 293 sinh viên, Trường CĐ Giao thông Vận tải II tuyển vượt 294 sinh viên, Trường CĐ Tài chính Hải quan tuyển vượt 278 sinh viên…
Theo lãnh đạo một trường CĐ tại TPHCM, việc lường đủ chỉ tiêu đào tạo cho hệ CĐ là rất khó, bởi thí sinh dự thi CĐ thường đã dự thi ĐH nên dù trúng tuyển CĐ nhưng nhiều thí sinh không học CĐ mà chọn học ĐH. Do vậy, năm nào trường cũng phải xác định điểm chuẩn ở mức để có khoảng 200% thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu, rồi sau đó thí sinh trúng tuyển nhưng không học “vơi” dần là vừa. Nhưng kiểu làm này cũng có rủi ro vì có năm, thí sinh nhập học vừa hoặc thiếu chút đỉnh so với chỉ tiêu cho phép nhưng có năm thí sinh lại ùn ùn nhập học, thế là vượt chỉ tiêu.
Năm 2011, Bộ GD-ĐT vẫn khống chế chỉ tiêu tuyển sinh và việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào nguyên tắc: Nếu cơ sở đào tạo đạt tiêu chí về số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi nhưng chưa đạt tiêu chí về diện tích sàn xây dựng/sinh viên quy đổi thì chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy được xác định theo tiêu chí diện tích sàn xây dựng; nếu cơ sở đào tạo đạt tiêu chí về diện tích sàn xây dựng/sinh viên quy đổi nhưng chưa đạt tiêu chí về số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi thì chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy được xác định theo tiêu chí số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi.
Theo các trường, việc xác định chỉ tiêu như vậy vẫn chưa thực tế. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên để các trường tự xác định dựa vào khả năng đào tạo cũng như nhu cầu nhân lực của xã hội. Và nếu Bộ GD-ĐT vẫn khống chế chỉ tiêu tuyển sinh thì để công bằng hơn với những trường không tuyển vượt chỉ tiêu, thiết nghĩ cần phải có chế tài mạnh hơn đối với những trường “vượt rào” trong tuyển sinh. Nếu không, sẽ vẫn còn nhiều trường cố tình tuyển vượt!
Gia Thùy
25/07/2011 - nld.com.vn