Tràn lan liên kết đào tạo… chui

Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các cơ sở đào tạo chấn chỉnh việc liên kết đào tạo từ tháng 11-2011. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn phớt lờ quy định này và công khai liên kết tuyển sinh. Đáng báo động hơn, nhiều trường đã tuyển sinh chui dù chưa có hợp đồng liên kết đào tạo lẫn giấy phép từ cấp quản lý.

681
  Tải tài liệu

Đào tạo không phép

Theo thông báo của Trường CĐ Bách Việt do TS Bùi Hữu Dũng ký ngày 5-4, chúng tôi tìm đến địa chỉ 778/B1 Nguyễn Kiệm, phường 14, quận Phú Nhuận (TPHCM) để đăng ký học ngành sư phạm mầm non (liên thông từ trung cấp lên ĐH hệ chính quy). Tại đây, chúng tôi được nhân viên giới thiệu là trường được Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho phép mở các ngành đào tạo bậc ĐH từ hệ vừa học vừa làm đến hệ chính quy.

Theo đó, trường sẽ tuyển sinh 5 ngành gồm: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học hệ vừa học vừa làm (học 4 năm); ngành quản lý giáo dục (văn bằng 2); ngành sư phạm mầm non (liên thông từ trung cấp lên ĐH); ngành công nghệ thông tin (liên thông từ CĐ lên ĐH). Theo đó, tất cả từ khâu phát, nhận hồ sơ đăng ký dự thi và học đều do Trường CĐ Bách Việt thực hiện.

Trong khi đó, theo xác minh của chúng tôi, tháng 3-2012, Trường CĐ Bách Việt đã có công văn đề nghị Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH một số ngành theo hình thức vừa làm vừa học. Tuy nhiên, sau đó tháng 4-2012, Trường ĐH Sư phạm TPHCM lại có văn bản đồng ý mở các lớp đào tạo trình độ ĐH ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học hệ vừa học vừa làm và ngành quản lý giáo dục (văn bằng 2) hình thức vừa học vừa làm; ngành sư phạm mầm non (liên thông từ trung cấp lên ĐH) và ngành công nghệ thông tin (liên thông từ CĐ lên ĐH) cấp bằng chính quy.

Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu (Vũng Tàu) thông báo tuyển sinh đào tạo chương trình liên kết với Trường City University of Seattle (CityU - Hoa Kỳ) ngành quản trị kinh doanh (hệ ĐH) với 2 mức học phí: 3 năm đầu học tại Việt Nam, năm cuối học tại CityU hoặc một trong những cơ sở của CityU tại Úc, Canada, Thụy Sĩ và các nước khác với học phí 5.000 USD/năm; nếu sinh viên chọn 4 năm học tại Việt Nam thì học phí 2.500 USD/năm. Khoản học phí này chưa tính thêm 1.500 USD/năm cho chương trình tiếng Anh.

Theo thông báo này, sinh viên đăng ký tại Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu và tại Trung tâm Ngoại ngữ EBI của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính số 311-319 Gia Phú, quận 6, TPHCM. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ với Trường ĐH Kinh tế - Tài chính để tìm hiểu chương trình này thì đại diện nhà trường cho rằng hoàn toàn không biết. Còn Trung tâm Ngoại ngữ EBI thì trường đang xin giấy phép Sở GD-ĐT TPHCM để thành lập.

Tương tự Trường CĐ nghề Việt Mỹ (VATC) dù chưa có giấy phép nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh đào tạo chương trình liên kết với Trường ĐH Broward từ năm 2007 đến nay và hiện có hơn 600 sinh viên theo học. Tuy nhiên đến nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng vẫn chưa nhận được bằng. 

Không chỉ ở bậc ĐH, ngay cả bậc cao học nhiều trường cũng thi nhau liên kết đào tạo chui tại các địa phương. Trường ĐH Tài chính Marketing dù mới được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo thạc sĩ nhưng cũng nhanh chóng bắt tay với một số đối tác khác để thực hiện tuyển sinh. Trong khi đó, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng bắt tay liên kết đào tạo thạc sĩ chui với Học viện Hàng không tại TPHCM. Thậm chí có trường CĐ nghề tại phía Nam cũng liên kết để tuyển sinh, đào tạo cả hệ ĐH và cao học cho các trường ở phía Bắc.

Nhiều bất ổn

Trao đổi với chúng tôi về thông báo tuyển sinh các ngành ngoài luồng, Th.S Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng: “Thật sự tôi không nắm rõ việc liên kết này. Tôi chỉ biết hiện nay trường có ký hợp đồng đào tạo với Trường ĐH Sư phạm TPHCM hai ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non theo hình thức vừa học vừa làm với thời hạn 4 năm”. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại những thông tin mà chúng tôi cung cấp, ông Thành thừa nhận: “Đúng là trường có sai sót và sẽ chấn chỉnh ngay”.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng thừa nhận trường có sơ suất khi đồng ý cho Trường CĐ Bách Việt tuyển sinh đào tạo liên thông và cấp bằng chính quy, đồng thời cam kết sẽ rà soát và thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Theo Th.S Hoàng Đức Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ban giám hiệu hoàn toàn không biết đến chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành quản trị kinh doanh với Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, chúng tôi liên hệ trực tiếp vào số điện thoại di động trên thông báo của Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu thì vẫn được tư vấn: “Nếu em ở Vũng Tàu thì đến trường để đăng ký. Nếu ở TPHCM thì cứ đến Trường ĐH Kinh tế - Tài chính số 311-319 Gia Phú, quận 6 để tìm hiểu và ghi danh”. Trong khi đó, theo  thông tin từ Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), tính đến hiện nay trong tổng số 178 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt hoàn toàn không có chương trình đào tạo nào của City University of Seattle (CityU) liên kết với Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Bộ GD-ĐT, các trường không được tuyển sinh, đào tạo liên thông ngoài cơ sở đào tạo để cấp bằng CĐ, ĐH chính quy. Các trường chỉ liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông tại các trường trung cấp, CĐ, ĐH hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và chỉ cấp bằng vừa làm vừa học. Nếu trường nào không tuân thủ, bộ sẽ chuyển sinh viên sang các trường khác để đào tạo, trừ chỉ tiêu tuyển sinh 2012, đồng thời xử lý sai phạm theo quy định hiện hành.

THANH HÙNG

(sggp.org.vn)

Bài viết liên quan

681
  Tải tài liệu