“Rộng cửa” vào ngành y dược
Việc đào tạo nhân lực cho ngành y dược tại ĐBSCL đang có nhiều khởi sắc do chỉ tiêu tuyển sinh tăng và các trường ĐH ngoài công lập cũng được phép mở thêm các ngành này.
ĐBSCL có Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, 6 trường CĐ y tế và 7 trường trung cấp y tế. Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay tại ĐBSCL, một số trường ĐH ngoài công lập đã được phép mở thêm các ngành y dược trình độ ĐH.
Tăng chỉ tiêu
Năm nay, số lượng đăng ký dự thi vào 7 ngành của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là 10.760 hồ sơ, giảm 107 hồ sơ so với năm 2011. Trong khi các ngành có số hồ sơ giảm là răng hàm mặt (giảm 154), điều dưỡng (giảm 453), dược học (giảm 40)... thì ngành y đa khoa lại nhận được đến 3.655 hồ sơ; ngành y tế công cộng cũng tăng 124 hồ sơ so với năm trước.
Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Tây Đô (TP Cần Thơ) được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành dược hệ ĐH chính quy với chỉ tiêu xét tuyển dự kiến khoảng 150. Ngày 24-5, ông Lương Lễ Nhân, phó phòng đào tạo của trường, cho biết đến thời điểm này đã nhận được 180 hồ sơ. Theo bà Hồ Nhật Mai Trâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), trường đã nhận được 600 hồ sơ cho cả hai ngành y đa khoa và dược.
Để tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và y tế dự phòng, năm nay, hầu hết các trường đào tạo nhân lực khối ngành y dược tại ĐBSCL đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tuyển 1.100 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo ĐH, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2011. Trường CĐ Y tế Cần Thơ tăng 400 chỉ tiêu và mở thêm ngành dược, hộ sinh. Trường ĐH Trà Vinh tuyển 3.300 chỉ tiêu vào 23 ngành, trong đó mở thêm ngành xét nghiệm y học và điều dưỡng hệ ĐH.
Khẳng định chất lượng
Hiện nhiều trường ngoài công lập tại ĐBSCL như ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tây Đô cũng đang tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và xin phép Bộ GD-ĐT cho mở thêm nhiều ngành liên quan đến y dược.
Ông Nguyễn Phước Quý Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, nhấn mạnh: “Xét về mặt pháp lý, trường công lập hay tư thục đều được mở ngành đào tạo y dược. Chúng tôi cũng ý thức đây là ngành liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người nên trước khi mở ngành dược bậc ĐH, trường đã mời Trường ĐH Dược Hà Nội thẩm định chương trình giảng dạy và hợp tác với Công ty Dược phẩm Hậu Giang để liên kết đào tạo”.
Trong khi đó, Trường ĐH Võ Trường Toản cũng đã ký hợp đồng mua sắm trang thiết bị với nhiều cơ sở y tế ở ĐBSCL, phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên ngành dược. Hiện trường này đang xin phép Bộ GD-ĐT trong năm 2013 mở thêm ngành cử nhân điều dưỡng.
Bà Hồ Nhật Mai Trâm khẳng định: “Nhiều người cứ nghĩ trường tư thục đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho có vì đây là ngành nhạy cảm. Để mở ngành y đa khoa và dược trình độ ĐH, trường đã xây dựng đề án giảng dạy có sự thẩm định của nhiều giáo sư, tiến sĩ của Trường ĐH Y Dược TPHCM và ĐH Y Dược Huế. Sau đó, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang thẩm định cơ sở vật chất để sinh viên thực tập. Sau khi những nơi này xác nhận đủ điều kiện, trường mới trình Bộ GD-ĐT xin phép mở ngành đào tạo”.
Hiện Trường ĐH Võ Trường Toản đã trang bị 17 phòng thí nghiệm, thực hành riêng dành cho khối khoa học sức khỏe với đầy đủ dụng cụ thí nghiệm, trang thiết bị. Do vậy, bà Trâm khẳng định đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo sẽ bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tỉ lệ bác sĩ ở ĐBSCL thấp nhất nước Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tính đến năm 2010, tỉ lệ trạm y tế có bác sĩ phục vụ ở khu vực ĐBSCL là 71%, (đạt tỉ lệ 5,7 bác sĩ/10.000 dân). Đây là khu vực đang có tỉ lệ bác sĩ/10.000 dân thấp nhất nước. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy trong năm học 2009-2010, số sinh viên ngành y dược chiếm 5% trong tổng số sinh viên theo học ĐH hệ chính quy ở ĐBSCL. Từ năm 2011 trở về trước, ĐBSCL chỉ có Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo nhân sự ngành y cho cả vùng với quy mô khoảng 3.500 sinh viên ĐH hệ chính quy/năm, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ yêu cầu về đội ngũ y tế của vùng. |
CA LINH
(nld.com.vn)