Sẽ phân biệt bằng kỹ sư và cử nhân kỹ thuật
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật Giáo dục đại học sửa đổi có quy định mới về việc cấp bằng kỹ sư. Theo đó, các ngành đào tạo kỹ thuật không có đủ 150 tín chỉ sẽ không được cấp bằng kỹ sư.
Quy định mới này nếu được thực thi sẽ dẫn tới sự thay đổi hàng loạt về chương trình đào tạo của các trường có cấp bằng kỹ sư.
Văn bằng kỹ sư, bác sĩ do Thủ tướng Chính phủ quy định
Theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi (2018) có hiệu lực từ ngày 1.7 vừa qua, Chính phủ sẽ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục ĐH và quy định văn bằng, chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Tiếp sau luật này, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH cũng được công bố. Theo dự thảo này, văn bằng một số ngành đào tạo đặc thù thuộc hệ thống giáo dục ĐH (như kỹ sư, bác sĩ) sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Theo dự thảo này, các trình độ đào tạo chuyên sâu đặc thù là chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp THPT hoặc có bằng cử nhân. Như vậy theo luật mới này, bằng kỹ sư được xếp vào nhóm văn bằng chuyên sâu đặc thù cùng với bằng bác sĩ và kiến trúc sư. Chương trình đào tạo kỹ sư nhiều hơn cử nhân ít nhất 30 tín chỉ.
Cử nhân khác kỹ sư ra sao ? PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết chương trình của trường vừa cấp bằng cử nhân, vừa cấp bằng kỹ sư. Trong đó, các ngành cử nhân đào tạo thiên về nghiên cứu, còn chương trình kỹ sư đào tạo nhiều hơn về thực hành, phân tích thiết kế, bám sát nhu cầu doanh nghiệp nên bắt buộc có môn thực tập doanh nghiệp. |
Theo luật Giáo dục ĐH cũ (2012), không có sự phân biệt nào giữa bằng cử nhân kỹ thuật và bằng kỹ sư. Cứ đào tạo kỹ thuật là cấp bằng kỹ sư. Tuy nhiên, việc cấp bằng cho các ngành kỹ thuật không có sự thống nhất giữa các trường cùng đào tạo khối ngành này. Vì vậy mà cùng đào tạo một ngành nhưng trường này cấp bằng kỹ sư trong khi trường khác cấp bằng cử nhân.
Chẳng hạn, cùng ngành công nghệ thông tin nhưng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cấp bằng cử nhân, còn Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM... cấp bằng kỹ sư. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM tập trung đào tạo các ngành khác nhau thuộc khối ngành công nghệ thông tin nhưng có ngành được cấp bằng cử nhân (công nghệ thông tin, khoa học máy tính), trong khi các ngành còn lại cấp bằng kỹ sư.
Nhiều ngành không đủ điều kiện
Nếu quy định mới này được thực thi thì hàng loạt ngành đào tạo kỹ thuật đang cấp bằng kỹ sư hiện nay sẽ phải chuyển sang cấp bằng cử nhân kỹ thuật nếu không thay đổi chương trình đào tạo.
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tất cả các ngành của trường đang được đào tạo theo hướng sau nghề nghiệp và cấp bằng kỹ sư. Trong đó, khối ngành kinh tế kỹ thuật đào tạo trong 4 năm (trên 120 tín chỉ), khối kỹ thuật 4,5 - 5 năm (khoảng trên 140 - 160 tín chỉ). Như vậy, nếu quy định mới được thực thi thì với chương trình hiện tại, sẽ có nhiều ngành không đủ điều kiện để cấp bằng kỹ sư dù đào tạo khối ngành kỹ thuật. Theo đại diện trường này, nếu quy định mới thực thi, trường sẽ tính đến phương án điều chỉnh lại chương trình đào tạo.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đang có nhiều ngành cấp bằng kỹ sư với thời gian đào tạo 4 năm (gồm 135 tín chỉ, chưa gồm chương trình giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất). Nếu tính cả 2 chương trình trên thì tổng số tín chỉ nhiều ngành vẫn chưa đạt đủ 150 tín chỉ để cấp bằng kỹ sư theo quy định mới. PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết chương trình của trường vừa cấp bằng cử nhân, vừa cấp bằng kỹ sư. Đợi khi có nghị định chính thức, trường sẽ tiến hành họp hội đồng tính phương án điều chỉnh lại chương trình đào tạo.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết quy định mới này sẽ không tác động đến việc cấp bằng của trường. Hiện tất cả ngành của trường đều cấp bằng cử nhân với chương trình đào tạo khoảng 130 tín chỉ. Trong đó, dù đào tạo công nghệ thông tin nhưng theo đặc thù khoa học cơ bản định hướng nghiên cứu.
Thời gian đào tạo kỹ sư sẽ dài hơn
Trong khi đó, dù chưa có nghị định hướng dẫn chính thức nhưng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã có sự chuẩn bị cho thay đổi này.
Ngay từ năm học 2019, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã gấp rút thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo cho sinh viên khóa mới. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết từ năm 2014 đến nay có 32 ngành của trường đều cấp bằng kỹ sư (trừ ngành quản lý công nghiệp cấp bằng cử nhân và kiến trúc cấp bằng kiến trúc sư).
Tuy nhiên theo quy định mới, ông Thắng cho hay trường đã sửa lại toàn bộ chương trình đào tạo các ngành. Trong đó, ngành quản lý công nghiệp giảm từ 142 tín chỉ xuống còn 128 tín chỉ. Các ngành còn lại tăng từ 142 lên 158 tín chỉ, thời gian đào tạo cũng tăng từ 4,5 lên 5 năm. Trong đó, số tín chỉ tăng trong chương trình đào tạo kỹ sư tập trung vào các học phần chuyên ngành, thực tập.
“Tuy nhiên, cùng một ngành đào tạo, trường sẽ thiết kế các chương trình khác nhau để sinh viên lựa chọn. Chẳng hạn, chương trình 158 tín chỉ cấp bằng kỹ sư, 128 tín chỉ nhận bằng cử nhân kỹ thuật và nếu học hết 180 tín chỉ chương trình tích hợp ĐH và sau ĐH, có thể nhận bằng thạc sĩ”, ông Thắng lưu ý.
Như vậy theo ông Thắng, khi ra trường, một kỹ sư sẽ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao hơn một cử nhân kỹ thuật.
Hà Ánh
thanhnien.vn – 22/10/2019