Những ngành nghề 'nóng' trong tương lai
Sản xuất, công nghệ thông tin dẫn đầu
Cơ hội cho lao động tay nghề cao
Theo các chuyên gia, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, sự đầu tư của nước ngoài vào VN mạnh mẽ hơn sẽ kéo theo nhiều thay đổi về thị trường lao động.
Sản xuất, công nghệ thông tin dẫn đầu
Theo khảo sát của tổ chức tuyển dụng nhân sự NavigosSearch, các doanh nghiệp nước ngoài về sản xuất tại VN đang dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành tổ chức này, cho biết: “Chúng tôi cho rằng sản xuất vẫn tiếp tục là một trong những xu hướng tuyển dụng nóng nhất khi những dự án lớn khác trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ được triển khai”.
Một cán bộ của Tập đoàn dệt may VN cũng nhận định sẽ có rất nhiều doanh nghiệp khu vực đầu tư vào VN trong lĩnh vực sản xuất, trong đó có dệt may, thời trang. “Điều đó sẽ kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự của hàng loạt ngành nghề như công nghệ may, thiết kế thời trang, điện - điện tử, kế toán…”. Được biết, nhiều doanh nghiệp dệt may của tập đoàn hiện có đến 30.000 lao động các trình độ và nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng. Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, riêng khu vực TP.HCM mỗi năm cần khoảng 27.000 lao động trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu xu hướng. Bà Vân Anh lý giải: “Đây là ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất trong quý 3 năm nay và sẽ tiếp tục phát triển trong năm tiếp theo, nhất là khi VN đang trên đà trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị điện tử của thế giới”.
Ngoài ra, các lĩnh vực bán lẻ, chế biến thực phẩm, thức ăn nhanh, dược, chăm sóc sức khỏe… cũng được nhận định là có xu hướng tuyển dụng cao hơn khi AEC được thành lập.
Cơ hội cho lao động tay nghề cao
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Tổ chức lao động quốc tế ILO đã công bố kết quả nghiên cứu gần đây về sự thay đổi thị trường lao động ASEAN sau sự ra đời của AEC vào cuối năm 2015. Theo đó, AEC sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, trong đó VN chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực”.
Do đó, VN sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực bởi nền kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Ông Trần Anh Tuấn nhận định thêm sự hội nhập AEC sẽ mang lại lợi ích quan trọng về việc làm trong các ngành xây dựng, thương mại, chế biến lương thực và vận tải.
Vào cuối năm 2015, sự ra đời của AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên được di chuyển tự do hơn trong khu vực. Theo đó, lao động thuộc 8 ngành nghề kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch nếu đạt tiêu chuẩn của Hiệp định công nhận kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, sẽ có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào trong khối.
Trước thực tế này, bà Vân Anh nhìn nhận: “Các trường ĐH phải nắm được xu thế phát triển của nền kinh tế cũng như nhu cầu của doanh nghiệp để có thể có những chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao, sát với yêu cầu của thị trường trong giai đoạn mới. Chúng ta vẫn đều đặn đào tạo hàng chục nghìn cử nhân ĐH mỗi năm nhưng rất nhiều trong số đó không tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường dẫn đến sự lãng phí rất lớn”.
Mỹ Quyên
Nguồn: thanhnien.com.vn