Lập lờ chương trình thạc sĩ khuyến mãi

Lập lờ chương trình thạc sĩ khuyến mãi

1312
  Tải tài liệu

Không chỉ hàng hóa mới có hình thức giảm giá bằng cách tung voucher (phiếu mua hàng) mà các khóa học “cao cấp” cũng bắt đầu trở thành món hàng rẻ đầy nghi vấn.

MBA hay Mini MBA?

Thời gian qua, trên các trang mạng bùng nổ quảng cáo khuyến mãi các chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh thu nhỏ (Mini MBA). Trang chondeal.com vừa tung ra 199 voucher (phiếu giảm giá) với giá 390.000 đồng/voucher. Người mua sẽ sở hữu một khóa học Mini MBA của Học viện lãnh đạo Oxford trị giá tới 18,5 triệu đồng, nghĩa là người mua được giảm tới 95%. Thế nhưng đến khi đi học, mỗi học viên phải bù thêm 6,5 triệu đồng.

Trang hotdeal.vn cũng rộn ràng khuyến mãi khóa học Mini MBA do Viện Quản trị và tài chính (IFA) tổ chức. Người học chỉ cần bỏ ra 400.000 đồng mua voucher cho một khóa học trị giá 12 triệu đồng! Viện này cũng hợp tác với nhóm Cùng mua khuyến mãi khóa đào tạo giám đốc tài chính - CFO trị giá 10 triệu đồng với voucher chỉ 400.000 đồng, giảm 96%, chương trình 4 kỹ năng mềm từ 1,8 triệu đồng chỉ còn 399.000 đồng.

Phía dưới mỗi trang khuyến mãi là những dòng quảng cáo rất hấp dẫn. Chẳng hạn Học viện Lãnh đạo Oxford khẳng định: “Học viên được cấp một tài khoản tham gia chương trình đào tạo quản trị kinh doanh quốc tế miễn phí trong 12 tháng trên hệ thống đào tạo trực tuyến của học viện”, “Học viện cũng sẽ hỗ trợ 500 USD/học viên đối với những học viên có nhu cầu tham dự khóa đào tạo MBA - thạc sĩ quản trị kinh doanh do ĐH Khoa học và Công nghệ Neuva Ecija, Philippines cấp bằng”… Trong khi đó, IFA cũng thu hút người mua bằng lời hứa: “Sau khi nhận được chứng chỉ của Oxford, học viên có cơ hội nhận được bằng thạc sĩ danh dự (Master of Oxcel) Anh quốc có giá trị quốc tế”.

Chương trình MBA của Trường Royal Business liên kết với ĐH Đà Nẵng và ĐH St.John (Mỹ) đang trong giai đoạn xin giấy phép nhưng vẫn tung ra khóa học Mini MBA để quảng bá: “Khi có chứng chỉ này thì được liên thông lên MBA, dự kiến tháng 7 khai giảng khóa đầu tiên. Học viên sẽ được trừ tiền học phí đúng bằng số tiền đã đóng ở chương trình Mini MBA, và được miễn các modul đã học trước đó”.

Đáng lưu ý là những người thiết kế các chương trình khuyến mãi này cố tình lập lờ giữa Mini MBA, MBA và các khóa học tiền MBA khi không công khai phân biệt sự khác nhau giữa các chương trình này. Vì thế, nhiều người đã ngộ nhận chúng là một.

Có thật sự giảm giá?

Ông Trần Duy Thanh - Giám đốc chương trình Maastricht MBA do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM liên kết với Trường quản lý Maastricht (Hà Lan) - cho biết: “Hiện nay cũng có nhiều nơi thiết kế chương trình Mini MBA cho các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp với nội dung được chọn lựa từ chủ đề cốt lõi nhất của chương trình MBA”. Ông Thanh cho rằng ở Việt Nam cũng nhiều đơn vị chính thức tuyển sinh và đào tạo chương trình Mini MBA có chất lượng. Tuy nhiên ông khẳng định: “Thu hút người học theo dạng bán voucher với lời tiếp thị giảm giá trên mạng thì tôi chưa nghe bao giờ”.

Khi người viết tìm hiểu về chất lượng của chương trình, một nhân viên của Viện Quản trị và tài chính (IFA) lý giải: “Viện đang muốn quảng bá chương trình MBA nên muốn tạo cơ hội cho những ai học Mini MBA (bằng tiếng Việt) sẽ có thể học tiếp chương trình MBA (hoàn toàn bằng tiếng Anh) với nhiều ưu đãi”. Nhân viên này cho biết thêm, nếu ai học qua khóa Mini MBA thì khi học tiếp MBA sẽ chỉ phải đóng 3.500 USD thay vì giá gốc là 5.500 USD. Người này giải thích: “Nếu như có được chứng chỉ Mini MBA và đủ trình độ tiếng Anh thì có thể học ngay lên MBA (trực tuyến) do Trường ĐH Sabi (Phần Lan) cấp bằng mà không phải thi, đồng thời không cần các điều kiện như 5 năm kinh nghiệm làm việc…”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Thanh - Giám đốc điều hành của IFA - lại có cách giải thích khác: “Do trong giai đoạn này kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không có điều kiện cho nhân viên đi học. Thay vì bỏ tiền ra đăng quảng cáo để marketing thì chúng tôi dùng tiền đó hợp tác với nhóm Cùng mua để hỗ trợ học viên đăng ký học những lớp giá rẻ. Đây chỉ là một chính sách thôi, chất lượng vẫn như thế”. Tương tự, một nhân viên của Trường Royal Business khẳng định: “Chất lượng không thay đổi. Nếu như trước đây mỗi lớp 35-40 người thì giờ số lượng sẽ đông hơn, từ 50-55 người”!

Trong khi đó, một số học viên phản ánh: “Chúng tôi đã tham dự một khóa tại Trường Royal Business và thấy rằng nó không như những gì được quảng cáo. Chương trình được gọi là MBA thu nhỏ nhưng thực chất chỉ là các bài giảng về kỹ năng mềm”. Nhiều học viên cho rằng, chỉ học vài môn học mà với chi phí đó thì cũng không phải là rẻ như lời quảng cáo, và đưa ra lời khuyên nên học luôn chương trình MBA để có được kiến thức một cách hệ thống và đầy đủ.

Chính vì vậy, ông Trần Duy Thanh lưu ý học viên cần tìm hiểu kỹ các chương trình trước khi học, bởi một chương trình MBA chất lượng cần những yêu cầu về ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc và thi tuyển đầu vào nghiêm túc, chứ không phải cứ có chứng chỉ Mini MBA là nghiễm nhiên được học tiếp MBA. Ngoài ra, một số chuyên gia còn cảnh báo người học nên quan tâm đến việc công nhận các chứng chỉ Mini MBA. Chứng chỉ này chỉ được trường ĐH có liên kết với đơn vị đó chấp nhận hay có giá trị ở tất cả các trường ĐH khác? Nếu như chứng chỉ đó giúp học viên học lên bất cứ chương trình MBA nào thì mới thực sự có giá trị.

Nhiều sai phạm

Thời gian qua có rất nhiều đơn vị sai phạm trong việc tổ chức chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ.

Tháng 9.2011, Báo Thanh Niên có thông tin việc tuyển sinh thạc sĩ bát nháo tại tỉnh Đồng Nai. Có 2 công ty đứng ra tuyển sinh mặc dù không được cấp phép liên kết đào tạo. Trong số các đơn vị mà 2 công ty liên kết có Viện Quản trị và tài chính (IFA). Việc liên kết đào tạo thạc sĩ giữa IFA và ĐH Ballarat (Úc) tại TP.HCM cũng được cơ quan chức năng xác định không có phép. Tháng 2.2012, đơn vị này còn liên kết tuyển sinh thạc sĩ “chui” tại Đà Nẵng và bị phạt.

Hàng loạt đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài hoặc cơ sở nước ngoài đặt tại Việt Nam vừa qua cũng có những sai phạm nghiêm trọng trong việc đào tạo thạc sĩ. Những nơi này đã bị Bộ GD-ĐT xử phạt: Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (IABM) liên kết không phép với ĐH Adam và ĐH Quốc tế Mỹ (IAU), Học viện ERC (Singapore) chỉ được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn nhưng tuyển sinh và đào tạo cả bậc ĐH và thạc sĩ. Mới đây nhất, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Công ty TNHH đào tạo FTMS, Công ty TNHH Melior Việt Nam, Công ty TNHH đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore chấm dứt đào tạo các bậc học trái phép, trong đó có bậc cao học tại Việt Nam.

Đăng Nguyên

Mỹ Quyên

(thanhnien.com.vn)

Bài viết liên quan

1312
  Tải tài liệu