Đóng học phí trễ, bị phạt gấp đôi?
Hiện nay, tại một số trường đại học ở TP. HCM, nếu sinh viên không kịp đóng học phí cho các môn đã đăng ký, sẽ bị nhà trường đưa vào “danh sách đen”. Khi sinh viên đăng ký lại môn học đó, học phí phải đóng sẽ gấp đôi. Điều đáng nói, quy định này là do các trường tự đặt ra, không hề có trong Quy chế của Bộ.
Bắt đầu từ năm 2010, những sinh viên đã đăng ký môn học nhưng không thể theo học đều bị trường ĐH Công nghiệp TP. HCM liệt vào danh sách nợ học phần. Khi sinh viên đăng ký lại môn học đó thì phải đóng luôn tiền học phí cho môn học này đã đăng ký ở lần trước.
Tiếp xúc với Sinh Viên Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Loan (năm thứ ba, khoa Kế toán, trường ĐH Công nghiệp) cho biết: “Việc phạt học phí mà trường quy định là học phần N* (nợ) là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên. Mỗi học kỳ, có hàng trăm sinh viên bị phạt, phải đóng gấp đôi tiền học phí cho một môn học, chỉ vì lần trước đăng ký mà không đi học được”. Tại trường này, mỗi tín chỉ môn lý thuyết ở hệ đại học sinh viên phải đóng 190.000 đồng, thực hành là 285.000 đồng. Còn ở hệ cao đẳng, môn lý thuyết được trường định giá là 155.000 đồng/tín chỉ, thực hành là 232.500 đồng/tín chỉ. Mỗi môn học thường có từ 2 – 4 tín chỉ. Nếu bạn nào không thể sắp xếp thời gian đi học được môn học đã đăng ký, khi đi học lại phải đóng từ 500.000 – 1 triệu đồng/môn học là chuyện bình thường”.
Học kỳ II, năm học 2013 – 2014, Thu Loan đăng ký 7 môn nhưng không thể đi học được các môn: Kế toán thuế, Tài chính doanh nghiệp. Do đó, 2 môn trên Loan sẽ bị điểm F (không đạt) và bị liệt vào danh sách nợ học phí. Sau này, Loan muốn học 2 môn này phải đóng tiền gấp đôi. Loan cho biết: “Hai môn trên có 6 tín chỉ. Như vậy, tổng số tiền mình phải đóng là 2.280.000 đồng. Một số tiền không nhỏ với sinh viên như mình”.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cũng áp dụng việc phạt gấp đôi số tiền đối với sinh viên đã đăng ký môn học nhưng không đi học. Trần Văn Minh (năm thứ hai, ngành Quản trị Kinh doanh) cho biết: “Sau khi đăng ký môn học, trường dành cho sinh viên một tuần để điều chỉnh. Sau thời gian điều chỉnh, nếu mình không rút bớt các môn đã đăng ký thì sẽ đi đóng học phí. Tuy nhiên, trong quá trình học, một số bạn thấy mình không đủ sức theo học hoặc bận việc gì đó nên bỏ một số môn. Nhà trường vẫn mặc định các bạn có đi học và phạt tiền học phí với sinh viên ở các học kỳ sau”. Minh cho biết thêm, ở học kỳ I, năm học 2013 – 2014, có tới 3 môn Minh đã đăng ký nhưng không theo học được. Do đó, sang năm Minh phải đóng tiền gấp đôi mới được học lại.
Tại trường ĐH Tài chính Marketing, nhiều sinh viên đang theo học chương trình chất lượng cao và chương trình đặc biệt, cho biết: Mức học phí các bạn phải đóng rất cao. Do đó, trường đưa ra mức phạt học phí đối với những môn sinh viên đã đăng ký mà không theo học là bất hợp lý. Một sinh viên khóa 12D, chương trình chất lượng cao cho biết: “Một tín chỉ mình phải đóng là 748.000 đồng. Nếu bị phạt, mình phải đóng tới 1.496 triệu đồng cho một tín chỉ. Như vậy, một môn học phải đóng tới 3 – 5 triệu đồng”. Tương tự, sinh viên khóa 13D, chương trình chất lượng cao cũng phải đóng tới 680.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên khóa 13D, chương trình đặc biệt đóng 512.000 đồng/tín chỉ.
KHÔNG CÓ TRONG QUY CHẾ Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT cho biết, việc phạt tiền với những sinh viên đã đăng ký môn học mà không đi học không có trong Quy chế 43 về “Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”. Để tránh tình trạng đăng ký rồi không học gây khó khăn cho nhà trường, còn bản thân thì bị phạt, sinh viên nên cân đối sức học, tham khảo ý kiến của cố vấn học tập để chọn được một thời khóa biểu hợp lý. |
Quế Sơn
Nguồn: svvn.vn