Cuộc sống lớn hơn mọi kỳ thi
Cuộc sống lớn hơn mọi kỳ thi
Nếu bạn thi hỏng đại học, đó chắc chắn không phải là một tin vui nhưng cũng chắc chắn không phải là chuyện tận cùng của cuộc sống.
Cứ nghĩ mà xem, hằng năm có đến hơn 1 triệu thí sinh lều chõng đi thi, nhưng các trường đại học lại chỉ tiếp nhận được trên 200.000. Thế thì phần lớn thí sinh vẫn là những người hỏng thi như bạn đấy thôi. Mà thế nào là hỏng thi, nếu như người ta vẫn phải tìm cách để gạt cho bằng được khoảng trên dưới 60% thí sinh ra ngoài?
Học tài, thi phận. Giỏi như Tú Xương mà thi đến mười lần vẫn trượt. Thế nhưng, bạn có biết được tên tuổi của bất kỳ ai đã thi giỏi hơn Tú Xương và đậu trong mười lần thi đó không? Sự thật là bạn chẳng nhớ được ai cả. Sự thật là những người thi đậu đã bị lãng quên từ lâu. Còn tên tuổi của Tú Xương vẫn sống mãi.
Cuộc sống và danh tiếng của con người thường lớn hơn các kỳ thi. Vấn đề là bạn phải làm những thứ mà bạn thật sự có năng khiếu và ham muốn. Thế nhưng, những thứ dạy trong các trường đại học có thật sự là những thứ mà bạn có năng khiếu và ham muốn hay không? Rất tiếc, trong phần lớn trường hợp, chắc chắn bạn không trả lời chính xác được. Mà như vậy thì tại sao lại phải đau khổ một cách quá đáng làm gì?
Cho dù năng khiếu và ham muốn chỉ là điều kiện cần, tri thức và kỹ năng mới là điều kiện đủ, thì hai thứ nói sau vẫn tồn tại không chỉ trong các bức tường của các trường đại học. Thật ra chúng tồn tại ở ngoài những bức tường đó nhiều hơn, đặc biệt là trong điều kiện các trường đại học của ta đổi mới chậm chạp như hiện nay.
Vì vậy, đừng coi vào đại học như một cơ hội duy nhất của cuộc sống. Cuộc sống rộng lớn hơn những cánh cửa của các trường đại học rất nhiều. Và từ thực tế cuộc sống bạn cũng thấy đấy, rất nhiều người đã thành đạt ở mức ít ai theo kịp, thế nhưng họ đâu nhất thiết cứ phải thi đậu đại học và học đại học ngay từ đầu.
Nếu mỗi năm đất nước ta có đến hơn nửa triệu học sinh hỏng thi đại học thì sẽ có đến hàng triệu người phải gánh chịu sự thất vọng và đau khổ. (Nếu có hơn nửa triệu thí sinh hỏng thi, thì sẽ có hơn 1 triệu phụ huynh có con hỏng thi. Đó là chưa kể hàng triệu người liên quan khác như ông bà, anh em...).
Có một sự kiện gì khác có thể đưa lại sự thất vọng xã hội to lớn hơn như thế không? Thế thì tại sao chúng ta lại không có thể tổ chức thi cử nhẹ nhàng và rải ra vào nhiều thời điểm khác nhau như ở nhiều nước trên thế giới?
TS Nguyễn Sĩ Dũng