Trường trung cấp khó tuyển sinh do đâu?
Trường trung cấp khó tuyển sinh do đâu?
Gần đây các trường TCCN khó tuyển một phần cũng do chất lượng một số trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn tuyển trung bình là 1,2 triệu thí sinh/mỗi năm, các trường ĐH-CĐ chỉ tiêu chỉ hơn 600.000, số còn lại khá lớn vì sao họ không chịu vào trường TCCN hay trường nghề.
Đó là chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT tại hội thảo về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trường TCCN do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Trường trung cấp Đại Việt tổ chức vào chiều qua 28/3.
Trao đổi với các phóng viên, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, bỏ qua yếu tố tâm lý sính bằng cấp thì phải nhìn nhận chất lượng của một số trường vẫn chưa đảm bảo, đầu tư chưa cao nên không thu hút được người học. Đội ngũ giáo viên còn non kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp trong khi bậc trung cấp là đào tạo tay nghề chứ không phải chỉ là lý thuyết.
Chính bản thân các trường phải tự nâng chất lượng vì đã có những trường đã thành công. Dẫn chứng cho điều đó, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu lên thực tế, một số trường TC vẫn tuyển sinh rất ổn, như Trường TC Du lịch và khách sạn Saigontourist tuyển 400 học sinh. Thậm chí trong số đó có đến gần một nửa các em đã học đại học nhưng phải quay lại học trung cấp về các kỹ năng quản lý nghề nghiệp để có thể làm việc. Nếu nói nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ khó tuyển sinh thì vì sao Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức vẫn tuyển vượt đến vài trăm em… Quan trọng là các trường phải tự nâng chất lượng để cạnh tranh thu hút người học.
Cũng tại hội thảo, TS Phạm Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), Bộ GD-ĐT cho hay, trong tổng số 294 trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên cả nước thì chỉ mới có 99 trường hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng, chiếm tỉ lệ 33,67%.
Tỉ lệ tự đánh giá chất lượng của TCCN so với các cấp học trong hệ thống giáo dục nước ta xếp vị trị thấp nhất. Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ có tỉ lệ tự kiểm định chất lượng chiếm tỉ lệ cao nhất. Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho rằng việc đánh giá kiểm định của các trường trung cấp trên địa bàn hiện nay dường như cũng bị “lãng quên”.
Theo bà Đặng Thị Thùy Linh - Phó trưởng phòng KT&KĐCLGD Sở GD-ĐT TPHCM, trên 39 trường TCCN do Sở trực tiếp quản lý thì 60% tiến hành tự đánh chất lượng. Tuy nhiên phần nhiều các bảng báo cáo tự đánh giá chất lượng vẫn mang tính hình thức, “làm cho có” hoặc thiên về thành tích, thi đua. Bà Linh cho rằng các trường nên xem việc đảm bảo chất lượng là quyết định đến sự sống còn của mình, nhất là với các trường ngoài công lập.
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo ý kiến rằng công tác đảm bảo và KĐCLGD là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới hiện nay. Riêng đối với các trường TCCN thì việc đẩy mạnh chất lượng cũng chính là giải pháp để vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay. TS Nguyễn Kim Dung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng hiện nay có nhiều thông tin cho rằng nguyên nhân dẫn đến các trường TCCN đóng cửa do không chiêu sinh được vì việc mở rộng các trường ĐH-CĐ; không được liên thông, quan điểm xã hội… mà lại không nhắc đến nguyên nhân chất lượng đào tạo của các trường.
“Đã đến lúc, các trường phải đánh giá lại một cách nghiêm túc mục tiêu đào tạo, xác định chuẩn đầu vào - đầu ra để có quy trình đào tạo phù hợp và gắn kết với thị trường lao động”, TS Kim Dung đề xuất.
Lê Phương
Nguồn: dantri.com.vn