Giữ nguyên điểm của thí sinh

Giữ nguyên điểm của thí sinh

632
  Tải tài liệu

Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển với báo chí sau cuộc họp tối 23-6 bàn về cách xử lý đối với vụ 11 tỉnh ở ĐBSCL tự thỏa thuận hướng dẫn chấm thi

* Phóng viên: Bộ GD-ĐT kết luận như thế nào về biên bản thỏa thuận chấm thi môn văn của 11 tỉnh, thưa thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ vẫn khẳng định hướng dẫn chấm thi của bộ chỉ có một. Quy chế đã quy định, khi thảo luận hướng dẫn chấm, có gì băn khoăn thắc mắc thì hỏi lại bộ chứ không được sáng chế. Chính vì thế mới có hướng dẫn chấm thi môn văn. Thảo luận là cần thiết nên bộ mới đồng ý để các sở ngồi lại với nhau để thảo luận nhưng các sở đã làm quá lên, ra một hướng dẫn giảm nhẹ hơn so với yêu cầu. Rồi hướng dẫn của địa phương được đưa đến các hội đồng chấm thi để vận dụng là sai, vi phạm quy chế thi. Sắp tới, bộ sẽ phối hợp các UBND tỉnh, ban chỉ đạo thi của các tỉnh để xem xét xử lý việc này. Chúng tôi muốn gửi  thông điệp đến các thí sinh: Các em không sai nên bộ chấp nhận kết quả thi mà các tỉnh đã công nhận tạm thời.

* Vậy theo ông, quy trình xử lý sau này có đặt vấn đề chấm lại hay chấm thẩm định không?

- Chúng tôi không đặt vấn đề chấm lại vì đối chiếu hai bản hướng dẫn chấm đã thấy sai. Sai phạm là đã rõ, không cần phải chấm lại mới biết.

* Sai phạm này khiến điểm thi của thí sinh được tăng nhưng bộ sẽ không điều chỉnh?

- Điểm thi có thể sai nhưng các em không phải là người gây ra sai phạm. Ai làm sai người đó chịu, các thí sinh  không sai. Hai là trong thực tế các em còn phải bảo đảm yên tâm thi ĐH.

* Bộ chỉ xem xét biên bản thỏa thuận của môn văn hay của cả những môn khác thưa ông?

- Chúng tôi xem xét cả 4 môn và nhận thấy mức độ chênh lệch của từng môn với hướng dẫn chấm của bộ có khác nhau.

* Ông có cho rằng nếu bộ giữ nguyên kết quả của thí sinh cũng chính là một cách để có một tỉ lệ tốt nghiệp đẹp hay không?

- Không có điều này. Thực ra thì nếu có giảm cũng không đáng bao nhiêu, vấn đề là cần bảo vệ quyền lợi của học sinh. Học sinh không sai trong chuyện này. Về mặt thi cử, chúng ta không nên tạo cho các em những xáo trộn trước kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

* Đối với báo cáo mà các sở đã gửi theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, bộ đã xem xét hay chưa?

- Chúng tôi đã xem các báo cáo và sơ bộ thấy rằng có biểu hiện hạ thấp yêu cầu. Đây cũng chính là cơ sở để xử lý.

* Vậy mức độ xử lý sẽ như thế nào?

- Việc này chưa nên đặt ra bây giờ vì cần làm đúng quy trình, trong vụ việc này, sai phạm có nhiều mức độ khác nhau. Việc xử lý sẽ phải theo đúng quy trình có kiểm điểm, có thảo luận, đề xuất mức kỷ luật. Tuy nhiên, trong quản lý phân cấp của ngành, địa phương, Bộ GD-ĐT chỉ có thể xử lý sai phạm chuyên môn, bộ, không can thiệp được về mặt nhân sự của địa phương. Quyền xử lý cán bộ, giáo viên là do địa phương quản lý.

* Trong trường hợp địa phương “giơ cao đánh khẽ” hoặc lờ đi thì bộ chấp nhận không?

- Không nên nói chuyện đó ra, như vậy là không tin địa phương. Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ phối hợp với các địa phương để xác minh rõ tính chất, mức độ sai phạm.

* Trong các biên bản thảo thuận đều có chữ ký của thanh tra ủy quyền của bộ. Vậy bộ sẽ xử lý như thế nào?

- Thanh tra ký vào đây là sai. Nhưng cũng phải nói thêm ở đây thanh tra ủy quyền của bộ nhưng vẫn là người do các địa phương quản lý.

* Kết quả kỳ thi năm nay có biểu hiện tăng vọt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở một số địa phương, bộ có tiến hành hậu kiểm với những kết quả này hay không?

- Chắc chắn là vẫn phải tiến hành hậu kiểm với những trường hợp cá biệt hay bất thường. Ví dụ,  có những nơi mà tỉ lệ tốt nghiệp ở hệ bổ túc THPT lại cao hơn THPT thì rõ ràng là vô lý và có biểu hiện bất thường. Bộ sẽ chấm thẩm định ở những nơi như vậy.

* Quan điểm của ông thế nào về đề xuất đưa kỳ thi tốt nghiệp trở lại sự tổ chức của địa phương thay vì tổ chức ở cấp quốc gia và tỉ lệ đỗ nhiều năm nay đã ổn định ở mức cao?

- Nhiều người phát biểu ở góc độ riêng của họ, tuy nhiên theo tôi, hiện nay chắc chắn vẫn cần kỳ thi mang tính quốc gia, nhưng tổ chức theo hình thức nào thì cần phải tính. Việc phân quyền được thực hiện ở nhiều ngành nhưng cần phải căn cứ vào năng lực của địa phương cũng như khả năng quản lý, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Yến Anh ghi

24/06/2011 – nld.com.vn

Bài viết liên quan

632
  Tải tài liệu