Trường tư hết thời ăn xổi... - Kỳ cuối: Mạnh ai nấy làm

Sự phát triển ồ ạt đã làm lộ ra nhiều cái yếu và thiếu của công tác quy hoạch và quản lý các trường tư.

760
  Tải tài liệu

Hệ thống trường tư thục hiện đang thể hiện sự phân tầng khá rõ về quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và uy tín đối với xã hội.

Phân tốp

Ở bậc phổ thông, chỉ riêng tại TP.HCM, tính theo số học sinh, hiện nay các trường như Nguyễn Khuyến, Thanh Bình, Trương Vĩnh Ký, Trí Đức, Hồng Đức, Ngô Thời Nhiệm... luôn ổn định trong tốp những trường tư có số lượng học sinh đông nhất, từ 1.000-6.000 học sinh. Trong đó có nhiều trường rất kén chọn người học. Điểm chung của các trường này đều là những trường có thâm niên, uy tín, ổn định nền nếp, không phải vất vả tìm kiếm học sinh. Nhóm trường này luôn tự tin với nguồn tuyển từ chính “tên tuổi” của trường, học sinh cũ ra trường giới thiệu học sinh mới đến.

Một số trường quy mô nhỏ hơn (500-1.000 học sinh) nhưng hoạt động khá ổn định với số lượng học sinh không biến động nhiều nhờ có sự đầu tư tốt. Trong số những trường mới thành lập trong 3-5 năm trở lại đây, rất nhiều trường có số học sinh khoảng 100-200. Cá biệt có trường chỉ có 33 học sinh. Đầu năm học mới này, hàng chục trường cho biết chỉ tuyển sinh lèo tèo và tổng số học sinh giảm nhiều so với năm trước.

Xét về số lượng, hệ thống trường tư bậc THPT nhiều xấp xỉ số trường công trên địa bàn TP.HCM. Nhưng hệ thống trường này còn thiếu quá nhiều điều để có thể phát triển bền vững. Ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức, tâm tư: “Để phát triển một trường tư khó hơn trường công. Trong đó việc tổ chức nội trú, kinh nghiệm quản lý là điều rất cần thiết nhưng các trường tư mạnh ai nấy làm, không ai chia sẻ với ai...”.

Đó là chưa kể ở nhiều trường tư còn thiếu cả quan điểm giáo dục đúng nghĩa. Một cán bộ quản lý một trường tư ở TP.HCM nói: “Có một thời kỳ phụ huynh ào ạt đưa con về thành phố với mơ ước được học trường thị thành, con mình sẽ đậu ĐH. Nhiều nhà đầu tư ảo tưởng cứ có tiền có đất sẽ có học sinh và có lợi nhuận. Không phải nhà đầu tư nào cũng nhắm đến mục đích giáo dục con người, bao giờ họ cũng hướng đến lợi nhuận”.

Gánh nặng xã hội

Dĩ nhiên, trường “ba không” sẽ không thể mãi tồn tại. TS Nguyễn Kim Dung - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng những trường tư, không có được hướng giải quyết khó khăn dẫn đến ngưng hoạt động là điều hết sức bình thường. Vì thực tế đã cho thấy những lứa sinh viên của một trường không đáp ứng được công việc sau khi tốt nghiệp thì chuyện người học quay lưng với trường đó là điều tất yếu. Điều này cho thấy “người tiêu dùng” - người học đã có sự lựa chọn thông minh hơn khi chọn trường để gửi gắm tương lai, phát triển bản thân. “Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng. Nếu các trường kém chất lượng mà vẫn cứ được người học lựa chọn, vẫn sống tốt mới đáng lo ngại hơn” - TS Dung khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - đánh giá không ít trường tư ngay từ buổi đầu tuyển sinh cả ngàn chỉ tiêu nhưng không đủ trường lớp phải thuê mướn phòng học, giảng viên ở các trường công tổ chức giảng dạy cho sinh viên. Thậm chí có một số trường tư ở TP.HCM để “giảm thiểu chi phí, tối đa lợi nhuận” đã tự liên hệ với giảng viên ở trường công mướn phòng thực hành nhưng không ký hợp đồng với nhà trường tổ chức dạy chui vào buổi tối hoặc những cuối tuần.

“Với hiện trạng ở các trường tư như vậy thì làm sao đào tạo có chất lượng được. Rõ ràng người học đã bị lừa nhưng chắc chắn họ chỉ lừa được một lần. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, sinh viên cũng giống như sản phẩm hàng hóa của các công ty, nếu hàng kém chất lượng sẽ không có người mua, trường không có người học phải đóng cửa” - ông Dũng nói.

PGS.TS Trần Cảnh Vinh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đúc kết việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi ở thì”. “Đã qua rồi thời những người toan tính kinh doanh giáo dục chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng vẫn dễ dàng sống khỏe. Môi trường cạnh tranh trong giáo dục bây giờ và thời gian tới sẽ rất khắc nghiệt. Nếu mở trường mà chất lượng kém chắc chắn sẽ không thu hút được người học và không tồn tại được” - ông Vinh khẳng định.

Trước thực tế này, giáo sư Phạm Phụ còn lo ngại việc các trường học ngưng hoạt động sẽ gây hệ quả lớn, không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn của xã hội. Việc này làm mất thời gian, tiền bạc của người học và xã hội. Vì thế “khuyến khích phát triển trường tư cần phải kiểm soát chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây là thời điểm tốt để rà soát lại các trường, nhưng về lâu dài phải có hành lang pháp lý rõ ràng và Nhà nước cần có chính sách tốt đối với trường ngoài công lập” - giáo sư Phụ khuyến cáo.

PHÚC ĐIỀN - LƯU TRANG - TRẦN HUỲNH

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết liên quan

760
  Tải tài liệu