Đào tạo giáo viên - Cử nhân xếp hàng chờ việc
Tuyển sinh ồ ạt, đào tạo kém chất lượng và không gắn với nhu cầu thực tế của địa phương đã dẫn đến thực trạng dư thừa hàng ngàn giáo viên phổ thông. Giải bài toán này như thế nào và làm gì để đổi mới cỗ máy sư phạm, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn, đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục?
Thừa giáo viên
Sau nhiều năm dài tranh giành tuyển sinh, hạ điểm chuẩn, tăng số lượng đầu vào ngành sư phạm, các trường ĐH ở địa phương cho “ra lò” hàng chục ngàn giáo viên mầm non đến phổ thông. Là ngành đặc thù, đòi hỏi đầu vào tuyển sinh phải hội đủ phẩm chất, năng lực, kỹ năng, thậm chí chất lượng phải cao hơn những ngành nghề khác. Nhưng nghịch lý đang tồn tại lâu nay là rất hiếm học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm, đặc biệt là các trường sư phạm địa phương (nguyện vọng 1).
Vì thế, “lọt sàng xuống nia”, chỉ còn thí sinh có kết quả học tập trung bình, thậm chí là thấp và yếu ở bậc phổ thông miễn cưỡng chọn nghề giáo vì không có khả năng học nghề khác. Nhìn vào điểm trúng tuyển ngành sư phạm năm 2014 của một số trường ĐH địa phương như ĐH Hồng Đức, ĐH Hà Tĩnh, ĐH Quảng Bình, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Phú Yên… chúng ta không thể không giật mình vì chỉ cần đạt điểm sàn - 13 hoặc 14 điểm sẽ trở thành cử nhân sư phạm (!?).
Đầu vào thấp - dễ dãi, đầu ra thả lỏng không đạt chuẩn là nguyên nhân khiến cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày một nhiều, tạo sự cạnh tranh gay gắt về việc làm. Câu chuyện mới nhất - tuyển dụng giáo viên ở tỉnh Vĩnh Phúc - UBND tỉnh phải đứng ra tổ chức thi tuyển thay cho huyện, thị.
Theo lý giải của đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nếu tỉnh không đứng ra tổ chức kỳ thi này thì sẽ “vỡ trận” và phải phòng ngừa trước khi tiêu cực xảy ra. Những năm trước, tỉnh trao quyền cho huyện, thị tổ chức thi tuyển nhưng đã để xảy ra hiện tượng tiêu cực như đánh dấu bài thi, điểm bài thi, nội dung không hợp lý… Thế nhưng, nhìn vào bản chất sự việc này mới thấy cánh cửa tuyển dụng giáo viên ở khắp các tỉnh, TP ngày một hẹp và nỗi niềm chua chát được làm nghề mình đã học, đã chọn của nhiều cử nhân sư phạm nặng trĩu.
Phát biểu tại hội thảo “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng các trường sư phạm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng cung đã vượt cầu và việc đào tạo dư thừa quá nhiều giáo viên đang gây sự lãng phí lớn. Cụ thể, năm học 2014 - 2015, tỉnh Phú Yên có 3.000 giáo viên ra trường không tìm được chỗ giảng dạy; tỉnh Đắk Lắk chỉ có nhu cầu tuyển mới 100 giáo viên nhưng số hồ sơ nộp lên đến 3.000 người…
Tình trạng thừa giáo viên đã trở thành vấn đề nan giải, áp lực cạnh tranh đối với nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam và một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Con số chưa đầy đủ mà báo chí nêu - bình quân cả nước có khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS, THPT dư thừa nói lên điều gì?
Theo phân tích của Th.S Nguyễn Thị Thu Biên (ĐH Phạm Văn Đồng), trong khi lượng sinh viên sư phạm ra trường quá dư thừa, không có nơi tiếp nhận vì xu hướng chung bão hòa thì việc tuyển sinh ngành học này trong năm 2014 vẫn không giảm bao nhiêu. Thậm chí nhiều trường ĐH ở địa phương vẫn tăng chỉ tiêu thêm 20% đến 30%, trong đó ĐH Phú Yên tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH so với năm 2013. Lỗi từ đâu và ai phải chịu trách nhiệm để hàng chục ngàn cử nhân sư phạm, giáo viên ra trường chịu cảnh thất nghiệp dài dài này?
Chuẩn hóa đầu vào và đầu ra
Việc tranh giành tuyển sinh, vơ vét cả những thí sinh có điểm thi thấp, thiếu năng lực, phẩm chất đã làm cho chất lượng đào tạo suy giảm và ngành sư phạm chuốc thêm tai tiếng. Đó là chưa kể trong cuộc tranh đua tìm một chỗ dạy ngày càng khó như hiện nay, nếu quy trình tuyển dụng thiếu minh bạch, công bằng sẽ phát sinh tiêu cực, trong đó một số giáo viên giỏi sẽ không có cơ hội dấn thân với nghề. Ngược lại, nhiều giáo viên có trình độ đào tạo thấp, chấp nhận tốn chi phí ngoài luồng sẽ lọt cửa tuyển dụng và khi phải đầu tư “mua” chỗ dạy với giá không rẻ thì họ có còn công tâm, yêu nghề hay không?
Hệ lụy mà ngành giáo dục đang phải gồng gánh, đối phó là có không ít giáo viên thiếu năng lực chuyên môn - chỉ là thợ dạy, coi sách giáo khoa là pháp lệnh và họ chai lì với đổi mới, sáng tạo. Chính họ cũng góp phần đẩy học sinh phải đi học thêm vì ở lớp nghe thầy cô giảng nhưng không hiểu bài, không thể làm bài tập nâng cao…
Trước bài toán nan giải dư thừa quá nhiều giáo viên và thiếu thầy dạy giỏi, ngành GD-ĐT phải giải quyết theo hướng nào? Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành GD-ĐT các địa phương, từng trường học phải rà soát lại chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại và mạnh dạn điều chuyển công việc khác hoặc cho nghỉ hưu trước tuổi (cho hưởng chế độ ưu đãi) đối với những người có năng lực chuyên môn hạn chế, thiếu kỹ năng sư phạm.
Việc đào thải giáo viên yếu, không đạt chuẩn tuy nan giải nhưng cấp thiết vì nó sẽ tạo thêm chỗ dạy mới cho giáo viên trẻ có năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Mặt khác, ở các đô thị lớn, nếu có sách lược giảm sĩ số lớp học/trên đầu giáo viên theo chuẩn thì áp lực dạy học cũng giảm nhẹ, sắp xếp thêm chỗ dạy cho nhiều giáo viên khác…
Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để đổi mới đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam thực sự đầy thách thức, nan giải.
Khánh Bình
Nguồn: sggp.org.vn