Đào tạo theo địa chỉ sử dụng: Kiếm tiền quá dễ!

Ngồi không được vài tỉ

Trường bội thu

669
  Tải tài liệu

Tìm hiểu lợi nhuận của các công ty liên kết với trường ĐH đào tạo theo địa chỉ sử dụng (ĐTTĐCSD) càng thấy rõ hình thức đào tạo này chủ yếu nhằm trục lợi từ thí sinh.

Ngồi không được vài tỉ

Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ở Nghệ An tiết lộ, việc ĐTTĐCSD thực chất là chỉ vì… tiền, mà kiếm tiền quá dễ. Doanh nghiệp (DN) thu được số tiền lớn mà không cần phải bỏ đồng vốn nào. Vì thế, ban đầu chỉ có một số ít DN hoạt động trong lĩnh vực này nhưng hiện nay thì rất nhiều DN tham gia xin chỉ tiêu ĐTTĐCSD mặc dù không hề có nhu cầu sử dụng lao động đang gửi đào tạo. Lợi nhuận các DN thu được là tiền “phí đầu vào” của thí sinh và phần trăm học phí của sinh viên mà các trường trích cho trong suốt quá trình đào tạo. Theo vị giám đốc này, dù không hề có nhu cầu sử dụng lao động (vì công ty chỉ có 4 người), nhưng từ 4 năm qua, mỗi năm công ty này cũng xin được 100-150 chỉ tiêu ĐTTĐCSD.

Chỉ với “lệ phí đầu vào” mà DN này thu từ thí sinh (thấp nhất là 15 triệu đồng/người), mỗi năm DN cũng kiếm được vài tỉ đồng. Ngoài ra, DN còn nhận từ 10-15% học phí các trường trích ra hằng năm. “Chỉ cần xin gửi được 100 chỉ tiêu, không kể “phí đầu vào”, bèo nhất cũng được tỉ rưỡi. Ngồi chơi xơi nước ít nhất mỗi năm cũng có 60 triệu đồng tiền học phí hợp pháp trường trích về cho công ty, chưa kể tiền học phí gối đầu của những sinh viên các năm trước đang theo học”, anh này nói. 

Trường bội thu

Trong khi đó, phía đào tạo cũng thu được một khoản tiền lớn từ người học. Đơn cử như tại trường ĐH Vinh. Từ năm học 2007-2008, ĐH Vinh bắt đầu thực hiện việc liên kết với các DN để ĐTTĐCSD. Mỗi năm trường này tuyển được trung bình khoảng 700 chỉ tiêu ĐTTĐCSD. Mức học phí cho hệ này thường gấp hai lần so với thí sinh trúng tuyển chính quy. Theo PGS-TS Phạm Minh Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Vinh, học phí là do trường tự thỏa thuận với phía DN và người học vì đây là hệ đào tạo ngoài ngân sách. Ông Hùng nói rằng mức học phí này “chưa ăn thua gì so với một số trường ở Hà Nội, vì ngoài đó có trường họ thu gấp 3-4 lần mức học phí của Bộ”.

Ông Hùng khẳng định ĐH Vinh không cho phép DN thu khoản “phí đầu vào” của thí sinh và các DN cũng không phải đóng một khoản tiền nào cho ĐH Vinh. Thế nhưng, thực tế thì các thí sinh ĐTTĐCSD đều phải nộp “phí đầu vào” cho DN với mức không dưới 10 triệu đồng/thí sinh như Báo Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh. Theo các bản hợp đồng liên kết đào tạo giữa ĐH Vinh và một DN  ký kết ĐTTĐCSD năm 2010 thì DN này phải hỗ trợ cho trường ĐH Vinh từ 500 ngàn - 1 triệu đồng/thí sinh. Năm nay, Trung tâm đào tạo từ xa và quan hệ DN của trường đã thu của DN 2,5 triệu đồng/thí sinh nhưng không thấy xuất hóa đơn, thậm chí phiếu thu.  

Trường ĐH Vinh năm nay được Bộ cho 1.000 chỉ tiêu ĐTTĐCSD, đến nay đã nhận được 400 chỉ tiêu của khoảng 20 DN gửi đào tạo. Theo ông Hùng, do năm nay UBND tỉnh Nghệ An chỉ cho phép tuyển các thí sinh khu vực 1 miền núi và khu vực 2 nông thôn nên số lượng thí sinh đăng ký ít hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 20 DN liên kết với trường  phần lớn đều là những DN nhỏ, thậm chí một số DN chỉ là hữu danh vô thực, với vài ba nhân viên và không hề có nhu cầu sử dụng lao động. PGS-TS Phạm Minh Hùng cho biết năm nay có khoảng gần 50 DN xin chỉ tiêu, nhưng trường chỉ duyệt cho khoảng 20 DN. Mức học phí trường trích lại cho DN cũng được nâng từ 10 lên 15%. Để kiểm tra thực lực của các DN này, trường kiểm tra giấy phép kinh doanh và doanh thu hằng năm của các DN. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận trường không thể kiểm tra kỹ được. 

Chính vì lợi nhuận quá lớn nên trong khi rất nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, thì nhiều DN vẫn rất hăng hái để xin chỉ tiêu gửi thí sinh ĐTTĐCSD dù không hề có nhu cầu sử dụng.

Khánh Hoan

14/10/2011 – thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

669
  Tải tài liệu