Tự chủ học phí Đại học: Hiệu quả hay hậu quả?

Việc giao quyền tăng giảm học phí vào tay các thầy hiệu trưởng phải chăng hoặc sẽ sinh ra tình trạng tăng phí vô tội vạ ở các trường hot hoặc sẽ nảy nọc ra một thứ trường giá bèo vơ bèo gạt tép không chỉ với những thí sinh “3 điểm”?

944
  Tải tài liệu

Bản dự thảo giao quyền tự chủ cho các trường đại học mà Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa trình Chính phủ ngay lập tức đã dấy lên sự lo lắng và tranh cãi.

Lo lắng, khi mức học phí đại học tại các trường đại học đã tự chủ tài chính sẽ cao gấp 2 đến 3,5 lần so với hiện nay (980.000 – 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng). Trong khi đó, các trường đại học công lập chưa tự chủ (mức học phí 7,4-10,7 triệu đồng/ năm) sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.

Còn tranh cãi, là ở cái khung học phí. Ở cường độ, mật độ gia tăng. Và ở cả hiệu quả cũng như hậu quả của việc tăng học phí.

Phải nói ngay, tự chủ tài chính là một hướng đi đúng, thậm chí việc đến tận bây giờ mới có một đề án tự chủ còn là quá muộn khi cơ chế “bao cấp” tại những trường công lập từ bao năm nay tạo ra căn bệnh tất yếu của tình trạng “mỗi thứ thiếu một chút”, “cái gì cũng có nhưng cái gì cũng thiếu”.

Nhưng xét ra, cái đầu tiên của đề án này phải nói là hậu quả. Việc tăng học phí từ 2 đến 4,7 lần, việc học phí có thể lên đến 50 triệu đồng mỗi năm, ở nghĩa trần trụi nhất là tước đoạt cơ hội được học hành của không ít người, không ít gia đình. Hậu quả này sinh ra trong khi chúng ta hoàn toàn không rõ về hiệu quả.

Có thể, con số 200 ngàn sinh viên thất nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng con số giảm đi ấy hoàn toàn có thể bắt nguồn từ sĩ số sinh viên giảm do không chịu nổi học phí.

Huống chi việc tự chủ tài chính, ở chiều hướng ngược lại, hoàn toàn có thể nảy sinh một loại trường mới, vơ bèo gạt tép, giáo dục cho có, cấp bằng cho có. Bài học nhãn tiền, không đâu xa, có ở ngay những trường sư phạm vơ vét cả những thí sinh 3 điểm.

Nếu muốn nâng chất lượng giáo dục, có lẽ Bộ Giáo dục - Đào tạo nên trước hết giao tự chủ về nội dung giáo dục cho các trường để họ có thể loại bỏ những môn học chỉ có tác dụng tốn tiền.

Liệu ở nơi nào trên trái đất này sinh viên phải trả tiền cho những môn giáo dục thể chất giống như đày đọa để kết quả cuối cùng là đánh quả bóng chuyền không qua nổi lưới? Hay có những môn đại cương chẳng chút liên quan gì đến ngành học mà học xong vài chục tiết, người học cũng chẳng biết để làm gì.

ANH ĐÀO
Nguồn: laodong.vn – 24/10/2017

Bài viết liên quan

944
  Tải tài liệu