Giám đốc ĐH Huế: Không thi THPT quốc gia, chúng tôi xoay không kịp
Nếu không thể tổ chức thi THPT quốc gia, ĐH Huế sẽ gặp khó khăn khi tuyển sinh.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế trước quan điểm về thi hay không thi THPT quốc gia năm nay.
PGS. Nguyễn Quang Linh cho biết ĐH Huế đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy, có những ngành tuyển sinh tốt, có ngành khó tuyển. Kinh nghiệm 3 năm vừa qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia cho thấy, kỳ thi đang đi đến ổn định, là căn cứ tốt để các trường ĐH xét tuyển.
Theo PGS. Linh, kết quả của kỳ thi thực sự có giá trị đối với các trường ĐH. Đối với những ngành top trên, kết quả thi là cơ hội sàng lọc, phân loại, phân lớp thí sinh. Hơn nữa, cần phải có một kỳ thi để đánh giá kết thúc quá trình học tập của phổ thông. Cho dù có thí sinh không vào ĐH thì họ cũng tốt nghiệp phổ thông để đi làm ngành nghề khác.
PGS. Nguyễn Quang Linh nêu quan điểm đã học là phải thi. Học không thi học sinh sẽ xao nhãng việc học.
Tuy nhiên, xét góc độ làm quản lý ĐH, PGS. Nguyễn Quang Linh mong muốn dịch kết thúc sớm. Trừ trường hợp nếu không tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia thì quả thật việc tinh giản chương trình cũng khó khăn; việc tổ chức kỳ thi cũng nan giải. Từ đó, dẫn đến hệ lụy, các trường ĐH phải căn cứ vào học bạ để xét tuyển.
Nhưng để giám sát được chất lượng học bạ có tương đương với yêu cầu chất lượng đầu vào của các trường, các ngành học, đặc biệt những ngành học đòi hỏi hàn lâm như khoa học cơ bản là gặp khó khăn. Đặc biệt là không biết căn cứ vào đâu để đánh giá dẫn hoài nghi lẫn nhau, ĐH không tin phổ thông, phổ thông không tin ĐH vì thiếu thước đo công minh. Cho đến nay, dù tỷ lệ tốt nghiệp lê đến trên 90% nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn được coi là thước đo công minh nhất.
Thực ra hiện nay các trường đều rất bị động. ĐH Quốc gia TPHCM đã có chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực nhưng đến giờ, do dịch bệnh bất ngời nên cũng hoàn toàn bị động. ĐH Huế cũng đã đăng ký thi đánh giá năng lực đầu vào nhưng mới xây dựng được xong giai đoạn 1. Trong khi đó, để thực hiện được phải hoàn thành 3 giai đoạn.
Vì vậy, nếu không tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia thì ĐH Huế chỉ có thể căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển. Những năm vừa qua, ĐH Huế vẫn có từ 12-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này. Tuy nhiên, sau một thời gian vào học, nhiều sinh viên trúng tuyển bằng kết quả học hoặc bị buộc thôi họ vì không đạt yêu cầu hoặc chất lượng thấp hơn hẳn so với đối tượng xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Do đó, PGS. Nguyễn Quang Linh ủng hộ phương án tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia là tốt nhất. Các phương án tuyển sinh khác đều đã được các trường tính tới. Nhưng với việc trăm hoa đua nở sẽ dễ dẫn đến tình trạng thí sinh lúng túng, các cơ sở giáo dục ĐH thì vỡ trận.
“Không ai lường trước được dịch COVID-19 sẽ diễn tiến như thế nào. Trong trường hợp nếu dịch kéo dài đến tháng 8 vẫn không thể tổ chức thi thì chắc chắn chúng ta phải thực hiện theo kịch bản như thời chiến”, PGS. Nguyễn Quang Linh cho hay.
NGHIÊM HUÊ
tienphong.vn – 17/04/2020
Bài viết liên quan
- Địa phương nào điều chỉnh thời gian và số môn thi vào lớp 10 năm học 2020-2021?
- Tuyển sinh đại học khu vực phía Nam: Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh
- Tuyển sinh đại học năm 2020: Nhiều điểm mới trong tuyển sinh ngành đặc thù
- Covid-19: Không thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất
- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói gì về thi THPT quốc gia?