Mạng lưới “Huynh đệ” giúp sinh viên kiếm việc
Đó là một trong các giải pháp rất gần gũi, đơn giản và thiết thực để giúp đỡ sinh viên mới ra trường có được việc. Giải pháp này được TS. Phạm Mạnh Hà đề xuất tại hội thảo khoa học "Giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam".
Chỉ cần có bằng ĐH
Theo quan điểm của TS. Trịnh Văn Tùng và Ths. Phạm Huy Cường (Trường ĐH KH XH & NV) thì đa số sinh viên đều chưa có một định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp.
Kết quả khảo sát của nhóm tác giả này chỉ ra rằng 70% trả lời "đã nghĩ tới công việc rồi nhưng chưa chắc chắn và không có nhiều thông tin về hệ thống nghề" gắn với định hướng đó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, một bộ phận lớn SV sau khi đã đi gần hết quá trình đào tạo trong trường đại học, chuẩn bị bước vào môi trường lao động nghề nghiệp, thì họ còn thiếu một định hướng đầy đủ và cụ thể cho nghề nghiệp của mình.
Cũng theo kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm trong nghiên cứu của TS Trịnh Văn Tùng, cho thấy rằng, một bộ phận không nhỏ sinh viên ngay từ khi lựa chọn ngành học và trong quá trình học, đã không có một sự định hướng cụ thể và “cũng không được ai khuyên” về các nghề gắn với ngành học của mình.
Việc SV tiếp cận và theo học chuyên môn hiện tại của mình đôi khi xuất phát từ một điều ngẫu nhiên, từ một kinh nghiệm gia đình, bè bạn hoặc chỉ đáp ứng được nhu cầu “có bằng đại học”.
Bên cạnh việc thiếu kỹ năng mềm, nhiều chuyên gia cũng khẳng định sinh viên hiện nay thường mắc phải là khả năng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sử dụng các thiết bị văn phòng còn rất yếu kém.
Nhiều sinh viên bị trượt ngay từ vòng phỏng vấn do yếu kém ngoại ngữ và tin học văn phòng. Khi vào làm việc, nhiều SV lúng túng khi phải sử dụng những thiết bị như máy in, máy fax, máy photocopy… và điều này thường gây khó chịu cho nhà tuyển dụng.
Mạng lưới “Huynh đệ”
TS Phạm Mạnh Hà (Khoa tâm lý, ĐH KHXH&NV) cho rằng bên cạnh việc việc trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho sinh viên sắp ra trường thì cũng nên thành lập mạng lưới sinh viên với tên “ Huynh đệ”.
TS Hà cho biết, mạng lưới này làm nhiệm vụ kết nối các sinh viên đã ra trường và có việc làm với nhà trường và các sinh viên đang còn theo học tại trường.
Theo đó, nhà trường sẽ giúp sinh viên ra trường có việc làm, và sinh viên đó, sau khi đã có việc, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giúp đỡ ba "đàn em" có được việc làm sau khi tốt nghiệp, và ba sinh viên đó sẽ tiếp tục giúp đỡ 9 sinh viên nữa có việc làm ....
Cũng quan điểm này, TS Trịnh Văn Tùng – Khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH&NV cũng nhấn mạnh ngoài việc cần các kỹ năng mềm nên tính tới những yếu tố như quan hệ xã hội trong cơ hội tìm kiếm việc làm.
TS Tùng cũng chia sẻ quan điểm nên nghiên cứu thành lập một mạng lưới sinh viên sau khi ra trường, để biết được bao nhiêu sinh viên đã kiếm được việc làm, từ đó tạo lập một mạng lưới liên hệ giữa các sinh viên với nhau và nhà trường để tạo lập mối liên hệ công việc
TS Nguyễn Quang Vinh (Khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV) thể hiện sự nhất trí cao khi cho rằng: “Hơn ai hết, chính các cựu sinh viên là những người nắm rõ nhất những thiếu hụt về kỹ năng, kiến thức mà cơ sở đào tạo trang bị cho người học cũng như cách thức để bù đắp, khắc phục những thiếu hụt này”.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng, thông qua hệ thống này, các sinh viên đang học có thể thu nhận được những kiến thức thực tế phù hợp và hữu ích. Hệ thống này cũng sẽ hoạt động như một kênh thông tin tuyển dụng giúp người học và giảng viên nắm bắt các thông tin về thị trường lao động cũng như các yêu cầu của người sử dụng lao động.
“Để phát huy vai trò của cựu sinh viên cần thiết phải thiết lập hệ thống thông tin liên tục và thông suốt, có khả năng cập nhật nhanh thông tin và những thay đổi của các cựu sinh viên”. TS Vinh đề xuất.
Với nền tảng hạ tầng thông tin hiện nay của Việt Nam, việc thiết kế và vận hành một hệ thống như vậy là không quá khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, để hệ thống này hoạt động có hiệu quả cần có sự tham gia, điều hành tích của các giảng viên chuyên ngành.
Tuy nhiên, TS Vinh cũng tỏ ra băn khoăn: "Đây cũng là khó khăn lớn nhất của mô hình này khi hiện nay chúng ta chưa có cơ chế đánh giá lao động của giảng viên khi tham gia vào các hoạt động hỗ trợ người học nên hiệu quả của hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào tâm huyết và uy tín nghề nghiệp của cá nhân giảng viên".
Phạm Thịnh
Nguồn: vtc.vn