Tuyển sinh năm 2012: Nhiều ngành mới hợp xu thế
Khối xã hội: Nhiều ngành hợp xu thế
Hứa hẹn nguồn nh
ân lực thiết thực
Mặc dù mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm ngoái đã kết thúc với hàng loạt ngành học phải đóng cửa vì không đủ thí sinh, nhiều trường vẫn cân nhắc mở thêm ngành mới dựa trên nhu cầu xã hội cũng như khả năng đào tạo trong năm 2012, trong đó có những ngành được coi là thiết thực với xu thế phát triển.
Khối xã hội: Nhiều ngành hợp xu thế
Năm nay không thấy có hiện tượng một ngành "thời thượng" nào đó được mở ra ồ ạt, thay vào đó là sự ra đời của những ngành học còn khá lạ, thậm chí là chuyên ngành hẹp nhưng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, mùa tuyển sinh năm nay nhà trường mở 2 chuyên ngành mới, tuyển khối C, D1, là công tác xã hội và quản lý nhà nước. Lãnh đạo nhà trường khẳng định những ngành này có ý nghĩa thiết thực với thực tế, cung cấp kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp hơn. Chỉ tiêu dự kiến của mỗi ngành là 50 SV.
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội có 3 chuyên ngành mới: đạo diễn sự kiện và biểu diễn âm nhạc thuộc ngành quản lý văn hóa, ngành hướng dẫn viên du lịch quốc tế thuộc ngành Việt Nam học. Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố, từ năm 2012 nhà trường có 3 ngành học mới là quản trị du lịch - dịch vụ lữ hành, lưu trữ học và thông tin học.
Ngành học liên quan tới du lịch không chỉ có mặt tại các trường khối xã hội mà ngay cả Trường ĐH Điện lực cũng mở chuyên ngành quản trị du lịch. Đại diện nhà trường giải thích: Dịch vụ du lịch tới các nhà máy thủy điện hiện nay khá phát triển trong khi nhân lực chuyên nghiệp cho nhu cầu này vẫn bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, ĐH Điện lực có thêm chuyên ngành mới khác là xây dựng.
Ở phía Nam, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh mở thêm chuyên ngành truyền thông và văn hóa (khối C, D1) thuộc ngành văn hóa học. SV học ngành này có kỹ năng trở thành chuyên viên ngành văn hóa, thông tin, truyền thông hay làm việc tại các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, quảng cáo, marketing…
Trường ĐH Luật Hà Nội năm nay mở thêm ngành mới là luật kinh tế, tuyển sinh khối A, C, D1. Ngành luật thương mại quốc tế tuyển sinh khối D1, cũng là ngành mới được mở từ năm 2011. Liên quan tới ngành luật, năm nay, Học viện An ninh nhân dân bổ sung chuyên ngành luật hình sự, tuyển thí sinh dự thi khối A, C, D1.
Hứa hẹn nguồn nhân lực thiết thực
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng có kế hoạch tuyển sinh chuyên ngành vật lý điện hạt nhân với chỉ tiêu 50 SV. Tất cả SV theo học ngành này sẽ được trợ giúp học bổng. Các chuyên gia tuyển sinh đánh giá đây là ngành hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm cho SV. Bên cạnh việc cung cấp nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng, SV tốt nghiệp còn có thể làm việc trong ngành y, dược và một số lĩnh vực công nghiệp khác. Năm 2020, dự kiến Việt Nam cần hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử. Nhưng hiện cả nước chỉ có khoảng 600 cán bộ khoa học trong lĩnh vực hạt nhân.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng mở ngành kỹ thuật hạt nhân với chỉ tiêu 50 SV với các chuyên ngành như năng lượng và điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, vật lý y khoa.
ĐH Thái Nguyên năm nay mở thêm 5 ngành mới. Trong đó, Trường ĐH Khoa học mở ngành quản lý tài nguyên và môi trường với 100 chỉ tiêu, (thi khối A, B). Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông mở thêm 4 ngành: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (A, A1, D1); kỹ thuật y sinh (A, A1, D1); quản trị văn phòng (A, A1, D1) và ngành truyền thông đa phương tiện (A, A1, D1). Trường ĐH Nông lâm của ĐH Thái Nguyên dừng tuyển sinh ngành cơ khí nông nghiệp.
Trong khi đó, ở phía Nam, một trường cùng khối là ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh mở thêm ngành mới là địa chính và quản lý đô thị.
Năm nay các trường phía Nam cho thấy sự nhanh nhạy với những ngành học "thời thượng". Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có thêm 2 ngành học lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam: kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (A, A1). Những SV tốt nghiệp ngành này có thể làm trong các ngân hàng, phân tích tài chính, sử dụng phần mềm quản lý rủi ro, sử dụng các mô hình tính toán trong đầu tư tài chính. Còn Trường ĐH Tài chính - Marketing tuyển mới 3 ngành học: bất động sản (chuyên ngành kinh doanh bất động sản, quản trị bất động sản); kinh doanh quốc tế (chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế); quản trị khách sạn (quản trị khách sạn - nhà hàng, quản trị dịch vụ giải trí, du lịch lữ hành).
Mặc dù có những khó khăn đặc thù của ngành sư phạm nhưng từ năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có thêm 3 ngành học, trong đó có 2 ngành đào tạo giáo viên dạy nghề là cử nhân ĐH sư phạm kỹ thuật điện - điện tử và một ngành đào tạo giáo viên phổ thông là cử nhân ĐH sư phạm kỹ thuật tin học (50 chỉ tiêu/ ngành). Theo lãnh đạo nhà trường, việc mở mới 2 ngành học sư phạm kỹ thuật điện -điện tử dựa trên nhu cầu cao của xã hội về đội ngũ giáo viên dạy nghề trên toàn quốc. Việc ra đời ngành sư phạm kỹ thuật - tin học cũng phù hợp với định hướng đào tạo giáo viên dạy ghép môn ở trường phổ thông.
Cũng chịu nhiều sức ép trong năm vừa qua song ở mùa tuyển sinh 2012, Trường ĐH DL Hải Phòng mở thêm một số ngành đào tạo như công nghệ sinh học, hệ thống thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Ngoài ra trường còn đang xin phép tuyển sinh thêm các ngành: truyền thông và mạng máy tính, kiến trúc. Khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tuyên bố bắt đầu tuyển mới ngành ngữ văn Italia cho các khối D1, D3, D5.
Với sự có mặt của một số ngành học mới trong năm 2012, hy vọng nguồn nhân lực còn thiếu hụt ở một số lĩnh vực sẽ được bù đắp phần nào.
Quỳnh Phạm
Nguồn: hanoimoi.com.vn