Lối ra nào cho giáo dục đại học ngoài công lập?
Khổ như tuyển sinh ĐH-CĐ ngoài công lập
Lãng phí
Gần cuối tháng 10 nhưng vẫn còn nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) chật vật tuyển sinh. Nhiều trường tận dụng mốc thời gian cuối cùng của Bộ GD-ĐT cho phép, kéo dài thời gian xét tuyển đến hết tháng 11. Câu chuyện làm sao có đủ thí sinh để không phải “đóng cửa” ngành của các trường NCL xem ra vẫn còn nhiều nan giải...
Khổ như tuyển sinh ĐH-CĐ ngoài công lập
Để có được một thí sinh biết đến trường rồi nộp hồ sơ vào trường, đối với cán bộ tuyển sinh các trường NCL quả thật là một “cuộc chiến” thực sự.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, PGS Hoàng Hữu Nguyên, cho biết, 4 đoàn làm công tác tuyển sinh của trường đi gần như suốt năm, bắt đầu từ tháng 2 đã lên đường đi khắp các tỉnh thành. Riêng mùa tuyển sinh năm 2012, tổng cộntrường đã đến 24 tỉnh phía Bắc. Công việc vô cùng vất vả, lại tốn kém nhưng kết quả cũng không đến đâu. Chuyện thí sinh Hà Nội nhận được điện thoại mời nhập học của một trường mãi tận miền Tây cũng không còn là chuyện lạ.
Căng thẳng và mệt mỏi là tâm trạng của lãnh đạo rất nhiều trường NCL. Ông Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô, than thở, thí sinh gửi hồ sơ phô tô nhưng gọi lại không đến. Có em đến thăm trường chán chê, gọi đến nhập học xong lại bỏ. Hồ sơ ảo quá nhiều. Nhận được 1.000 hồ sơ nhưng khi gọi nhập học chỉ được chưa đến 500 em.
“Có thí sinh thi đậu vào hệ ĐH của trường nhưng kiên quyết xin học hệ cao đẳng để sau đó có thể học liên thông lên ĐH ở một trường công lập” - Ngô Xuân Hà cho biết.
Trong khi hầu hết tân sinh viên các trường ĐH công lập đã ổn định việc học tập thì thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH-CĐ NCL vẫn căng thẳng với việc tuyển sinh. Hàng loạt trường ở phía Bắc như ĐH Thành Tây, ĐH quốc tế Bắc Hà, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam)... đều phải kéo dài thời gian tuyển đến hạn cuối cùng (30-11).
Để hấp dẫn thí sinh, nhiều trường ngoài việc xét tuyển thí sinh bằng những điều kiện tối thiểu (điểm chuẩn bằng sàn, kéo dài thời gian tối đa..) cũng đã vận dụng phương thức đã từng bị xã hội dị ứng như thưởng tiền mặt cho thí sinh.
ĐH dân lập Hải Phòng hấp dẫn thí sinh bằng chính sách sinh viên được vay vốn ưu đãi của Nhà nước 10 triệu đồng/năm. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường giảm học phí 10%-50%. Sinh viên giỏi, xuất sắc được nhận học bổng hàng năm.
ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) ra sức quảng cáo có “đội ngũ cán bộ giảng dạy là các PGS, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư đến từ các trường ĐH tốp trên; có ký túc xá hiện đại giá 80.000 đồng/sinh viên/tháng; giá ăn tại bếp ăn tập thể của trường chỉ 10.000 - 15.000 đồng/suất; được thưởng 1 tháng học phí của học kỳ đầu. Thậm chí là “được thực tập tốt nghiệp, được thi tuyển về làm việc tại tập đoàn công nghiệp POMIHOA (nếu có nhu cầu)”… ĐH quốc tế Bắc Hà công bố thưởng 2 triệu đồng cho các thí sinh có điểm thi ĐH từ 20 điểm trở lên; 1 triệu đồng cho các thí sinh có điểm thi từ 15 - 19,5 điểm…
Lãng phí
Đây là chuyện không mới. Có một vấn đề đặt ra là mùa tuyển sinh nào Bộ GD-ĐT cũng khẳng định đảm bảo dư nguồn tuyển nhưng các trường NCL vẫn luôn gặp khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay, nguồn tuyển có hệ số di chuyển lớn, cộng với cơ chế tuyển sinh mềm dẻo của Bộ GD-ĐT thì các trường không khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao các trường có thể thu hút được thí sinh vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình. Có rất nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng lại không nộp đơn vào các trường còn chỉ tiêu thì điều đó chúng ta không thể can thiệp được. Chính vì thế các trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao sức hút đối với thí sinh.
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL, cũng cho rằng, trong các trở ngại khiến cho ĐH-CĐ hiện nay đang bị “teo tóp” là do quan điểm về giáo dục NCL hiện nay chưa ổn, thậm chí là đi ngược với thế giới. Chúng ta định hướng xã hội hóa giáo dục, 40% là NCL, nhưng lại không có cơ chế phù hợp để phát triển giáo dục NCL.
Nếu với tình trạng khoán trắng như hiện nay, sớm muộn ĐH-CĐ ngoài công lập cũng đi vào ngõ cụt. PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, việc Bộ GD-ĐT ban hành điểm sàn chung cho tất cả ĐH-CĐ cả nước, cho cả hệ công và tư là bất hợp lý. Thay vì thắt chặt đầu vào, thả lỏng đầu ra, chúng ta hãy làm như thế giới: mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra. Các trường NCL cần được trao quyền tự chủ về đầu vào của họ. Từ đó họ sẽ sàng lọc, phân loại thí sinh để đào tạo theo cách riêng nhằm xây dựng thương hiệu của họ. Nhà nước hãy kiểm tra, giám sát họ.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, để ĐH-CĐ NCL “sống được, sống tốt”, Nhà nước cũng phải tạo cơ chế bình đẳng cho họ. Tức là họ phải được hưởng các cơ chế như được giao đất sạch, được miễn thuế, được vay vốn ưu đãi, học sinh học NCL cũng phải được hưởng các chính sách như học sinh công lập vì tất cả mọi người dân đều đóng thuế như nhau. Các trường NCL đa phần đều nỗ lực để phát triển, nhưng nếu không có cơ chế thì họ khó mà chèo chống.
Nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên đầu vào 8 điểm học cùng chương trình với sinh viên đầu vào 20-30 điểm và giá trị bằng cấp được đánh giá như nhau là điều vô lý. Đây cũng là một trong nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục ĐH hiện nay. Vì vậy, cần phải sớm phân tầng ĐH theo hướng đáp ứng cho một xã hội học tập suốt đời.
Như vậy, ngoài ĐH truyền thống (mang tính nghiên cứu) cần có ĐH cộng đồng ở địa phương để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ (yêu cầu cơ sở vật chất và chương trình học nhẹ hơn ĐH nghiên cứu); có ĐH tại chức - thực hành tăng cường nội dung thực hành sát với đời sống làm việc); có ĐH mở, từ xa... nhằm phổ cập kiến thức ĐH cho người có nhu cầu...
Các “tầng” ĐH trên đều có cách liên thông với nhau, tạo cơ chế mềm cho người học. Mỗi tầng đều có nội dung đào tạo theo chất lượng riêng, phù hợp với từng đối tượng của loại trường. Xã hội sẽ căn cứ vào loại hình đào tạo mà sử dụng người học theo yêu cầu.
PHAN THẢO
(sggp.org.vn)