Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của nhiều trường đại học

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2020 với những điểm mới so với năm trước.

928
  Tải tài liệu

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm 2020, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả THPT quốc gia và xét tuyển thẳng, nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng.

Kỳ thi riêng do trường tổ chức sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp với các ngành của trường.

Thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ dự thi vào chiều 25/7 với bài thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong thời gian 180 phút, riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút.

Tất cả các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận (tự luận ngắn làm trực tiếp lên bài thi có đề và ô trống).

Thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn thi Tiếng Anh và quy đổi điểm theo quy định của trường.

Thí sinh đăng ký tối đa 5 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào các ngành/chương trình của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Các nguyện vọng này độc lập với các nguyện vọng được đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Trường sẽ lựa chọn từ trên xuống dưới theo tổng điểm 3 môn cho đến khi đạt được số lượng dự thi dự kiến của từng khối ngành, gồm khối Kỹ thuật, Kinh tế với 9.600 thí sinh; Ngôn ngữ Anh với 400 thí sinh.

Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng mới công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 với tổng chỉ tiêu là 2.180.

Với các ngành năng khiếu (có mã xét tuyển từ KTA01 đến KTA04), năm nay trường sử dụng hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Trong đó, trường kết hợp thi tuyển bằng các môn thi năng khiếu với việc sử dụng kết quả điểm thi một số môn văn hoá (Toán, Vật lý và Ngữ văn) của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Với nhóm ngành KTA05 và các ngành còn lại, trường tổ chức tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 của thí sinh hoặc xét tuyển theo ngành/nhóm ngành dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ đầu bậc THPT.

Thí sinh trúng tuyển các ngành Kiến trúc, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, nếu có nguyện vọng và đáp ứng được các điều kiện về điểm xét tuyển, trình độ ngoại ngữ theo quy định của Nhà trường sẽ được tham gia xét tuyển vào các lớp K+ (ngành Kiến trúc) hoặc X+ (ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp).

Năm 2020, Học viện Ngân hàng dành ít nhất 90% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Học viện dành không quá 10% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông hoặc năng lực ngoại ngữ để xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng.

Các đối tượng được áp dụng tuyển thẳng là học sinh tại các trường THPT chuyên, thí sinh có chứng chỉ IELS (hoặc các chứng chỉ khác tương đương) từ 6.5 trở lên.

Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội vừa thông báo kế hoạch sơ tuyển vào hệ đại học chính quy ngành Luật năm 2020 với nhiều điểm mới.

Năm nay, trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2020, học bạ của thí sinh. Các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy ngành Luật vào trường đều phải tham gia vòng sơ tuyển.

Cụ thể, về học lực, với thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước phải có kết quả học tập lớp 10 và 11 từ trung bình trở lên, lớp 12 đạt loại khá trở lên. Đối với thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2019 - 2020, yêu cầu học lực cũng tương tự, nhưng chỉ xét học bạ đến học kỳ 1 lớp 12.

Về độ tuổi, thí sinh đăng ký xét tuyển không quá 25 tuổi (tính đến năm dự thi). Về tiêu chuẩn sức khỏe, người đăng ký xét tuyển đại học phải có đủ sức khỏe để học tập, công tác, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện về chiều cao cân nặng; không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật; không nói ngọng, nói lắp; không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.

Quy định về chiều cao, cân nặng với nam cao tối thiểu là 1m60, nặng từ 50kg trở lên; nữ cao từ 1m55 trở lên, nặng tối thiểu 45kg.

Đại học Kiểm sát cũng quy định một số trường hợp ngoại lệ nếu thí sinh có chiều cao thiếu dưới 5 cm và dưới 5 kg cân nặng, nhưng đạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; giải nhất, nhì trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; giải quốc tế về lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có văn bản báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét, quyết định tuyển.

Kỳ tuyển sinh năm 2020, ĐH Đà Nẵng dự kiến có 14.240 chỉ tiêu tuyển sinh vào 9 trường, khoa và phân hiệu. Sẽ có 4 phương thức tuyển sinh vào các trường thành viên của ĐH Đà Năng, gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Đà Nẵng phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức và xét tuyển thẳng.

Năm nay, ĐH Đà Nẵng dự kiến mở thêm 2 ngành và 2 chuyên ngành đào tạo bậc ĐH, gồm ngành Kỹ thuật máy tính (60 chỉ tiêu, Trường ĐH Bách Khoa), ngành Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh (50 chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế), chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Công nghệ thông tin, 50 chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa), Chuyên ngành Cơ khí hàng không (thuộc ngành Cơ khí kỹ thuật, 40 chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa).

Đây cũng là năm đầu tiên, ĐH Đà Nẵng tổ chức tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Năm 2020, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển theo kết quả học tập các môn học ở THPT, Trường ĐH Mở TP.HCM bổ sung phương phức xét tuyển dựa trên điểm tú tài quốc tế (IB), nhận hồ sơ xét tuyển từ 26 điểm.

Đối với xét học bạ, điểm tối thiểu nhận hồ sơ ngành Công nghệ sinh học, Xã hội học, Đông Nam Á, Công tác xã hội là 18 điểm, các ngành còn lại là 20 điểm.

Trường dự kiến tuyển sinh hai ngành mới là Du lịch, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Năm nay trường tuyển sinh 4.100 chỉ tiêu, trong đó 30%-50% chỉ tiêu từng ngành dành cho xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên điểm tú tài quốc tế (IB) và học bạ, còn lại là chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia 2020.

Thúy Nga
vietnamnet.vn – 13/04/2020

Bài viết liên quan

928
  Tải tài liệu