Sẽ thí điểm thu học phí cao một số ngành

Đó là thông tin được đưa ra trong cuộc hội thảo về “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học” diễn ra hôm nay 17.11 tại Hà Nội, do Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính tổ chức.

1 665
  Tải tài liệu

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Giang (Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính) cho rằng cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay còn nhiều bất cập. Mức học phí thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên. Việc phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho các cơ sở đào tạo công lập mang tính bình quân, chưa gắn với nhu cầu đào tạo, cơ cấu ngành nghề, chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính (đã được thí điểm - PV) còn nhiều bất cập. Thực tế các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính không được giao tự chủ về mức thu học phí, không bù đắp đủ chi phí hoạt động thường xuyên nên việc thực hiện tự chủ tài chính không thực chất…

Từ những bất cập trên dẫn đến các cơ sở GDĐH công lập không có đủ nguồn thu tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển. Phần lớn các cơ sở đào tạo đều không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng.

Để có nguồn tài chính cần thiết, bổ sung thu nhập, các trường phải tăng quy mô, tăng số lượng học sinh/ giáo viên, tăng thời gian giảng dạy, nhưng việc mở rộng quy mô đào tạo không tương xứng với năng lực của nhà trường dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, ông Giang nhấn mạnh: “Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo dẫn đến việc hỗ trợ của Nhà nước mang tính chất bình quân, cào bằng đối với tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo và gia đình trung lưu. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên của các gia đình trung lưu chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ sở GDĐH công lập. Điều này dẫn đến thực tế là chính sách học phí thấp đang trợ cấp cho người giàu!”.

Sẽ tính đủ chi phí đào tạo trong học phí

Từ những nghiên cứu của mình, ông Nguyễn Trường Giang đã đưa ra một số giải pháp để đổi mới cơ chế tài chính, trong đó phải từng bước tính đủ chi phí đào tạo trong học phí, trên nguyên tắc “tiền nào của đó” và phải có các tiêu chí chất lượng tối thiểu.

Ông Giang nói: “Đối với GDĐH, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, học ĐH để có nghề, tạo thu nhập kiếm sống nuôi bản thân và gia đình nên người học phải đóng đủ học phí”.

Việc phân bổ nguồn lực từ NSNN cũng phải được thay đổi. NSNN sẽ giảm dần, tiến tới không hỗ trợ chi phí đào tạo đối với những ngành học đã đáp ứng nhu cầu xã hội, ngành học mà người học và gia đình sẵn sàng bỏ chi phí để đi học. Thông qua đó sẽ tiết kiệm NSNN cho những ngành học mà xã hội có nhu cầu nhưng không có người theo học.

Ông Giang cho biết, Bộ Tài chính đang cùng một số trường ĐH nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm việc tự chủ tài chính cho một số ngành đào tạo. Dự kiến, quý IV này sẽ trình Chính phủ phê duyệt và sẽ thực hiện ngay vào năm 2013. Như vậy một số ngành học sẽ phải đóng học phí cao.

Ngoài ra, cũng sẽ thay đổi cơ chế phân bổ NSNN theo các tiêu chí đầu vào như hiện nay sang việc phân bổ theo tiêu chí đầu ra, gắn với các định mức kinh tế, kỹ thuật trong đào tạo, định mức phân bổ chi phí đào tạo, có sự phân biệt giữa cơ sở đào tạo có chất lượng, hiệu quả với cơ sở kém chất lượng. Thực hiện phân bổ kinh phí gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định độc lập chất lượng đào tạo.

Tự chủ phải gắn với trách nhiệm 

Những kiến nghị của ông Giang đã được đa số các đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã không khỏi băn khoăn về việc: Nếu cho phép các trường tính đủ học phí thì có cơ chế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo hay không?

Ông Nguyễn Thế Hưng (Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo T.Ư) nhấn mạnh: “Xu thế hiện nay người dân không tin vào giáo dục trong nước, đã cho con em đi học ở nước ngoài làm mất hàng tỉ USD mỗi năm. Khi Nhà nước đầu tư phải tính đến hiệu quả và phải tính trên đầu ra của sản phẩm. Đồng thời phải tính đúng, tính đủ chi phí trên đầu sinh viên đối với từng ngành đào tạo thì mới có giải pháp đầu tư hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ thì làm sao thu đúng, thu đủ được”.

Đặc biệt, ông Hưng cho rằng, việc cho phép các trường tự chủ tài chính phải gắn với trách nhiệm giải trình với xã hội. Trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường như thế nào? Cách đánh giá đầu ra như thế nào? Tổ chức nào đứng ra kiểm soát chất lượng? Ông Hưng đề xuất: “Phải có các tổ chức là hiệp hội xã hội đánh giá kết quả đầu ra và kiểm định độc lập.”

Ông Phùng Xuân Nhạ - Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - cũng đánh giá: Chủ trương của Bộ Tài chính rất mở nhưng phải kiểm soát được việc chi phí của các trường, nếu không cơ sở giáo dục sẽ chi không đúng. Ông Nhạ nói: “Việc chi tiêu của các cơ sở giáo dục phải minh bạch và phải công bố công khai. Cơ quan nhà nước phải tăng cường giám sát. Đồng thời phải có chế tài cụ thể cho việc tự chủ thì những người thực hiện mới yên tâm triển khai”.

Vũ Thơ

(thanhnien.com.vn)

Bài viết liên quan

1 665
  Tải tài liệu