Đổi mới nội dung chương trình đào tạo QTKD

Rộng mà không sâu

Xu thế đổi mới trong đào tạo QTKD

537
  Tải tài liệu

Khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhu cầu đào tạo cử nhân kinh tế và quản trị kinh doanh (QTKD) tăng đột biến. Tuy nhiên, mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo rất lớn nhưng chương trình đào tạo ngành này vẫn còn tồn tại không ít hạn chế.

Rộng mà không sâu

Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin về chương trình QTKD của các trường ĐH Việt Nam và các cơ sở đào tạo liên kết nước ngoài sẽ thấy sự phong phú về cấu trúc và nội dung. Theo PGS.TS.Nguyễn Thừa Lộc – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, điều này chỉ có thể lý giải là do nhận thức không thống nhất chương trình đào tạo của các trường về mục tiêu, cơ cấu học phần, thời lượng và hình thức thể hiện.

Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng nhân lực, khối lượng kiến thức mà sinh viên ngành QTKD phải tiếp cận nặng hơn so với chương trình của nước ngoài. Điều này, PGS.TS.Nguyễn Thừa Lộc cho rằng, đó là do nhiều cơ sở đào tạo lo đến thu nhập của cán bộ, giáo viên nên tận dụng tất cả những gì mình có. Cũng không hiếm gặp những học phần mà do ưu thế của người chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình đào tạo đưa vào, dẫn đến chương trình đào tạo không chỉ bị nặng về khối lượng mà độ trùng lặp cũng cao. Đáng lo ngại hơn là trong nhiều chuyên ngành không có ranh giới rõ ràng giữa các bậc đào tạo: cao học, đại học, cao đẳng, thậm chí cả đối với nghiên cứu sinh.

PGS.TS.Trương Đình Chiến – Trưởng khoa Marketing – Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, chương trình đào tạo ngành QTKD hiện nay của Việt Nam được đánh giá  là cung cấp cho sinh viên khung kiến thức rộng nhưng lại không chuyên sâu vào một chức năng quản trị nhất định của doanh nghiệp. Nói cách khác, cử nhân biết nhiều nhưng lại chưa làm được những công việc cụ thể do thiếu các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. “So với chương trình đào tạo cùng ngành học của các trường ĐH ở các nước phát triển, chúng ta thấy số lượng môn họcít hơn nhiều, phần lớn các môn học trong chương trình đào tạo là gắn với năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp mà sau khi ra trường các cử nhân sẽ làm” - PGS.TS.Trương Đình Chiến cho hay.

Ngoài ra, chương trình đào tạo QTKD tại nhiều trường ĐH Việt Nam hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc thực hành, thực tập, vẫn coi nhẹ bài tập, thảo luận, tìm hiểu thực tế. Ngoài việc học nhóm chưa được quan tâm đúng mức, các thư viện chưa bố trí được những phòng học nhóm thì các giảng viên cũng chưa bắt buộc sinh viên phải thực hiện những bài tập theo nhóm, chấm điểm theo nhóm...

Xu thế đổi mới trong đào tạo QTKD

Theo PGS.TS.Ngô Kim Thanh – Trưởng bộ môn Quản trị doanh nghiệp – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế thị trường đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có các nhà quản trị doanh nghiệp với kiến thức và kỹ năng giỏi, tính chuyên nghiệp cao. Điều này dẫn đến xu thế đổi mới trong đào tạo quản trị kinh doanh, đó là xu thế đào tạo sâu và mang tính chuyên nghiệp cao; xu thế lỗi thời kiến thức một cách nhanh chóng; xu thế phát triển giáo dục điện tử; xu thế quốc tế hóa trong đào tạo QTKD.

PGS.TS.Ngô Kim Thanh cũng đề cập đến việc xây dựng chương trình thực hành kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tạm gọi là “Quản trị doanh nghiệp trực tuyến” theo các chương trình mô phỏng kinh doanh của các nước trên thế giới. Chương trình này nhằm giúp các giảng viên và sinh viên rèn luyện các kỹ năng phân tích và ra các quyết định trong hoạt động điều hành doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế thị trường.

Thông qua chương trình phần mềm về từng lĩnh vực quản trị, các bài tập tình huống và thông qua chương trình mô phỏng kinh doanh BSM, sinh viên có điều kiện vận dụng kiến thức đã học và rèn luyện kỹ năng ra quyết định, cũng như thực tập điều hành một doanh nghiệp thực thụ.

TS.Trần Thị Song Minh – Trưởng khoa Khoa Tin học Kinh tế (ĐH Kinh tế quốc dân) thì đề xuất đổi mới xây dựng chương trình đào tạo cử nhân QTKD dưới góc độ định hướng chuẩn đầu ra về tin học. Theo đó, tích hợp 3 môn học liên quan đến tin học vào khối kiến thức chính của chương trình, từ đó đảm bảo đáp ứng được chuẩn đầu ra về tin học cho sinh viên ngành QTKD.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Việt – TGĐ Công ty Kinh đô miền Bắc cho rằng cần đổi mới giáo trình theo hướng gắn với những tình huống thực tế tại doanh nghiệp. “Qua nghiên cứu các giáo trình và tài liệu đào tạo cử nhân QTKD, thực tế cho thấy rất thiếu các tình huống thực tế để minh họa, diễn giải phần lý thuyết. Một số giáo trình thì lấy những tình huống từ những công ty nước ngoài.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành và phát triển rất nhanh. Họ cũng đã áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, tôi tin là có đủ các tình huống thực tế cần thiết để minh họa cho phần lý thuyết trong các giáo trình nếu chúng ra thật sự quyết tâm để đổi mới giáo trình” - ông Trần Quốc Việt đề nghị.

Hải Bình

Nguồn: gdtd.vn 

 

Bài viết liên quan

537
  Tải tài liệu