Bộ trưởng Bộ GD – ĐT: Vào đại học không phải con đường duy nhất
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT: Vào đại học không phải con đường duy nhất
Ngày 7-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề tâm điểm của ngành giáo dục. Báo SGGP lược ghi một số nội dung quan trọng.
Đại học Hùng Vương TPHCM: Phải giải quyết theo pháp luật
- Hiện số trường đại học (ĐH) được thành lập nhiều trong khi bộ chưa đủ nhân lực kiểm định chất lượng. Việc bộ “thả nổi” cho các trường tự chủ liệu có ổn không?
Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Khác với phổ thông giảng dạy theo kế hoạch và chương trình thống nhất, các trường ĐH-CĐ đào tạo các ngành nghề khác nhau nên có tự chủ cao hơn. Đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực của các trường là điều bộ đang quan tâm. Với các trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, các trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định, các trường này sẽ hướng dẫn… Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này bộ vẫn quyết định. Các trường lớn tự xem xét, bộ sẽ thẩm định. Bộ cũng đang hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.
- Bộ trưởng nghĩ gì về những điều khó tưởng tượng nhưng đang xảy ra tại ĐH Hùng Vương TPHCM vừa qua?
Đây là trường hợp cá biệt, đáng tiếc. Bộ GD-ĐT đã có văn bản dừng tuyển sinh năm 2012 của ĐH Hùng Vương và các cơ quan chức năng TPHCM đang xử lý việc này theo quy định pháp luật.
- Bộ đã tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng theo Nghị quyết 50 của Quốc hội đối với 30 trường ĐH-CĐ, quan điểm của bộ trong việc xử lý các sai phạm như thế nào?
Sự vững mạnh hoặc yếu kém, thành tích hay khuyết điểm của các cơ sở giáo dục cũng là vững mạnh hoặc yếu kém, thành tích hay khuyết điểm của bộ. Việc xử lý sẽ theo tinh thần trị bệnh cứu người. Còn với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục cần có những biện pháp mạnh. Trong những trường hợp cụ thể như ĐH Hùng Vương TPHCM, phải giải quyết theo quy chế và theo pháp luật.
Cần chính sách ưu đãi cho sư phạm
- Hiện nay đầu vào các trường sư phạm rất thấp. Học sinh giỏi quay lưng với nghề giáo. Suy nghĩ của Bộ trưởng ra sao?
Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Khi chế độ miễn học phí ở sư phạm bắt đầu ban hành thu hút được một số học sinh giỏi, chúng tôi rất mừng. Sau này hiệu lực của chính sách ấy cũng bị giảm dần, rồi những khó khăn, tìm việc sau tốt nghiệp, đảm bảo cuộc sống và tương quan giữa tất cả điều kiện khi làm thầy giáo và làm việc khác thì nhiều học sinh giỏi, kể cả học sinh có năng khiếu sư phạm không vào sư phạm. Để khắc phục, có trách nhiệm thuộc về bộ, phần còn lại thuộc về các cơ quan có trách nhiệm về việc sau tốt nghiệp, nơi làm việc của các cháu.
Bộ cũng sẽ chủ động trao đổi, tham vấn các bộ, ngành, địa phương trong việc xác định các cơ chế liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo, đãi ngộ các nhà giáo. Tôi nghĩ cần tổng thể rất nhiều giải pháp.
- Ngành sư phạm nên có chế độ ưu tiên cho con em trong ngành khi ra trường như ngành bưu điện, công an, ngân hàng đang làm?
Vấn đề này đặt ra rất lý thú. Theo cá nhân tôi, ngành nào nếu có sự tiếp nối truyền thống, đều có mặt tốt, như y học, văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Ở quê tôi có truyền thống nhiều đời trong một gia đình làm nghề giáo. Còn chế độ tuyển dụng, hiện không có ưu tiên. Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ cũng không nên đặt chính sách ưu tiên, ưu đãi mà cần bình đẳng. Vì điều quan trọng nhất là thu hút người tài, người tốt.
Bộ giao NXB Giáo dục in cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh
- Năm nay bộ không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đã khiến thí sinh “rối như canh hẹ”. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đã lợi dụng việc này để phát hành các cuốn sách hướng dẫn thí sinh nhưng thông tin lại thiếu chính xác.
Nói bộ không phát hành cuốn Những điều cần biết vừa đúng, vừa không đúng. Bộ không phát hành sách về chỉ tiêu tuyển sinh của các trường mà các trường tự đăng ký trên cơ sở các điều kiện, yêu cầu của bộ. Bộ giao NXB Giáo dục xuất bản in cuốn sách này và vẫn do các vụ, cục cân chỉnh các thông tin. Hiện cuốn sách chưa được phát hành do một số lý do (nhiều sai sót cần điều chỉnh, một số trường đăng ký lượng tuyển sinh quá cao...). Tôi chắc chắn những thông tin do các đơn vị khác đưa ra không đáng tin cậy, vì đến sáng 6-3, vẫn có 40 trường chưa có thông tin về bộ. Sau khi có đủ thông tin, bộ sẽ giao cho NXB Giáo dục để in.
- Năm nay bộ chỉ bổ sung khối A1 nhưng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM lại xin thi thêm khối H1 mà chỉ tiêu lại không rõ ràng?
Năm nay, bộ chỉ bổ sung thêm khối A1 là Toán - Lý - Anh văn. Không có khối H1. Trường ĐH Kiến trúc TPHCM có đề nghị khối này, nhưng hiện nay khối này không có trong danh mục các khối thi đã công bố.
- Bộ trưởng nhắn nhủ gì với các sĩ tử chuẩn bị tham gia kỳ tuyển sinh sắp tới?
Tôi đã có thời gian đi thi, thời gian chờ đợi con thi và hiểu được sức ép rất lớn. Kỳ thi ĐH là một kỳ thi quan trọng, chúng ta phải cố gắng phấn đấu. Nhưng trước hết chúng ta phải đánh giá bản thân thật khách quan, như người xưa nói là “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, trên cơ sở đó xác định mục tiêu hiện thực. Nếu mục tiêu quá thấp thì không có động lực phấn đấu, mục tiêu quá cao sẽ trở thành viển vông, nếu thất bại sẽ tự mình tạo ra khủng hoảng… Sau khi lựa chọn, phải hết sức bình tĩnh, tự tin và có kế hoạch khoa học để triển khai việc học, các công việc khác, dù căng thẳng hơn bình thường nhưng cũng không nên quá gay gắt. Điều cuối cùng tôi muốn nói là: Vào ĐH là một niềm phấn khởi của thí sinh, của gia đình, nhưng đó không phải con đường duy nhất.
Lâm Nguyên
Nguồn: sggp.org.vn