Học phí đại học tăng vọt

Chính phủ đã chính thức thông qua đề án tự chủ của 4 trường ĐH: Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân và Kinh tế TP.HCM. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định nếu mọi việc chuẩn bị kịp, các đề án sẽ được thực hiện ngay trong năm học này.

1035
  Tải tài liệu

Học phí có thể lên đến 18 triệu đồng

Mức trần có khả năng sẽ nằm trong khoảng trên 10 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là mức học phí chuẩn, còn cụ thể giao cho các trường tính toán để phù hợp theo từng ngành nghề đào tạo

BÙI HỒNG QUANG (Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT)

GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết trường đang chờ quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ. Nếu được thực hiện ngay trong năm nay, trường sẽ có lộ trình tăng học phí phù hợp để tránh gây sốc cho sinh viên. Cụ thể, với sinh viên các khóa cũ đang học tập tại trường, học phí thu theo mức cũ dựa vào Nghị định 49 của Chính phủ. Việc tăng học phí chỉ áp dụng với sinh viên nhập học khóa mới năm học 2014 - 2015. Tuy nhiên, ở học kỳ 1 năm học này vẫn thu theo mức cũ. Tới học kỳ 2, có thể tăng thêm 50% so với hiện tại, tức nằm ở mức khoảng 9 triệu đồng/sinh viên/năm với chương trình đại trà. Các năm sau tiếp tục tăng dần. Năm học 2015 - 2016 có thể thu ở mức 11-12 triệu đồng/sinh viên/năm.

Theo GS Châu, mức tăng tối đa với chương trình đại trà như đề án đã trình Chính phủ, có thể ở mức 17 - 18 triệu đồng/sinh viên/năm, áp dụng chung cho tất cả các ngành. Các chương trình đặc biệt không tăng nhiều như đại trà.

Trong khi đó, PGS-TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường sẽ không tăng học phí quá nhiều nhằm tránh gây sốc cho người học. Đặc biệt, có những chuyên ngành học phí không tăng như: kinh tế chính trị, thống kê và kinh tế nông nghiệp. Đây là các chuyên ngành cần khuyến khích người học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực. Ngoài ra, học phí sẽ không giống nhau giữa các ngành.

Khác biệt về chất lượng đào tạo ?

Bộ GD-ĐT chuẩn bị xây dựng khung học phí mới

Do thời gian thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ về học phí chỉ áp dụng đến năm học 2014 - 2015, vì vậy Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố  đề xuất cơ chế thu học phí, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho giai đoạn tiếp theo.

Về thời gian, tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2016 - 2020 hay giai đoạn 2016 - 2025; đề xuất cách thức xây dựng khung học phí cho giai đoạn tiếp theo: ban hành khung theo từng năm hay dựa trên một biến số nào đó (ví dụ chỉ số giá, mức lương cơ sở...); có ban hành mức thu học phí của từng ngành nghề đào tạo ĐH hay chỉ quy định mức học phí bình quân của cả trường, trên cơ sở đó trường tự quyết định mức cụ thể cho từng ngành nghề; đề xuất đối tượng thụ hưởng và phương thức hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. 

TUỆ NGUYỄN

Bà Phan Thị Bích Nguyệt khẳng định chất lượng đào tạo sẽ khác biệt khi sinh viên đóng học phí cao. Trường thay đổi giáo trình học tập, sinh viên sẽ sử dụng giáo trình nước ngoài bằng tiếng Việt trong 2 năm đầu và tiếng Anh trong 2 năm cuối.

Bà Nguyệt nói: “Trường đã mất 3 năm và đầu tư rất nhiều tiền bạc để chuẩn bị cho việc xây dựng bộ giáo trình này. Đi kèm với đó, giảng viên của trường tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ và khuyến khích giảng viên có bằng tiến sĩ nước ngoài. Đặc biệt, phương pháp giảng dạy phải thay đổi để tăng cao chất lượng đào tạo”.

Để hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất được sử dụng toàn bộ học phí để gửi ngân hàng thay vì nộp về kho bạc như quy định hiện nay. Tiền lãi gửi này sẽ được trường dùng vào việc xây dựng quỹ khuyến học dành cho sinh viên. Trường vẫn giữ sĩ số lớp học không quá 50 sinh viên/lớp, dịch vụ trong trường sẽ giảm phiền hà cho sinh viên và phụ huynh.

Còn Trường ĐH Ngoại thương sẽ duy trì chính sách học bổng khuyến khích với sinh viên giỏi và chính sách hỗ trợ khó khăn với sinh viên nghèo. Đặc biệt, trường còn có chương trình cho vay không lãi từ nguồn vốn của trường hoặc huy động bên ngoài.

Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), sắp tới Chính phủ sẽ ra nghị quyết về tự chủ ĐH trong đó có quy định mức trần học phí để các trường có thể thu trong hành lang quy định.

Ông Quang cho hay: “Mức trần có khả năng sẽ nằm trong khoảng trên 10 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là mức học phí chuẩn, còn cụ thể giao cho các trường tính toán để phù hợp theo từng ngành nghề đào tạo. Mức trần này so với đề xuất từ các trường khá phù hợp. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, các trường nếu có các dịch vụ khác phải công bố cho sinh viên biết trước”.

Rầm rộ tăng

Năm học này hàng loạt trường ngoài công lập tăng học phí. Trường ĐH Dân lập Phương Đông tăng từ 2 đến 3 triệu đồng so với năm ngoái, lên mức 10 - 13 triệu đồng/năm bậc ĐH. Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn từ 14,6 đến 18,3 triệu đồng/năm tùy ngành. Trường ĐH Phan Thiết cũng tăng thêm 1 triệu đồng/năm học so với mức cũ, cụ thể là 8,8 triệu đồng/năm bậc ĐH và 6,6 triệu đồng/năm bậc CĐ. Trường ĐH Văn Hiến thu hơn 7 triệu đồng. Trường ĐH Yersin Đà Lạt thu từ 8 đến 11 triệu đồng/năm. Trường ĐH Quốc tế Miền Đông từ 15 đến 30 triệu đồng/năm bậc ĐH. Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM 17,5 đến 19,5 triệu đồng/năm. Trường ĐH Võ Trường Toản từ 6,5 triệu tới 37 triệu đồng/năm. Chương trình giảng dạy tiếng Việt, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn từ 42 - 48 triệu đồng/năm, dạy bằng tiếng Anh từ trên 100 triệu đồng/năm...

Học phí Trường ĐH Việt Đức từ 56 đến 62 triệu đồng/năm tùy ngành. Trường ĐH Anh quốc VN từ 170 đến trên 219 triệu đồng/năm. ĐH Quốc tế RMIT VN từ trên 182 triệu đến 212 triệu đồng/năm.

HÀ ÁNH

 Hà Ánh (thanhnien.com.vn)

Bài viết liên quan

1035
  Tải tài liệu