Báo động thi hộ, dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả

Báo động thi hộ, dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả

931
  Tải tài liệu

Hiện nay, chuẩn ngoại ngữ (tiếng Anh) để xét tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) là một trong những điều kiện mà sinh viên phải đạt được. Những chứng chỉ tiếng Anh thông dụng hiện nay các trường đưa ra là TOEIC: 450 điểm, TOEFL PBT: 450 điểm hoặc IELTS phải đạt 4.5 và cũng có trường quy định chứng chỉ A, B, C. Thế nhưng việc áp dụng không trường nào giống trường nào. Có trường chuẩn quá cao, có trường chuẩn quá thấp… khiến sinh viên khổ sở vì chuẩn ngoại ngữ. Và để ra trường đúng thời hạn, sinh viên nhiều trường đã gian lận trong việc thi cử để lấy chứng chỉ.

Thi hộ, dùng chứng chỉ giả

Theo Th.S Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: “Mới đây khi kiểm tra chứng chỉ ngoại ngữ do sinh viên nộp, trường phát hiện 10 trường hợp thi hộ và nghi ngờ một trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả. Đối với trường hợp nghi ngờ, trường đang nhờ công an vào cuộc để xác minh tính pháp lý của chứng chỉ”.

Theo thông báo của trường, đối với sinh viên ĐH-CĐ chính quy không chuyên ngoại ngữ, từ khóa 2008 trở về sau đào tạo theo hệ thống tín chỉ được xét miễn 2 học phần tiếng Anh điều kiện (Anh văn 1, Anh văn 2) và công nhận đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có một trong những chứng chỉ quốc tế tiếng Anh TOEFL 400, TOEIC 450, IELTS 4.5, PET 70, BULATS 40. Có trình độ tiếng Anh tương đương B1 của CEFR do Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM xác nhận.

Trong thư phúc đáp gửi Trường ĐH Luật TPHCM, Công ty cổ phần IIG Việt Nam (đại diện Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS tại TPHCM), xác nhận: “Trong danh sách 43 thí sinh trường gửi hậu kiểm, 40/43 thí sinh có kết quả trùng với dữ liệu trong hệ thống của ETS. Riêng 3 trường hợp còn lại, dữ liệu đã bị sửa thông tin về ngày thi và điểm số. Như vậy, phiếu điểm thí sinh cung cấp cho trường là phiếu điểm giả”. Cùng với thông báo này, IIG Việt Nam còn gửi kèm bảng điểm của 3 thí sinh sử dụng chứng chỉ giả.


Cụ thể, khi so sánh với dữ liệu trong hệ thống ETS, số điểm của thí sinh N.T.M.T. chỉ đạt 245 điểm (điểm nghe: 110, điểm đọc: 135) nhưng trên bảng điểm do thí sinh này cung cấp, số điểm lên đến 665 (điểm nghe: 300; điểm đọc: 365). Ngoài ra, phiếu điểm này cũng in trên mẫu giấy không phải do IIG Việt Nam cung cấp.

Theo Th.S Lê Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên năm cuối phải nộp chứng chỉ tiếng Anh để trường xét tốt nghiệp. Đối với những chứng chỉ ngoài trường, nhà trường cho sinh viên nộp bản photocopy hoặc scan nộp qua mạng. Sau đó, trường sẽ lập danh sách gửi IIG Việt Nam xác minh. Qua xác minh, trường cũng phát hiện một số trường hợp dùng chứng chỉ giả…

Trong khi đó, thông tin từ IIG Việt Nam cũng xác nhận, trong quá trình xác minh chứng chỉ TOEIC của các trường, IIG Việt Nam liên tục phát hiện nhiều trường hợp gian lận và làm giả mạo kết quả TOEIC, gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng dịch vụ của IIG Việt Nam.

Xử lý nặng gian lận

Theo các trường cho biết, đối với chứng chỉ ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ bên ngoài trường), các trường sẽ kiểm tra và xác minh kỹ. Vì vậy, đối với những trường hợp gian lận, dùng chứng chỉ giả hoặc chỉnh sửa để nộp cho trường nếu bị phát hiện sẽ chịu mức kỷ luật rất nặng, thậm chí hủy kết quả học tập. Th.S Lê Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Quy trình kiểm tra chứng chỉ ngoại ngữ trường làm rất chặt. Do đó, nếu sinh viên gian lận sẽ khó lọt sổ. Trường hợp nộp chứng chỉ ngoại ngữ giả sẽ bị xử lý nặng hoặc có thể hủy kết quả học tập”.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Với những trường hợp gian lận, thi hộ hoặc nộp chứng chỉ giả, nhà trường sẽ họp hội đồng kỷ luật và hình phạt thấp nhất là đình chỉ học tập 1 năm. Với những trường hợp mua bán chứng chỉ giả, nhà trường sẽ mời công an vào cuộc để điều tra và sinh viên chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Với 3 trường hợp sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM sử dụng phiếu điểm TOEIC giả, IIG Việt Nam đưa ra hình phạt là cấm thi TOEIC trong thời gian 3 năm trên phạm vi toàn Đông Dương. Với hình thức phạt này, nếu là sinh viên năm cuối, nhiều khả năng sẽ bị đuổi học vì theo Quy chế đào tạo tín chỉ (Quy chế 43) thời gian tối đa hoàn thành chương trình học là 4 học kỳ (2 năm) đối với các khóa học từ 3 đến dưới 5 năm.

Trước tình hình có nhiều trường hợp sử dụng chứng chỉ TOEIC giả, đại diện IIG Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị liên hệ trực tiếp với IIG Việt Nam để được cung cấp dịch vụ hậu kiểm hoàn toàn miễn phí.

THANH HÙNG

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

931
  Tải tài liệu