Trường ĐH không được đào tạo nghề: Lúng túng vì luật chỏi nhau
Năm nay Bộ GD-ĐT quyết định không cho các trường ĐH đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) theo đúng luật Giáo dục. Thế nhưng, luật Dạy nghề lại cho phép các trường ĐH được đào tạo nghề ở các trình độ CĐ-TC nghề.
Luật Giáo dục quy định giáo dục nghề nghiệp bao gồm hệ thống các trường TCCN và trường nghề. Nhưng hiện nay, hệ thống trường TCCN do Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT quản lý, còn các trường CĐ-TC nghề của Bộ LĐ-TB-XH hoạt động theo luật Dạy nghề. Về pháp lý, các trường ĐH hoàn toàn có thể dạy cả bậc ĐH-CĐ lẫn đào tạo nghề vì đang làm đúng theo luật Dạy nghề. Nhưng điều 42 luật Giáo dục quy định “trường ĐH đào tạo trình độ CĐ-ĐH, đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao”. Điều đó cũng có nghĩa là ngoài những bậc học trên thì trường ĐH không được đào tạo các bậc khác.
PGS-TSKH Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nhận định: “Thực ra mỗi hệ đào tạo đều có quy chế, tiêu chí hoạt động riêng. Trường nào muốn có giấy phép đào tạo nghề thì cũng phải đáp ứng đủ những yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên, thiết bị thực hành. Nó gần như riêng biệt so với hoạt động đào tạo trình độ ĐH-CĐ. Nếu nói rằng trường ĐH đào tạo thêm CĐ-TC nghề để tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị và giáo viên thì hoàn toàn không đúng, vì mục đích, tiêu chí, phương pháp giảng dạy của hai hệ thống đào tạo này là khác nhau. Giảng viên ĐH-CĐ chưa chắc đã dạy được nghề và ngược lại kỹ sư dạy nghề không thể dạy bên chuyên nghiệp được”. Ông Lộc cho rằng nếu trường ĐH chỉ được phép đào tạo bậc ĐH-CĐ trở lên và không cho đào tạo các bậc của nghề thì chỉ còn cách sửa luật Dạy nghề.
Hiệu trưởng một trường ĐH đang có rất nhiều chỉ tiêu đào tạo TCCN lẫn CĐ-TC nghề cũng băn khoăn: “Chúng tôi hoạt động dựa theo luật của nhà nước chứ không dám làm sai. Khi Bộ GD-ĐT có chủ trương bỏ TCCN thì chúng tôi cũng sẵn sàng chấp hành. Quy định của luật Dạy nghề nói trường ĐH không được đào tạo nghề thì chúng tôi cũng phải tuân thủ”.
Hạn chế cấp phép đào tạo nghề
Trước thực tế này, nếu như Bộ GD-ĐT muốn thực hiện chủ trương một cách hiệu quả thì chỉ còn cách 2 bộ ngồi lại để tìm một tiếng nói chung.
PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH, trấn an: “Tương lai Tổng cục Dạy nghề sẽ hạn chế việc cấp phép đào tạo nghề trong trường ĐH để cùng thống nhất chủ trương với Bộ GD-ĐT, đồng thời tạo điều kiện cho các trường CĐ-TC nghề phát triển”. Ông Lân nói thêm hiện Tổng cục đang bàn bạc và tham mưu với Bộ LĐ-TB-XH để trước mùa tuyển sinh năm sau sớm có quyết định. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề của Tổng cục Dạy nghề, cho biết Vụ cũng từng tiếp nhận công văn đề nghị của Vụ Giáo dục ĐH về việc hạn chế để các trường ĐH đào tạo nghề. “Về cơ bản, có lẽ sẽ chỉ xem xét đề nghị của các trường ĐH mà trước đó từng có thế mạnh đào tạo công nhân kỹ thuật”, ông Minh cho hay.
Không tuyển sinh được thì mới thôi Trong khi chờ đợi 2 bộ thống nhất, đại diện nhiều trường ĐH có đào tạo TCCN cho biết vẫn phải tiếp tục tuyển sinh đào tạo. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định: “Trong lúc chờ đợi thì các trường ĐH trước nay có đào tạo nghề sẽ vẫn tiếp tục đào tạo thôi, vì nó cũng là “nguồn sống” của một số trường. Trước nay chúng tôi vẫn đào tạo hệ nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và các địa phương với chương trình của Tổng cục Dạy nghề nên có lẽ sẽ không bỏ, vì nhu cầu thực tế và năng lực của trường cũng có. Chỉ khi nào không tuyển sinh được thì mới thôi”. |
Ý Kiến Không nên để ĐH đào tạo dưới bậc CĐ “Đây là một vấn đề lớn mà riêng Bộ GD-ĐT không thể giải quyết được, hai bộ cần ngồi lại với nhau để xem xét vấn đề một cách toàn diện. Theo ý kiến cá nhân tôi thì không nên để các trường ĐH đào tạo trình độ dưới CĐ”. Ông Nguyễn Văn Áng Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT Cần phân cấp rõ ràng “Nhà nước nên định hướng một nhóm trường ĐH đào tạo đáp ứng mục tiêu vĩ mô để phát triển đất nước. Các trường này sẽ đi theo hướng nghiên cứu, tập trung những ngành khoa học cơ bản. Nhóm còn lại, đặc biệt là các trường ngoài công lập hoặc trường ĐH địa phương sẽ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, theo hướng đa ngành, đa cấp. Vấn đề là nhà nước phải quản lý nghiêm, trường hoạt động thật nghiêm túc, tự chịu trách nhiệm và xã hội giám sát thật gắt gao”. PGS-TSKH Hồ Đắc Lộc Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM |
Mỹ Quyên
Nguồn: thanhnien.com.vn