Trường cao đẳng bỗng dưng… mất hút
Các trường cao đẳng (CĐ) trước trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện gặp muôn vàn khó khăn khi kỳ tuyển sinh 2017 cận kề, đặc biệt là quy định phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp mới được tuyển sinh
Từ ngày 1-4, học sinh làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Nhưng trong cổng thông tin, học sinh chỉ nhập được mã trường ĐH và trường CĐ khối sư phạm. Học sinh muốn đăng ký vào trường CĐ khác không thể nhập được vì không có mã trường.
Trường lo đi phát tờ rơi
TS Lưu Đức Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vạn Xuân, cho biết những năm trước đây khi trường CĐ còn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thì ngay thời điểm làm hồ sơ ĐH, thông tin của các trường CĐ, trung cấp (TC) đã đến được với học sinh. Nhưng nay, khi không cùng hệ thống quản lý thì trường CĐ biến mất khỏi hệ thống. Để đưa thông tin đến học sinh, các trường phải đi phát tờ rơi…
TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) xuất bản cuốn thông tin tuyển sinh TC, CĐ năm 2017 nhưng cuốn này không đầy đủ khi chỉ có thông tin của 2/3 trường. Hơn nữa, cuốn này cũng không đến được tay thí sinh nên thực tế chỉ học sinh nào quan tâm đến trường CĐ cụ thể thì mới tìm cách liên lạc, tìm thông tin.
“Thực tế nhiều trường hiện nay chỉ có cách in tờ rơi đã đưa thông tin đến thí sinh dù chưa chắc gì các em đã quan tâm”, TS Thành nói và cho biết Trường CĐ Bách Việt năm nay phải chi ra vài trăm triệu đồng chỉ để in tờ rơi.
Hiệu trưởng một trường CĐ ở TP HCM cho rằng mọi năm, thông tin của trường CĐ còn xuất hiện trong cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng năm nay, bậc CĐ bị loại ra dù thực tế vẫn tồn tại nhưng như cái bóng. Thông tin phần cứng không đến được với thí sinh nên các trường phải tự thân vận động.
Đề nghị chia sẻ dữ liệu tuyển sinh
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hết năm 2016, cả nước có 2.003 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 387 trường CĐ, 582 trường TC và 1.034 trung tâm dạy nghề. Năm 2016, hệ thống trường nghề tuyển sinh hơn 2,3 triệu người. Năm 2017, Tổng cục Dạy nghề đặt mục tiêu hệ thống trường nghề tuyển sinh 2,2 triệu người.
Tại hội nghị bàn về công tác tuyển sinh năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 4-4 tại Hà Nội, đại diện nhiều trường CĐ, TC đã bày tỏ những tâm tư trước kỳ tuyển sinh 2017. Theo đó, trong khi Bộ GD-ĐT mở rộng đường cho thí sinh vào ĐH với việc không hạn chế nguyện vọng xét tuyển thì các trường CĐ, TC còn phải chờ đợi văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ LĐ-TB-XH.
Đại diện Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cho biết theo Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH quy định về quy chế tuyển sinh trình độ TC, CĐ mà Bộ LĐ-TB-XH ban hành, các trường CĐ, TC được phép tự chủ trong hoạt động này. “Theo đó các trường không phải xây dựng đề án tuyển sinh, mỗi trường tự xây dựng quy chế tuyển sinh riêng cho mình và có thể tuyển sinh quanh năm. Các trường được toàn quyền quyết định hình thức tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với khi Bộ GD-ĐT quản lý” - đại diện Tổng cục Dạy nghề cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho rằng các trường CĐ khi còn do Bộ GD-ĐT cũng đã rất khó khăn trong tuyển sinh nên những khó khăn hiện nay vẫn sẽ là các khó khăn cũ. Vì thế, các trường và tổng cục cần thống nhất với nhau rằng giải quyết những khó khăn trong tuyển sinh bằng sự can thiệp của các chính sách nhà nước là rất khó, không khả thi.
Về dữ liệu tuyển sinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết ngay sau hội nghị, đơn vị này sẽ có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị chia sẻ dữ liệu thông tin tuyển sinh, kết quả kỳ thi quốc gia để các trường CĐ, TC có cơ sở tuyển sinh, lựa chọn đầu vào.
Ông Minh cũng cho biết cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh CĐ, TC năm 2017” sẽ được chia sẻ rộng rãi bản cứng và bản mềm trên website của Tổng cục Dạy nghề. Thí sinh truy cập vào có thể biết được trường nào đào tạo ngành nghề gì, ở đâu, tỉ lệ có việc làm những năm trước để chủ động đăng ký.
Khó chuyển đổi một sớm một chiều
Tại hội nghị đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hồi giữa tháng 1-2017, điều các trường quan tâm là chuyển đổi chương trình đào tạo của các trường vốn thuộc Bộ GD-ĐT là sự khó khăn bởi không thể làm xong trong một sớm một chiều.
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết chương trình đào tạo CĐ lâu nay Bộ GD-ĐT giao cho các trường chủ động nên rất đa dạng và tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Chương trình này nên tiếp tục phát triển. Đội ngũ giảng dạy ở các trường CĐ thời gian qua nhờ các đề án đào tạo như 322, 911… rất nhiều giáo viên được đào tạo bài bản có trình độ cao có thể tham gia cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên mới đây, Bộ LĐ-TB-XH quy định bắt đầu năm học 2017-2018, các trường phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp mới được tuyển sinh. Để làm điều đó, các trường phải chuyển đổi chương trình đào tạo để hoạt động theo quy định mới. Trong đó, chương trình đào tạo mới phải bảo đảm ít nhất 50% thời lượng thực hành, giảng viên thực hành cần đạt trình độ kỹ năng nghề nhất định. Điều này, theo đại diện nhiều trường CĐ là Bộ LĐ-TB-XH, đang làm khó các trường vì thời gian quá gấp rút.
TS Trần Mạnh Thành cho biết trước khi chuyển về Bộ LĐ-TB-XH, trường có 9 chương trình nghề và 17 chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT, nay trường phải chuyển đổi 17 chương trình.
TS Lưu Đức Tiến cho rằng chương trình làm qua loa để đối phó thì có thể làm nhanh được nhưng để làm đúng thì không phải dễ dàng và phải mất thời gian dài.
Đại diện các trường CĐ, TC nhiều lần được nghe lời cam kết rằng khi chuyển từ Bộ GD-ĐT về Bộ LĐ-TB-XH, các trường chỉ có thuận lợi hơn. Nhưng nay thuận lợi đâu chưa thấy mà các trường chỉ thấy khó khăn hơn.
Huy Lân - Văn Duẩn
Nguồn: nld.com.vn – 06/04/2017