Nhiều trường rút ngắn thời gian đào tạo
Sinh viên nhiều trường đại học (ĐH) trúng tuyển trong năm 2017 sẽ tốt nghiệp sớm hơn những khóa trước đó, do nhiều trường bắt đầu rút ngắn thời gian đào tạo so với trước đây.
Sinh viên có thể ra trường sớm
Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới do Thủ tướng phê duyệt, thời gian đào tạo hệ ĐH sẽ rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm; thời gian đào tạo hệ cao đẳng (CĐ) thay vì 3 năm nay xuống còn 2 hoặc 3 năm. Trong năm học 2017, nhiều trường ĐH đã thực hiện rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 3,5 - 4 năm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: “Sinh viên trúng tuyển năm 2017 vào trường sẽ bắt đầu theo học chương trình mới, thời gian học được rút ngắn nửa năm, còn 3,5 năm với hệ ĐH và 2,5 năm ở hệ CĐ. Trước đây, 1 năm sinh viên học 2 học kỳ, nay thành 3 học kỳ.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng áp dụng đồng loạt thời gian đào tạo tất cả các ngành là 3,5 năm. Các ngành khối kinh tế, ngôn ngữ và xã hội của Trường ĐH Mở TPHCM cũng chỉ học 11 học kỳ, tương đương 3,5 năm (giảm nửa năm so với trước đó). Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng rút ngắn thời gian đào tạo của các ngành: ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông vốn được đào tạo 5 năm thì nay rút xuống còn 4,5 năm; 70% số ngành khác được rút ngắn thời gian học từ 4,5 năm xuống còn 4 năm. Riêng các ngành khối kinh tế thì giữ nguyên 4 năm.
Trước đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đã chủ động rút ngắn chương trình từ 5 năm còn 4 năm. Trường áp dụng đào tạo tín chỉ khá triệt để và hàng năm có khoảng 5% sinh viên tốt nghiệp sớm (chỉ học khoảng 3 - 3,5 năm). Trong thời gian tới, trường sẽ sắp xếp và rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 3,5 năm.
Tự học nhiều hơn
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH cho phù hợp với xu thế thế giới là điều tất yếu. Điều này sẽ tiết kiệm cho người học và xã hội rất nhiều về thời gian cũng như tiền bạc. Chúng ta phải nghiên cứu lại về chương trình học các môn chính trị và quốc phòng sao cho phù hợp với xu thế của thế giới. Việc rút ngắn thời gian đào tạo không phải là cắt xén, bỏ bớt môn này hay môn kia mà phải sắp xếp sao cho hợp lý, người học phải tự học nhiều hơn từ nhiều nguồn để tích lũy thêm kiến thức”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn phân tích: “Dù thời gian đào tạo tất cả các ngành chỉ còn 3,5 năm (hệ ĐH) nhưng trường vẫn giữ nguyên 120 tín chỉ, không cắt xén chương trình, mà chủ yếu thay đổi trong sắp xếp các môn học sao cho hợp lý. Ví dụ như môn Giáo dục thể chất, thay vì bố trí trong chương trình học chính khóa như trước thì nay chuyển thành hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ. Sinh viên có thể chủ động thời gian rảnh để tham gia rèn luyện và tích lũy tín chỉ; sinh viên có 8 buổi thực tập tại doanh nghiệp, trước đây phải theo đúng lịch quy định, thì nay có thể tự lựa chọn thời gian để thực tập hoặc vừa thực tập vừa học tại trường; sinh viên cũng có thể tự đăng ký xét tốt nghiệp nếu đủ các điều kiện, chứ không phải chờ xét như trước đây”.
Cũng theo ông Sơn, với chương trình đào tạo rút ngắn thì sinh viên phải cực hơn rất nhiều, tự học nhiều hơn so với trước đây.
Trong khi đó, để rút ngắn thời gian đào tạo, Trường ĐH Mở TPHCM đã tiến hành rà soát và điều chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo. Từ năm học 2017, sinh viên của trường sẽ tham gia kiến tập, thực tập và làm báo cáo thực tế ở từng môn học cụ thể. Do đó, sinh viên phải làm việc nhiều hơn trước đây để có thể đáp ứng được tiến độ học tập.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM rút ngắn thời gian đào tạo bằng việc đã cơ cấu lại các môn thuộc chương trình cơ bản. Đơn cử như môn Toán cơ bản gồm 10 tín chỉ bắt buộc, nay giảm xuống còn 5 tín chỉ bắt buộc và 5 tín chỉ thuộc học phần tự chọn…
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn – 08/09/2017